ThS.BSCK1 Võ Khắc Khôi Nguyên
26/08/2021 12:32
Với tình hình lây nhiễm cộng đồng hiện nay ở TP.HCM cũng như một số tỉnh, thành khác, dương tính với SARS CoV-2 là điều có thể xảy ra cho bất cứ ai, một số trường hợp buộc phải đến bệnh viện dã chiến để điều trị.
Nhằm tránh những lúng túng cho Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc không may mắc Covid-19 và phải đến bệnh viện dã chiến đễ điều trị, Giác Ngộ Online giới thiệu bài viết của ThS.BSCK1 Võ Khắc Khôi Nguyên, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, người được điều động hỗ trợ việc điều trị Tăng Ni tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 10.
ThS.BSCK1 Võ Khắc Khôi Nguyên nói chuyện với các tình nguyện viên là Tăng Ni, Phật tử tại Việt Nam Quốc Tự, trước lúc xuất phát đến phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 10 - Ảnh: Bảo Toàn |
1- Các giấy tờ cần chuẩn bị
Bệnh viện dã chiến chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân F0. Để thuận tiện cho việc tiếp nhận bệnh nhân, quý Tăng Ni, Phật tử nếu được chỉ định hoặc có nguyện vọng đến điều trị khi không may nhiễm SARS CoV-2, cần chuẩn bị giấy tờ tuỳ thân, kết quả xét nghiệm RT-PCR (không phải là kết quả test nhanh) và quan trọng nhất là giấy xác nhận chuyển tuyến của y tế phường/xã quận/ huyện lên bệnh viện điều trị Covid-19.
Không phải bất cứ ai nhiễm Covid-19 đều được nhập viện. Nhất là trong bối cảnh ngành y tế bắt đầu triển khai điều trị F0 tại nhà để giảm tải cho bệnh viện.
Hiện nay các bệnh viện điều trị Covid-19 của nhà nước đều miễn phí nên cần có danh sách từ địa phương cập nhật lên cổng thông tin ngành y tế để làm cơ sở quyết toán và phân tầng bệnh nhân trước khi chuyển viện.
Riêng Bệnh viện Dã chiến số 10 có khu vực điều trị cho Tăng Ni. Chư Tăng Ni khi nhập viện cần có sự xác minh của Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện; hoặc Ban Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM để chuyển thông tin cho phía bệnh viện tiếp nhận.
2- Thời gian lưu viện
Nếu người bệnh không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, trung bình thì thời gian lưu viện khoảng 7-10 ngày. Trong thời gian này, các bác sĩ chủ yếu thăm khám, theo dõi các vấn đề trở nặng để xử trí kịp thời.
Các vấn đề sinh hoạt, chăm sóc hàng ngày người bệnh sẽ tự túc thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Đặc biệt, các bệnh viện điều trị Covid-19 không có chế độ thăm nuôi bệnh nên càng cần sự tự túc sinh hoạt của chính người bệnh và sự trợ giúp của những bệnh nhân ở chung phòng bệnh với nhau.
3-Cần mang theo các vật dụng cá nhân thiết yếu dùng hàng ngày
Vì là bệnh viện dã chiến nên các vật dụng nhu, yếu phẩm được trang bị ở mức tối thiểu. Các vật dụng cá nhân mang theo cần gọn nhẹ, phải thật sự cần thiết mới nên mang vào bệnh viện.
Chư Tăng Ni, Phật tử nên ưu tiên các vật dụng sử dụng tạm thời hoặc dùng 1 lần rồi bỏ đi. Tránh mang theo quá nhiều đồ đạc vì nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt khi bạn xuất viện thì mầm bệnh có thể bám theo các đồ đạc này về nhà.
Nên chuẩn bị mền gối, quần áo, vớ chân thoáng rộng, đủ giữ ấm, ấm đun siêu tốc bằng điện để có nước nóng sử dụng khi cần.
Tuyệt đối không hút thuốc lá hay sử dụng bật lửa trong khu vực phòng bệnh, vì nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là các bệnh viện điều trị Covid-19 luôn dự trữ lượng lớn ô-xy và lại để rải rác nhiều nơi trong bệnh viện.
Bệnh viện sẽ cung cấp thức ăn, nước uống cho người bệnh. Riêng Bệnh viện Dã chiến số 10 do Giáo hội phối hợp chăm lo, có Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM cung cấp suất ăn chay hàng ngày đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng cho Tăng Ni đang điều trị tại đây.
