Xây dựng Tăng thân

1/11/2013 10:02
Melvin McLeod (Là biên tập viên của nguyệt san Shambhala Sun): Thầy nổi tiếng với các lời dạy về xây dựng sự hài hòa trong cộng đồng mà trong đạo Bụt gọi là xây dựng tăng thân. Qua những thực tập như Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, Thầy định nghĩa chánh niệm trong chiều hướng có tính cách xã hội, thậm chí chính trị. Thầy dạy về các phương pháp truyền thông và sức mạnh của ái ngữ và lắng nghe. Tại sao Thầy lại nhấn mạnh khía cạnh cộng đồng, quan hệ giữa người với người?

Thích Nhất Hạnh: Mình có những kinh nghiệm trong sự tu tập – an lạc, chuyển hoá, và trị liệu -- dựa trên nền tảng đó mà mình giúp cho người khác. Mình không chỉ tu với tư cách cá nhân, vì trên đường tu mình sẽ sớm nhận ra rằng mình cần phải tu với Chúng - nhiều người cùng tu- nếu muốn sớm có sự chuyển hoá và trị liệu. Đó là nương tựa tăng.

Thực tập chung với nhau, năng lượng của niệm, định, và niềm vui sẽ hùng mạnh hơn. Đó là điều Bụt thích làm. Ngài đi đâu cũng có nhiều đệ tử đi theo, nhờ vậy mà các vị xuất gia này học được từ Bụt cách đi, cách ngồi, và cách tiếp xử. Và Tăng Đoàn bắt đầu hoạt động như một cơ thể, ai cũng góp phần vào năng lượng chung của bình an, hỷ lạc, an tĩnh, và tình huynh đệ.

Đồng thời, mọi người trong Tăng Đoàn đều nói thay cho Bụt, không phải chỉ bằng lời mà qua cách họ hành động và cư xử với mọi người. Đó là vì sao vua Ba Tư Nặc nói với Bụt: “Bạch đức Thế Tôn, mỗi khi nhìn thấy Tăng thân của Ngài con lại có thêm niềm tin nơi Ngài.” Vua muốn nói rằng Tăng thân có khả năng đại diện cho Bụt. Bụt với Tăng Thân của Ngài có thể thành tựu được nhiều điều. Tôi không nghĩ rằng một vị thầy có thể làm được nhiều nếu không có Chúng cùng tu; cũng như một nhạc sĩ không thể biểu diễn được nếu không có nhạc cụ. Tăng thân rất quan trọng -- tuệ giác và sự tu tập của vị thầy có thể được nhìn thấy qua tăng thân. Khi mình chia sẻ giáo pháp và sự thực tập với tư cách một tăng thân thì hiệu quả sẽ lớn.

 

Trích "Bụt thương như vậy đó" - Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top