Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại có dịch bệnh kéo dài đến như vậy. Điều tất yếu như mọi dịch bệnh mới xảy ra, phần lớn kiến thức về Covid-19 hầu như tập trung vào bệnh cấp tính.
Một thực tế không thể phủ nhận là nhân loại đang dần thích nghi trong việc sống chung với Covid-19. Nhiều quốc gia đã xem Covid-19 là căn bệnh đặc hữu chứ không còn là đại dịch. Khi đó, Covid-19 kéo dài sẽ kéo theo những tác động lâu dài về mặt sức khỏe đang dần được làm sáng tỏ.
Hội chứng sau Covid-19 là gì?
Hội chứng sau Covid-19 được mô tả lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2020. Ngay sau khi các trường hợp Covid-19 đầu tiên phát hiện, một số bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng trong vài tuần sau khi bị nhiễm cấp tính. Các triệu chứng sau Covid-19 phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, rối loạn hệ hô hấp và hệ thần kinh. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tháng và làm ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng sau Covid-19 bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng phát triển trong hoặc sau một đợt nhiễm bệnh. Các biểu hiện này tiếp tục kéo dài nhiều tuần và không được giải thích bằng một chẩn đoán khác. Thuật ngữ “hội chứng” phản ánh sự xuất hiện đồng thời của các dấu hiệu và triệu chứng ở nhiều hệ thống cơ quan. Hội chứng này biểu hiện khá thay đổi, chỉ xảy ra ở một số bệnh nhân chứ không phải tất cả người nhiễm Covid-19.
Hội chứng sau Covid-19 còn được gọi là Covid-19 kéo dài, đề cập đến các triệu chứng tồn tại hơn ba tuần sau khi chẩn đoán nhiễm bệnh. Tỷ lệ mắc hội chứng sau Covid-19 ước tính khoảng 10-35%. Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó là khó thở kéo dài. Các triệu chứng khác ít gặp hơn bao gồm rối loạn nhận thức tâm thần, đau đầu, đau cơ, đau ngực, đau khớp, rối loạn chức năng khứu giác và vị giác, ho, rụng tóc, mất ngủ, khò khè, đau bụng, các vấn đề về tim mạch và tiêu hóa. Các triệu chứng này có thể tồn tại đến sáu tháng sau đó.
Điều này cho thấy bản chất Covid-19 ảnh hưởng trên nhiều hệ thống cơ quan của cơ thể. Điểm đáng chú ý khác là hơn một phần ba số bệnh nhân bị hội chứng sau Covid-19 có các bệnh đi kèm từ trước, trong đó tăng huyết áp và đái tháo đường là những bệnh nền phổ biến nhất.
Các nhà khoa học cũng đã ghi nhận hội chứng sau nhiễm vi-rút Corona tương tự ở 2 trận dịch do chủng vi-rút này gây ra trước đây. Các triệu chứng mệt mỏi, đau cơ và suy giảm tâm thần được ghi nhận ở những người sống sót sau hội chứng hô hấp Trung Đông 2012 (MERS) và hội chứng nguy kịch hô hấp cấp 2009 (SARS). Các triệu chứng này kéo dài tới 4 năm sau đó. Điều này ngụ ý rằng hội chứng sau Covid-19 là một vấn đề y tế được dự báo trước nhưng vẫn cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Cơ chế sinh bệnh của hội chứng sau Covid-19 bao gồm nhiều yếu tố, phần lớn vẫn chưa được biết rõ. Tình trạng viêm kéo dài có vai trò quan trọng có thể gây ra một số biến chứng thần kinh, rối loạn chức năng nhận thức và một số triệu chứng khác. Các cơ chế khác bao gồm huyết khối tắc mạch, rối loạn chức năng mạch máu và chức năng hệ thần kinh.
Chúng ta vẫn không quá ám ảnh và bi quan bởi lẽ ngoài thời gian kéo dài của các triệu chứng, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hầu hết bệnh nhân bị hội chứng sau đều có tiên lượng tốt mà không có thêm biến chứng hoặc kết cục tử vong nào được ghi nhận. Các triệu chứng trong đợt bệnh cấp tính ở những bệnh nhân sau đó phát triển thành hội chứng sau Covid-19 hầu hết là nhẹ và có sự cải thiện theo thời gian.
Kiểm soát hội chứng sau Covid-19
Ngoài các triệu chứng dai dẳng, các bằng chứng hiện tại cho thấy phần lớn bệnh nhân bị hội chứng sau Covid-19 có sự cải thiện theo thời gian và có tiên lượng tốt. Vì căn bệnh này mới xuất hiện, nên phạm vi tác động và kết quả về mặt lâu dài của hội chứng này vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Các tài liệu hiện nay gợi ý phục hồi chức năng có thể áp dụng cho một số bệnh nhân bị hội chứng sau Covid-19. Theo đó, bệnh nhân được khuyên thực hiện các bài tập nhẹ với nhịp độ phù hợp với năng lực cá nhân. Độ khó của bài tập được tăng dần trong mức có thể chịu đựng được cho đến khi cải thiện tình trạng mệt mỏi và khó thở, thường cần từ 4 đến 6 tuần.
