Tác dụng của paracetamol
Paracetamol là loại thuốc rất quen thuộc với người dân ở cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế. Thuốc được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau (có nguồn gốc không phải nội tạng) và sốt từ nhẹ đến vừa.
Paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol) là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin (aspirin cũng là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt thuộc nhóm kháng viêm không steroid). Nhưng khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm.
Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Thuốc tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tỏa nhiệt tăng do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Ở liều điều trị, thuốc ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid - base, không gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng salicylat, vì paracetamol không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương. Paracetamol không có tác dụng trên tiểu cầu hoặc thời gian chảy máu… Vì thế, nằm trong nhóm hạ nhiệt, giảm đau nhưng paracetamol được cho là thuốc “lành” hơn cả so với các thuốc khác có tác dụng này.
Và nguy cơ gây tổn thương gan
Ở liều điều trị thông thường paracetamol tương đối không độc, dung nạp tốt, nhưng khi dùng quá liều (trên 10 gam) sẽ gây ngộ độc cấp tính. Việc dùng quá liều thuốc đã làm cho một chất chuyển hóa của paracetamol là N-acetyl-benzoquinonimin được tạo thành với lượng đủ để làm cạn kiệt glutathion của gan, và phản ứng của nó với nhóm sulfhydryl của protein gan tăng lên, gây ngộ độc nặng cho gan, hoại tử gan. Việc uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol (nên tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng thuốc này).
Nguyên nhân dẫn đến việc dùng quá liều thuốc là do có ý định tự tử hoặc vô tình dùng quá liều. Hiện trên thị trường các sản phẩm có chứa paracetamol rất phong phú và đa dạng ở cả dạng đơn chất và kết hợp. Đây cũng là thuốc có nhiều tên biệt dược nhất (tới hàng trăm loại) nên nhiều người sử dụng thường không biết rằng các sản phẩm này (ở cả thuốc theo đơn và thuốc OTC) đều có chứa paracetamol và dễ dẫn đến việc vô tình dùng quá liều thuốc. Nhiễm độc paracetamol có thể do dùng một liều độc duy nhất, hoặc do uống lặp lại liều lớn paracetamol (ví dụ, 7,5 - 10 g mỗi ngày, trong 1 - 2 ngày), hoặc do uống thuốc dài ngày. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều và có thể gây tử vong.
Do có nguy cơ gây hại cho gan, nên mới đây FDA (Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ) đã có khuyến cáo yêu cầu các nhân viên y tế ngừng kê đơn dạng thuốc phối hợp giảm đau chứa paracetamol (acetaminophen) có hàm lượng vượt quá 325 mg mỗi viên nén (viên nang, hoặc đơn vị phân liều khác). Khuyến cáo này hướng đến các thuốc giảm đau kê đơn chứa paracetamol và hoạt chất khác như các opioid (như codein, oxycodon, hydrocodon). Vì, hiện nay một số chế phẩm phối hợp có hàm lượng paracetamol cao hơn 325 mg, thậm chí đến 750 mg mỗi liều. FDA nhấn mạnh, các ca tổn thương gan nghiêm trọng do paracetamol thường diễn ra ở những bệnh nhân dùng nhiều hơn liều kê đơn của chế phẩm chứa paracetamol trong vòng 24 giờ; dùng đồng thời nhiều chế phẩm cùng chứa paracetamol hoặc dùng thức uống có cồn chung với các chế phẩm paracetamol.
Ngoài gây độc cho gan, một số tác dụng không mong muốn khác của thuốc có thể xảy ra như buồn nôn, nôn (ít gặp) hoặc ban da (thường là ban đỏ hoặc mày đay). Nếu người bệnh sử dụng paracetamol thấy có triệu chứng như phát ban, mụn nước... cần ngừng thuốc và đến cơ sở y tế ngay lập tức. Trường hợp đã từng có một phản ứng da khi dùng paracetamol thì không dùng lại thuốc này trong những lần sau. Cần nói với bác sĩ về phản ứng dị ứng da của mình với paracetamol để bác sĩ có thể dùng sang các loại thuốc hạ sốt, giảm đau khác.
Những lưu ý khi sử dụng
Paracetamol thường được dùng theo đường uống. Đối với người bệnh không uống được, có thể dùng dạng thuốc đạn đặt trực tràng (liều đặt trực tràng cần thiết để có cùng nồng độ huyết tương có thể cao hơn liều uống).
Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc.
Không dùng paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,5ºC), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được thầy thuốc chẩn đoán nhanh chóng.
Để giảm thiểu nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ em dùng quá 5 liều paracetamol để giảm đau hoặc hạ sốt trong vòng 24 giờ, trừ khi có ý kiến của thày thuốc.
Đối với dạng viên nén paracetamol giải phóng kéo dài, khi uống không được nghiền nát, nhai hoặc hòa tan trong chất lỏng.
Khi sử dụng thuốc ở nhà cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và xem kỹ hàm lượng paracetamol có trong sản phẩm để sử dụng đúng liều cho từng đối tượng (trẻ em, người lớn).
Không dùng thuốc trong các trường hợp người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh nghiêm trọng về tim, phổi, thận hoặc gan; Người bệnh quá mẫn với paracetamol; Người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
Theo SK&ĐS
Các tin tức khác
- Người hay tức giận tranh cãi thì chóng chết (20/06/2014 2:15)
- Những điều chưa biết về cảm lạnh (19/06/2014 12:18)
- Mang bệnh do dùng tủ lạnh không đúng cách (18/06/2014 1:53)
- Mẹo chữa nhanh chứng ăn không tiêu (16/06/2014 5:02)
- Phòng tránh xuất huyết não (14/06/2014 6:07)
- Đậu Hà Lan tốt cho thận và tim mạch (13/06/2014 6:26)
- Ăn nhiều thịt sẽ mắc một số bệnh rất nguy hiểm (12/06/2014 10:49)
- Ngăn ngừa độc hại từ máy tính, cách gì? (11/06/2014 11:38)
- Bài thuốc trị bệnh cực hay từ quả dưa chuột (11/06/2014 2:11)
- 10 nguyên tắc vàng phòng ngộ độc thức ăn ( 9/06/2014 9:41)