Điện thoại thông minh gây hại cho đời sống tinh thần

29/01/2018 2:07
Phải thừa nhận rằng đa số chúng ta đều dành khá nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh. Để hiểu rõ lý do vì sao chúng ta nên “đấu tranh” với việc ngưng kết nối với công nghệ, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cách mà người có sự dính mắc với điện thoại tri nhận và đánh giá về các thiết bị của họ.

Các phát hiện từ nghiên cứu quy mô nhỏ này do Đại học Hong Kong và Đại học Sungkyunkwan (Seoul, Hàn Quốc) cho thấy, một yếu tố góp phần cho trạng thái lo lắng về mặt tinh thần khi không có điện thoại thông minh bên cạnh (chứng nomophobia) chính là sự lệ thuộc của chúng ta đối với điện thoại thông minh trong việc tạo ra, lưu giữ và chia sẻ các ký ức cá nhân của mình.

Học thuyết này được đăng tải trên Tạp chí Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking, đặt vấn đề: Khi chúng ta tạo ra các ký ức bằng những thiết bị điện tử như điện thoại thông minh thì chúng ta càng trở nên phụ thuộc và dính mắc vào các thiết bị này. Khi người sử dụng bắt đầu xem điện thoại như một sự mở rộng của chính mình, họ có thể dính mắc nhiều hơn đến các thiết bị và đồng thời gây ra hội chứng lo lắng và sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh.

Các chuyên gia đã quan sát 300 người trưởng thành ở Hàn Quốc để tìm hiểu mối liên hệ của họ và điện thoại thông minh. Dựa vào kết quả bảng câu hỏi khảo sát, số người tham gia nghiên cứu được chia ra làm hai nhóm: một nhóm có mức lo lắng và sợ hãi cao khi không có điện thoại bên cạnh, một nhóm có mức lo lắng và sợ hãi thấp khi không có điện thoại bên cạnh.

Cả hai nhóm đều tri nhận rằng các thiết bị này là phương tiện để tiếp cận thông tin và để giải trí nhưng nhóm có sự lo lắng và sợ hãi cao lại mô tả bản thân mình như là một sự mở rộng của các thiết bị điện tử hiện đại, sử dụng các từ “tôi”, “của tôi”, “chính tôi” và “một phần”. Và nhóm này cũng cho biết thường bị đau cổ tay và đau cổ nhiều hơn nhóm còn lại.

Ngoài ra, những người này còn dễ bị phân tán trong học tập và công việc hơn. Các kết quả này cho thấy việc sử dụng một cách không đúng đắn các thiết bị này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực lên các điều kiện thể chất của người dùng cũng như chất lượng cuộc sống thường nhật của họ.

Càng lệ thuộc hay dính mắc vào điện thoại thông minh thì mức độ lo lắng và sợ hãi bị tách biệt khi không có điện thoại càng cao - khẳng định của chuyên gia về truyền thông Brenda Wiederhold.

“Thuật từ nomophobia, ám chỉ đến sự sợ hãi bị bỏ quên (FoMo) và sự sợ hãi bị mất kết nối (FoBo); tất cả các lo lắng này được tạo ra bởi lối sống công nghệ cao của chúng ta”, các chuyên gia cho biết.

Giải pháp cho bất ổn này chính là liệu pháp cho tiếp xúc và tương tác, đóng tắt các thiết bị công nghệ trong khoảng thời gian cố định và định kỳ, giáo dục người sử dụng các thiết bị công nghệ cách làm giảm lo lắng và trở nên dễ chịu trong thời gian vắng mặt các thiết bị này. Đây chính là kết luận từ nghiên cứu của các nhà khoa học.

Đức Hòa 
(theo Medical Daily)

Các tin tức khác

Back to top