Cách sơ cứu khi bị ong chích

15/07/2019 5:58
Để nạn nhân nằm yên tại chỗ, dùng nhíp gắp ngòi độc ra, chườm lạnh vết thương, uống nhiều nước và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết mùa hè thường gia tăng tai nạn do ong đốt. Mọi người khi ở quê hay đi du lịch cần cẩn thận tránh xa tổ ong.

Nạn nhân bị ong đốt sẽ nhiễm độc, sốt... Mức độ độc phụ thuộc vào loài ong, số lượng nốt đốt. Nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí quan trọng như đầu và cổ, nạn nhân càng nhiễm độc nặng. Nọc độc của ong có thể gây vỡ hồng cầu, tan máu, tổn thương cơ, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu. Bệnh nhân có thể bị chảy máu phổi, tổn thương tim, suy tim, suy thận.

Khi bị ong đốt nhiều (5 đến 10 nốt trở lên), nạn nhân sẽ có triệu chứng mệt, khó chịu, sưng đau, đặc biệt vết đốt ở đầu, mặt, cổ, vai trên, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Có trường hợp chỉ bị ong đốt 2 nốt nhưng tình trạng nhiễm độc lại rất nặng. 


Ảnh: Healthline

Theo bác sĩ Thy, sơ cứu ban đầu đúng cách sẽ tránh bệnh diễn biến nặng. Nạn nhân nên uống nhiều nước (nước lọc, nước rau, oresol) để độc nhanh chóng được thải ra khỏi cơ thể, giảm mức độ nhiễm nặng. Vào viện, bệnh nhân được truyền dịch liên tục, lợi tiểu. 

Nếu bị ong đốt, cần lưu ý sơ cứu kịp thời theo các bước sau:

Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong. Đặt người nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.

Dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể khiến nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và sưng. Uống nhiều nước thải các độc tố.

Đưa người bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Cẩm Anh
(VnExpress)

Các tin tức khác

Back to top