Bệnh viện Dã chiến số 10, nơi có khu vực dành cho Tăng Ni - Ảnh: Bảo Toàn |
4-Chuẩn bị túi thuốc và vật dụng y tế cá nhân
Chư Tăng Ni đang điều trị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... nên nhớ mang theo thuốc dùng hàng ngày khi nhập viện. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, quý vị nên chuẩn bị thêm các thuốc thông thường như giảm đau, hạ sốt, viên ngậm trị ho, đau họng, oresol, nước súc miệng.
Thường những thuốc điều trị triệu chứng bệnh viện sẽ phát cho bệnh nhân F0 có triệu chứng. Các thuốc trị các bệnh lý nền thường không có sẵn ở các bệnh viện dã chiến. Việc dùng thuốc (kể cả thuốc điều trị bệnh nền) cần tham khảo ý kiến bác sĩ đang trực tiếp điều trị Covid của quý vị. Không tuỳ tiện tự dùng thêm thuốc để tránh nguy cơ quá liều, tương tác thuốc.
Tốt hơn nữa, quý vị có thể mang theo nhiệt kế, máy đo huyết áp cá nhân, máy đo độ bão hòa ô-xy máu (SpO2) để có thể tự theo dõi cho bản thân hàng ngày. Khi bạn biết cách tự theo dõi các trị số sinh hiệu như mạch, huyết áp, SpO2, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y bác sĩ hiện nay.
Đừng quên mang theo khẩu trang y tế trong hành lý của bạn. Thậm chí bạn nên thay khẩu trang mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh. Nhiều bệnh nhân F0 lại kém tuân thủ thông điệp 5K trong bệnh viện Covid-19, thậm chí phớt lờ việc mang khẩu trang trong phòng bệnh vì cho rằng vào đây ai cũng đã nhiễm bệnh.
Nên nhớ rằng tải lượng vi-rút ở mỗi người bệnh khác nhau, tải lượng này càng thấp thì cơ hội bình phục càng sớm. Vì vậy chúng ta cần bảo vệ sức đề kháng, tránh nguy cơ bội nhiễm từ bên ngoài sẽ giúp cơ thể mau bình phục hơn, ra viện sớm hơn.
5- Hợp tác tốt và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ
Là người bệnh, chúng ta cần hiểu rằng, mọi chỉ định mà bác sĩ đưa ra chỉ nhằm mục đích duy nhất là giúp người bệnh mau chóng phục hồi và tránh các biến chứng. Nếu có gì chưa rõ, quý vị hãy trao đổi với nhân viên y tế. Không nên tự ý làm theo suy nghĩ của mình.
Những việc làm tưởng như vô hại đến sức khỏe (chẳng hạn như tự ý đổi chỗ nằm) nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến công tác điều trị của y bác sĩ rất lớn. Trong khi công việc của đội ngũ y tế ở các bệnh viện dã chiến vốn luôn quá tải. Do thiếu thốn về nhân lực, nên các nhân viên y tế phải làm luôn cả công tác vệ sinh, hộ lý nhưng cũng không xuể.
Việc giữ vệ sinh cá nhân giúp bạn giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bản thân và cho cả người xung quanh, nhất là người chung phòng bệnh, cũng là cách hỗ trợ giảm tải cho các nhân viên y tế.
Các tin tức khác
- Bộ Y tế công bố 20 bệnh nền dễ trở nặng khi mắc Covid-19 (25/08/2021 12:39)
- TPHCM hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh COVID-19 (24/08/2021 12:50)
- 3 cách đơn giản để ngăn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể (24/08/2021 12:42)
- Gợi ý những món chay ngon cho lễ Vu Lan báo hiếu (19/08/2021 1:13)
- WHO: 5 bước theo dõi bệnh nhân COVID-19 tại nhà (19/08/2021 1:09)
- Đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần trong thời gian dịch bệnh (17/08/2021 12:24)
- Cách khử khuẩn khi 99% ca nhiễm Covid-19 lây lan ở trong nhà ( 5/08/2021 12:19)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cách để giữ bản thân, gia đình an toàn trong dịch Covid-19 (27/07/2021 1:54)
- Lời khuyên tâm lý dành cho F1, F0 khi cách ly tại nhà (26/07/2021 12:14)
- TP HCM cho F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà (21/07/2021 12:06)