Con biết giờ ăn cơm cũng là giờ thiền quán, và trong khi ăn cơm không những con nuôi dưỡng hình hài con mà còn nuôi dưỡng tâm thức con. Trong khi chắp tay, con theo dõi hơi thở để đưa thân tâm về một mối, và trong trạng thái thanh thản và chú tâm ấy, con sẽ nhìn vào các thức ăn trên bàn hoặc trong bát con. Con quán niệm thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác. Dù con là người cư sĩ, mỗi ngày đi làm để có lương tiền mua gạo và thức ăn cho con và cho gia đình, thì con cũng không nghĩ rằng cơm này là của con, do con làm ra. Con nhìn vào bát cơm, và thấy rất rõ đó là tặng phẩm của đất trời. Ruộng lúa, vườn rau, nắng, mưa, phân bón và sức lao động của người nông dân là những gì con thấy khi con nhìn vào thức ăn.
Con có thể nhìn thấy đồng lúa xanh, người thợ gặt, người xay lúa, người nấu cơm. Con có thể thấy những hạt đậu gieo xuống đất để trở thành cây đậu. Con có thấy được vườn táo, vườn mận, vườn cà chua và những người thợ đang làm việc trong ấy. Con có thể thấy những con ong con bướm đi từ chiếc hoa này tới chiếc hoa khác. Con thấy muôn loài trong vũ trụ đã góp sức để làm ra trái táo hoặc trái mận con đang cầm trong tay, hoặc đọt rau luộc mà con đang chấm vào chén nước tương. Lòng con tràn đầy sự biết ơn, và cũng tràn đầy hạnh phúc.
Trong khi nhai cơm và thức ăn con nuôi dưỡng ý thức và hạnh phúc ấy mà không để tâm vướng bận vào chuyện quá khứ, chuyện tương lai hay vào những lo toan dự tính. Mỗi miếng cơm con ăn nuôi dưỡng con, tổ tiên con đang có mặt trong con và con cháu con đã có mặt trong con.
Ăn cơm trong bản môn
Nuôi sống cả tổ tiên
Mở đường cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên
Con nuôi dưỡng con bằng đoàn thực và bằng xúc thực. Đoàn thực là cơm và thức ăn đem cho cơ thể con chất dinh dưỡng, xúc thực là niềm vui và lòng từ bi mà con tiếp xúc được trong khi ăn.
Ăn trong chánh niệm, chế tác được lòng từ bi, sự thảnh thơi và niềm vui như thế, con nuôi dưỡng được cả tăng thân con và gia đình con, đó là điều quán niệm thứ hai: con xin ăn cho có chánh niệm để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
Điều quán niệm thứ ba: con xin ngăn ngừa không cho các tâm hành xấu phát hiện, nhất là tâm hành tham lam, ngăn không cho con ăn uống có chừng mực. Ăn uống không có chừng mực, ăn quá nhiều thì có hại cho sức khỏe và cho sự tu tập của con. Khi sắp hàng lấy thức ăn hoặc khi xớt thức ăn vào bát, con xin nhớ thực tập điều này. Là người xuất gia, con biết cái bình bát của con là ứng lượng khí, và con tập chỉ lấy thức ăn vừa đủ cho con thôi mà không vì thấy thức ăn ngon mà lấy nhiều hơn...
Là người xuất gia, nhìn vào thức ăn, con cũng thấy thức ăn là tặng phẩm của cả đất trời, là công phu lao tác, là phẩm vật cúng dường của người áo trắng và cũng là cơm của Bụt cho con ăn. Ngày con xuất gia, Bụt cho con một chiếc bình bát và Bụt dạy có bình bát này thì con không còn sợ đói nữa, nếu con tu tập cho nghiêm chỉnh. Vì vậy mỗi khi ăn cơm xong cầm bình bát hướng về Ngài con cũng dâng lời cảm tạ: Cám ơn Bụt đã cho con ăn cơm. Khi con nói câu này lòng con tràn đầy niềm biết ơn; biết ơn Bụt tức là biết ơn trời đất, vạn vật và công phu lao tác của nhiều người, trong đó có người sáng nay đã nấu cơm cho con ăn.
Địa Xúc
Cho con xin lạy xuống ba lạy trước đức Thế Tôn, bậc xứng đáng được cúng dường, để cảm tạ đất trời, vạn vật, và mọi loài chúng sanh và để con nuôi lớn được hạnh phúc trong con. (C)
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Tôn trọng sinh môi (19/11/2013 10:07)
- Tưới tẩm hạt giống tốt (18/11/2013 5:16)
- Hạnh phúc khi được ăn chay (16/11/2013 8:42)
- Nói lời yêu thương (13/11/2013 10:43)
- Đến để hóa giải nội kết (12/11/2013 4:57)
- Thực tập chánh ngữ ( 7/11/2013 10:10)
- Nơi nương tựa vững chải ( 6/11/2013 4:57)
- Lắng nghe với trái tim từ bi ( 6/11/2013 12:13)
- Tại sao mình lại không thương được mình? ( 3/11/2013 3:48)
- Xây dựng Tăng thân ( 1/11/2013 10:02)