17 “mật ngữ” của sức khỏe & hạnh phúc

20/03/2019 8:17
Người xưa có câu, đại ý rằng: Quan trọng không phải là sống thọ thêm vài năm nữa mà thêm ý nghĩa vào những năm tháng của cuộc đời mới là điều quan trọng thực sự.
Từ các bằng chứng nghiên cứu khoa học, con người chúng ta có thể trông trẻ trung hơn, cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn so với tuổi tác sinh học của mình, bằng nhiều cách - từ dinh dưỡng cho đến những chuyển biến có được từ sự thay đổi các thói quen sống hàng ngày.


Một trong những hoa trái của thiền tập là sức khỏe và hạnh phúc - Ảnh: Làng Mai

Dưới đây là các “mật ngữ” - các kỹ năng sống có sức khỏe, vui tươi, gói gọn trong một từ hay một ngữ ngắn gọn, có thể xem là chiếc chìa khóa đưa đến một cuộc sống ý nghĩa hơn cho mỗi chúng ta.

1. Lắng nghe

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp đã kết luận rằng lắng nghe trong sự thư giãn, như nghe nhạc chẳng hạn trước khi phẫu thuật hỗ trợ một cách đáng kể và hiệu quả trong việc giúp làm giảm lo lắng và tiếp nhận thuốc điều trị. 

Sự quán niệm hơi thở trong thiền, nếu thực hành thường xuyên không chỉ mang đến chánh niệm, mà còn cải thiện khả năng lắng nghe những gì diễn ra bên ngoài và cả trong thân tâm mình theo hướng tốt hơn.

2. Bữa ăn sáng

Các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã theo dõi 367.000 người trưởng thành trong thời gian 14 năm và phát hiện rằng, người nào ăn nhiều chất xơ từ ngũ cốc trong bữa ăn sáng đều giảm được 14% nguy cơ tử vong vì bất cứ lý do gì trong thời gian diễn ra nghiên cứu.

Đáng ngạc nhiên là số người hấp thu lượng chất xơ cao nhất giảm được đến 34% nguy cơ tử vong do bệnh tiểu đường.

3. Đọc

Một nghiên cứu của Anh quốc gần đây tiến hành trên người bị stress khảo sát nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có: đọc sách, nghe nhạc, uống trà, cà-phê và đi bộ cho thấy: đọc sách giúp giảm mức stress và nhịp tim đến 68%, có tác dụng tốt nhất trong số các hoạt động vừa kể trên. 

4. Thích ứng

Các nhà nghiên cứu Harvard đã khẳng định người không có khả năng hay không tìm được cách thích ứng và vượt qua các khó khăn tâm lý khi đối mặt các bất ổn tinh thần như stress, lo lắng và suy nhược tinh thần thì khả năng tử vong trước tuổi 60 cao hơn, đặc biệt là ở nam giới.

5. Hòa nhập xã hội

Những người sống trong sự cô đơn và đơn độc có nhiều hơn 14% nguy cơ tử vong so người bình thường, có gấp đôi nguy cơ tử vong có liên quan đến béo phì. 

Nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina nhấn mạnh, sự cô lập hay tách biệt trong tương tác xã hội (với người thân, bạn bè và xã hội) làm tăng nguy cơ huyết áp cao và tiểu đường vì những người có cuộc sống đơn độc, thiếu hòa nhập có đề kháng yếu hơn và dễ dàng mắc các bệnh như đau tim, đột quỵ, suy nhược tinh thần.

6. Củ hành

Phụ nữ cao tuổi ăn củ hành mỗi ngày có mật độ xương cao hơn 5% so với người chỉ ăn củ hành một lần mỗi tháng, theo các nhà nghiên cứu Trung tâm Y khoa Đại học Nam Carolina. Và những người thường xuyên ăn củ hành cũng giảm được 20% nguy cơ gãy xương hông.

7. Thưởng thức

Thưởng thức và tận hưởng các món ăn ngon và yêu thích một cách vừa phải, hợp lý sẽ làm tăng mức độ hạnh phúc cho mỗi người, đó là công bố từ các nhà khoa học tại Đại học Tufts.