Ảnh minh họa |
Phục hồi chức năng cũng bao gồm các bài tập thở nhằm kiểm soát hơi thở sâu và chậm để tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành. Nên hít vào bằng mũi, mở rộng vùng bụng, thở ra bằng miệng. Các bài tập vận động và thở nhẹ như vậy nên được thực hiện hàng ngày trong các buổi từ 5–10 phút. Người bệnh cũng cần biết cách tự theo dõi tại nhà về nhịp tim, huyết áp, đo độ bão hòa oxy máu (SpO2), theo dõi giấc ngủ, và trạng thái tâm lý và các triệu chứng bất thường khác.
Các triệu chứng dai dẳng có thể liên quan đến tình trạng viêm, tổn thương đa cơ quan, cách ly xã hội hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý nền đi kèm. Điều này rất quan trọng khi đánh giá các triệu chứng chung (mệt mỏi, đau mãn tính, đau đầu, rối loạn trí nhớ ...) có thể liên quan chặt chẽ đến các yếu tố tâm lý và xã hội hơn là việc nhiễm SARS-CoV-2.
Quan niệm sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”. Điều này đã được khẳng định tại Bản Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978. Như vậy, sức khỏe gồm ba thành tố: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe xã hội. Cho đến nay, trong bối cảnh ngành y tế quá tải bởi số ca nhiễm và tử vong, chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc cố gắng làm tốt chăm sóc sức khỏe thể chất. Các biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ về sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội vẫn còn khiêm tốn và chưa đồng bộ.
Rối loạn giấc ngủ và rối loạn tâm thần, như lo lắng, trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến khoảng 26 - 40% bệnh nhân. Đây thực sự là một con số báo động. Nhưng đáng chú ý hơn, các vấn đề tâm lý này thậm chí kéo dài đến sáu tháng sau khi mắc Covid-19. Các biểu hiện có thể bao gồm nhiều mức độ như cảm giác ám ảnh, giảm hoạt động xã hội, kém tập trung, hung hăng, cáu kỉnh, suy giảm nhận thức.
Đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cấp tính và lâu dài cho người bệnh. Các chuyên gia quốc tế đã công nhận rằng tác động của Covid-19 đến sức khỏe tâm thần cũng đáng kể như chính tác động về thể chất mà nó gây ra. Những bệnh nhân có các triệu chứng sau Covid-19 có thể đã trải qua cảnh mất mát người thân, mất việc làm, giảm thu nhập…. Từ đó khiến họ khó hòa nhập vào công việc, các hoạt động xã hội. Chúng ta cũng cần chú ý đến những bệnh nhân trẻ tuổi, những người khỏe mạnh trước khi nhiễm bệnh vì họ là những người có tiềm năng hồi phục cao nhất về nhiều mặt.
Đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hàng triệu người trên toàn thế giới, để lại gánh nặng toàn cầu cho việc chăm sóc những người sống sót sau Covid-19. Do đó, nghiên cứu các tác động Covid-19 ngắn hạn lẫn lâu dài là điều cần thiết và vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Từ khi WHO công bố Covid-19 trở thành đại dịch, ít ai có thể nghĩ rằng căn bệnh này có thể chuyển sang kéo dài.
Hiện tại, các nhà khoa học chưa thống nhất về phân loại hội chứng sau Covid-19 cũng như chưa có một phác đồ điều trị tiêu chuẩn. Cho đến nay, WHO chưa đưa ra một khuyến nghị hay định nghĩa chính thức nào về hội chứng sau Covid-19. Điều này cho thấy, chúng ta cần nhiều bằng chứng khoa học xác đáng và cụ thể hơn trước khi có những hướng dẫn chính thống về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng bình phục sau đại dịch là điều tất yếu sẽ đến. Sự bình phục ấy cần được quan tâm và chăm sóc trên cả phương diện sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.
Các tin tức khác
- Ăn mặn hại xương (20/12/2021 1:04)
- Cơ thể của bạn là một ảo ảnh (14/10/2021 1:11)
- Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong một năm tới? (25/09/2021 12:26)
- Chỉ cần một tin nhắn để được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 (23/09/2021 12:33)
- Bộ Y tế đồng ý rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin AstraZeneca (21/09/2021 12:27)
- Nên và không nên ăn chay giả mặn theo khía cạnh Đạo Phật (17/09/2021 12:36)
- Khoảng cách 2 mũi vắc xin AstraZeneca bao lâu thì tốt nhất? (14/09/2021 12:34)
- Bí quyết của BS người Việt ở Nhật ( 4/09/2021 12:35)
- 5 vấn đề Tăng Ni, Phật tử cần lưu ý khi đến điều trị Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến (26/08/2021 12:32)
- Bộ Y tế công bố 20 bệnh nền dễ trở nặng khi mắc Covid-19 (25/08/2021 12:39)