Sữa chua không đơn thuần là món ăn dinh dưỡng

25/05/2016 12:53
Sữa chua là một thực phẩm rất thông dụng nhưng ít người tìm hiểu kỹ sữa chua có những điểm gì nổi bật so với sữa thông thường. Để thấy rõ những ưu việt tuyệt vời của sữa chua về mặt sức khỏe chứ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm dinh dưỡng, chúng ta hãy tìm hiểu về sữa chua.

Sữa chua là sản phẩm từ sữa  được lên men bằng các vi khuẩn có ích như Lactobacillus bulgaricus, Lactobacillus acidophilus hoặc Streptococus themophilus... Mọi loại sữa đều có thể làm được sữa chua nhưng trong cách chế biến hiện nay sữa bò là được dùng nhiều nhất; sau đó có thể dùng sữa đậu nành.

Các vi khuẩn giáng hóa đường lactose trong sữa thành axit lactic làm pH = 4-5 tạo môi trường toan đề phòng sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, pH axit còn làm các protein hòa tan trong sữa đông vón lại không còn ở dạng tự nhiên nữa. Yogurt được gọi là các sữa chua có vi khuẩn sống hoạt động đến sản phẩm cuối cùng, còn các sữa chua được thanh trùng bằng phương pháp Pasteur ở nhiệt độ 70-800C không còn vi khuẩn sống được gọi là sữa lên men.

Có tối thiểu 10 loại kháng sinh trong sữa chua không độc hại, dễ phân hủy, rất có lợi cho sức khỏe.

Metchnikov - nhà sinh lý học người Nga vào thế kỷ thứ 19 đã đưa ra giả thuyết ăn sữa chua đều đặn kéo dài liên quan tới tuổi thọ cao của những người nông dân Bulgarie. Ông tin rằng chủng vi khuẩn lên men sữa lactobacilus rất tốt cho sức khỏe nên ông khuyến khích sử dụng sữa chua khắp châu Âu.

Tới năm 1919, sữa chua được đưa sản xuất công nghiệp tại Barcelona bởi Danone. Năm 1947, Danone sản xuất đưa vào thị trường Mỹ (sữa chua mít, hoa quả...). Năm 1950-1980, sữa chua được dùng phổ biến ở Mỹ là một thức ăn có lợi cho sức khỏe.

Ngày nay, qua nghiên cứu cho thấy những tác dụng rất tốt của sữa chua.

Hệ tiêu hóa người là cơ quan miễn dịch lớn nhất cơ thể nó chiếm tới 80% tế bào sản xuất kháng thể. Sữa chua là nguồn bổ sung các vi khuẩn có ích (probiotic) cho ống tiêu hóa giúp tăng cường tiêu hóa hấp thu, tăng cường chức năng miễn dịch tại ruột và toàn bộ cơ thể. Những nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản, Italy và Thụy Sĩ đã chứng minh được rằng sữa chua làm tăng hàm lượng kháng thể chống vi khuẩn. Gần đây nhất người ta còn tìm thấy hàm lượng interferon có thể được gia tăng gấp ba lần trong máu của người có thói quen dùng sữa chua hàng ngày. Interferon là kháng thể không đặc hiệu của tế bào để chống lại sự nhiễm vi khuẩn hay nhiễm virut. Ngoài ra, đặc tính bảo vệ của vi khuẩn chí trội bifidus còn tổng hợp vitamin, tổng hợp enzym hệ tiêu hóa và giảm pH môi trường phân nên ức chế vi khuẩn gây bệnh.

Sữa chua giúp tiêu hóa sữa (tiêu hóa lactose sữa) ở người không dung nạp lactose thể trung bình. Đây là một bệnh di truyền do thiếu hụt men lactaza ở diềm bàn chải ruột. Có nhiều thể nhẹ, trung bình, nặng. Có một số mắc phải sau tiêu chảy kéo dài suy dinh dưỡng.

Sữa chua làm tăng tuổi thọ. Kết quả thống kê trên nhiều quốc gia cho thấy, số người thọ trên 100 tuổi cao rõ rệt ở các địa phương có tập quán dùng sữa chua thường xuyên.

Đến nay, người ta đã phát hiện ra tối thiểu 10 loại kháng sinh trong sữa chua không độc hại, dễ phân hủy trong môi trường và không tồn tại trong cơ thể. Các chuyên gia ở Bucaret phát hiện những con chuột bạch được nuôi bằng sữa chua có khả năng đề kháng với virut cảm cúm.

Một báo cáo đầu tiên từ Bulgarie về khả năng chữa lành ung thư trên sinh vật thí nghiệm nuôi bằng sữa chua. Sau đó, Viện Ung thư NewYork đã chứng minh là sữa chua có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Qua một nghiên cứu thống kê ghi nhận là phụ nữ quen dùng sữa chua rất ít bị ung thư vú vì cho rằng vi khuẩn lactic trong sữa chua có khả năng ức chế hoạt động của các yếu tố gây ung thư.

Như vậy, sữa chua không những là một thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng mà còn là nguồn bổ sung các vi khuẩn có ích cho ống tiêu hóa làm tăng cường tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng, làm tăng cường chức năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể và sữa chua còn được sử dụng trong dinh dưỡng điều trị các bệnh tiêu hóa, không dung nạp lactose, tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng.

 

Theo SKĐS

Các tin tức khác

Back to top