Cách khử khuẩn khi 99% ca nhiễm Covid-19 lây lan ở trong nhà

5/08/2021 12:19
Có tới 99% ca nhiễm Covid-19 lây lan ở trong nhà. Nhiều nghiên cứu thực tế tại Trung Quốc và châu Âu châu đã khẳng định điều đó, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) cho biết trong bài viết.

Virus Corona lây nhiễm từ đâu là chủ yếu?

Cũng theo GS Tuấn, một tổng quan về nơi lây nhiễm công bố trên tập san Journal of Infectious Diseases hôm 24/2/2021 cho thấy tuyệt đại đa số ca lây nhiễm xảy ra trong nhà. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ lây nhiễm trong nhà là 7.322 trên 7.324 ca nhiễm - tỷ lệ gần 100%, so với ngoài trời là hai trên 7.324 ca - hay 0,03%.

Nghiên cứu ở Ireland cũng cho thấy hơn 99% ca lây nhiễm xảy ra trong không gian nhà, văn phòng, nơi làm việc. Còn lây nhiễm nơi công cộng gần như không đáng kể.

Hãy khử khuẩn trong nhà thay vì ngoài cộng cộng!

Chúng ta đã biết cơ chế lây nhiễm của virus là qua giọt bắn. Những giọt li ti này đi vào không khí khi người có virus nói, ho hay hắt hơi, và ai đứng gần có thể bị nhiễm. Virus này tồn tại trong không khí chừng ba giờ đồng hồ, nhưng nó có thể "sống" từ hai đến ba ngày trên bề mặt các vật dụng làm bằng inox hay sắt thép - một số có lẽ là "xác virus".

Cần nhấn mạnh rằng cơ chế lây qua các giọt li ti trong không khí ở khoảng cách gần gần như là quy luật của virus SARS-Cov-2. Điều này có ý nghĩa thực tế khi nhà hàng và công xưởng được lắp tấm chắn giữa các bàn. Ý nghĩa thật sự của nó là thiết lập thói quen giãn cách xã hội.

Từ kết quả nghiên cứu nói trên, GS Tuấn cho rằng việc phun xịt sát khuẩn ngoài trời không có tác dụng gì và gây hại cho cộng đồng, sức khoẻ cư dân. Các nước như Anh, Australia, Mỹ, châu Âu và ngay cả CDC, WHO đều không khuyến cáo việc này.

Cách khử khuẩn trong nhà 

"Chúng ta nên tập trung vệ sinh trong nhà hơn là ngoài trời. Một phân tích ở Pháp chỉ ra thứ tự nguy cơ lây nhiễm như sau: Tại nhà ở là 13%; phương tiện đi lại công cộng 12%; nhà hàng, quán ăn 7%; nơi làm việc 2%; trường học 2% và bệnh viện 1,7%".

"Tại từng gia đình cũng tương tự, ta có thể dùng cồn, chất khử khuẩn được cho phép lau chùi các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn, ghế, cửa sổ, tường nhà tắm, bếp, đồ dùng nhiều người tiếp xúc. Bộ Y tế Việt Nam có thể công khai danh sách các chất khử khuẩn được cho phép sử dụng đang có bán trên thị trường để dân chúng biết. Một chiến dịch khử khuẩn toàn dân không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng mà còn có cơ sở khoa học", GS Tuấn viết bài đăng trên VNExpress.net.

 

GS Nguyễn Văn Tuấn là Senior Principal Fellow (còn gọi là Australia Fellow) thuộc Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Úc; Giáo sư về loãng xương thuộc Khoa Y, ĐH New South Wales; Giáo sư Y khoa tiên lượng thuộc ĐH Công nghệ Sydney (UTS); và Giáo sư kiêm nhiệm về dịch tễ học và thống kê học thuộc Đại học Notre Dames.

 

Ở Việt Nam, GS Tuấn được trao chức danh Giáo sư xuất sắc của ĐH Tôn Đức Thắng, Giáo sư Danh dự của ĐH Dược Hà Nội...

 

Các tin tức khác

Back to top