8. Ký ức

Các chuyên gia Đại học Loyola phát hiện ra rằng hồi tưởng lại các ký ức đẹp 20 phút mỗi ngày có thể làm cho chúng ta cảm thấy hân hoan hơn. “Điều kỳ diệu nằm trong những sự kiện tích cực trong cuộc sống”, chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý học Sonja Lyubomirsky trên tờ Psychology Today.

9. Chạy bộ

Báo cáo gần đây trên tạp chí Tim mạch Đại học Hoa Kỳ cho thấy chạy bộ khoảng 5 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm được nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch đến 50% và nguy cơ tử vong nói chung đến 29%. 

10. Thiền tập

Các chuyên gia của Trung tâm Bản đồ Não bộ UCLA khẳng định từ nghiên cứu của mình rằng, não bộ của người của người hành thiền hay có sự thiền tập thường xuyên có mức dung lượng chất xám lớn hơn - khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ, cảm xúc, thị lực, khả năng nghe, ngôn từ, khả năng kiểm soát và đưa ra quyết định. 

11. Thị lực

Cà-rốt không phải là thực phẩm tốt nhất và duy nhất cho thị lực. Các dưỡng chất trong trứng như lutein, vitamin E và các axit béo omega-3 đặc biệt có lợi cho mắt và giúp ngăn chặn thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và các chứng mãn tính khác.

12. Đi bộ chân trần

Đi bộ chân trần (không mang giày) giúp giảm áp lực lên các khớp gối đến 12% so với đi bộ có mang giày, dù là loại giày dễ chịu nhất. 

Đi bộ chân trần cũng giúp giảm thiểu đau và thương tật do viêm khớp. Đây là kết quả từ nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Đại học Rush. 

13. Đậu hủ

Nghiên cứu tiến hành trên gần 2.700 người Hoa Kỳ trưởng thành trong 16 năm cho thấy, người có mức axit béo omega-3 cao nhất giảm được 27% nguy cơ tử vong nói chung và giảm được 35% nguy cơ vì bệnh tim mạch so với người có mức hấp thu axit béo này thấp nhất. 

Đậu hủ chính là nguồn cung cấp axit béo omega-3 với hàm lượng cao nhất. Hấp thu 250 mg omega-3 mỗi ngày giúp kéo dài thêm 2 năm tuổi thọ ở người trên 65 tuổi, theo tạp chí Annals of Internal Medicine.

14. Di chuyển

Một nghiên cứu quy mô lớn của Úc quan sát thói quen mỗi ngày của 230.000 người cho thấy: người ngủ quá nhiều (trên 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm), người ngồi quá nhiều (hơn 7 giờ mỗi ngày), người không vận động đủ (ít hơn 150 phút mỗi tuần) có gấp 4 lần nguy cơ tử vong sớm so với người có thời gian ngủ nghỉ và vận động hợp lý hơn.

15. Cà-rốt

Nghiên cứu phát hành trên tạp chí Behavioral Ecology khẳng định, nam giới bổ sung beta-caroten, tiền vitamin A qua cà-rốt sẽ có sức khỏe tốt hơn, da dẻ và ngoại hình đẹp hơn so với nam giới không có bổ sung dưỡng chất này từ cà-rốt.

16. Ánh sáng mặt trời

Mức vitamin D thấp có liên quan đến loãng xương, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư. Ngoài hấp thu ánh sáng mặt trời để tổng hợp vitamin D cũng cần bổ sung thêm vitamin D từ sữa. 

Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 10-15 phút (trong khoảng 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều) vài ngày trong tuần, lời khuyên của chuyên gia Đại học Y khoa Albert Einstein. 

17. Gia vị

Một nghiên cứu trên 1.000 người của Singapore cho thấy, người ăn cà-ri ít nhất hai lần mỗi năm có điểm kiểm tra khả năng tư duy cao hơn người ăn một lần một năm hoặc không ăn loại gia vị này. 

Nghệ - thành phần chính trong cà-ri có chứa curcumin, là chất chống ung thư, chất oxy hóa, kháng viêm nhiễm và có thành phần làm giảm mức cholesterol cao. Hãy đưa các loại gia vị vào trong nấu nướng để tăng đề kháng cho cơ thể.

Trần Trọng Hiếu chuyển ngữ
(theo
 Reader’s Digest)

Các tin tức khác

Back to top