Trong đời sống hàng ngày, nếu không tu tập, ta cứ thở vào thở ra như một cái máy. Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, ta vẫn thở nhưng hơi thở này rất khác, hơi thở này chứng tỏ là ta đã đưa được niệm vào trong hơi thở. Trước khi lái xe, tại sao ta không cho mình một hay hai phút để ngồi thở? Đó gọi là ý thức về hơi thở, tức là một cách luyện tập để biết được những gì đang xảy ra, để làm chủ được chúng mà không bị nô lệ vào chúng. Khi bước đi, nếu không ý thức thì ta sẽ không làm chủ được bước chân, ta sẽ bước đi như bị ma đuổi. Nó bước chứ không phải ta bước. Nó là cái gì? Nó là cái máy. Nó bước đi, nó thở chứ không phải ta đi, ta thở.
Lúc mới bắt đầu, mỗi ngày ta nên thực tập ba phút, đi từng bước và ý thức được từng bước chân của mình. Ta không còn là cái máy nữa, ta là con người tự do. Đó là sự bắt đầu của ý chí tự do, nắm được hơi thở, nắm được bước chân.
Mỗi ngày ta có thể uống trà nhiều lần. Nhưng nếu muốn thực tập thì ta tự qui ước là mỗi ngày ta sẽ uống chén trà đầu tiên trong chánh niệm. Trong khi uống trà ta biết là ta đang uống trà, ta đang đưa chén trà lên cao, ta đang uống trà và đang để chén xuống. Ý chí tự do bắt đầu.
Trước hết ta phải nắm được hơi thở, rồi bước chân, rồi một vài hành động của mình. Cố nhiên ta không thể nào làm được tất cả trong chánh niệm, nhưng ta có thể chọn vài phương pháp thực tập và mỗi ngày ta phải làm cho được. Ví dụ như chải răng, sáng nào chúng ta cũng chải răng, nhưng thường thường thì ta chải răng như một cái máy. Bây giờ ta quyết định: Mỗi khi chải răng ta thực tập chánh niệm. Để kem đánh răng lên bàn chải, ta biết ta đang để kem đánh răng lên bàn chải, đưa tay lên chải răng ta ý thức được từng cử động của bàn tay mình. Chúng ta có thể để hai phút để chải răng mà hai phút đó là hai phút chải răng trong chánh niệm. Ta không để cho cái máy làm, ta làm với ý thức và tự do của mình. Chúng ta nên tìm thêm vài phương pháp thực tập và quyết định làm mới mình mỗi ngày. Buổi sáng chúng ta mở cửa nhìn ra ngoài và ngồi yên ba phút, để ý tới những tiếng động đang xảy ra.
Sáng hôm nay vào thiền đường, tôi đã ngồi xuống rồi trong khi một số còn đang đi vào. Tôi đã áp dụng phương pháp này, ngồi rất yên và để ý tới những âm thanh trong thiền đường. Tôi nhắm mắt lại và nhận diện những âm thanh đang xảy ra. Đó cũng là ngồi thiền, chứ không phải đợi có ba tiếng chuông rồi ta mới bắt đầu tập thở. Ta ngồi yên và những âm thanh đó không quấy động được ta, không hẳn là khung cảnh phải thật yên ta mới ngồi thiền được. Có tiếng kéo ghế, có tiếng xì xào, có tiếng đẩy gối, nhưng tất cả những âm thanh đó không làm rộn được ta vì lúc đó chủ đích của ta là ngồi để nhận diện những tiếng động mà ta có thể nghe được.
Quý vị cũng có thể làm như vậy. Trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng thức dậy, ta có thể ngồi ba phút để lắng nghe và nhận diện những âm thanh trong nhà mình. Ta có thể ngồi trước cửa sổ nhìn ra, nhận diện cội cây này, bông hoa kia, mái nhà đó. Nói tóm lại là ta phải tìm cách để thoát ra khỏi thân phận nô lệ của mình. Tự do là nhờ ta có niệm. Khi có niệm thì ta bắt đầu sống đời sống mới của ta. Khi ta có khả năng thực tập như vậy trong một thời gian, hoặc ba hoặc năm hoặc bảy tuần, khi ta có thể nhận diện được bước chân của ta, hơi thở của ta, cử chỉ của ta, khi ta uống trà hay rửa bát thì lúc đó ta có thể bắt đầu nhận diện được tư duy cảm thọ của mình. Tuy rằng những tư duy kia đang còn tiêu cực và những cảm thọ kia có thể là còn những khổ thọ, nhưng nhận diện được chúng là đã có sự khác biệt lớn rồi. Nhận diện được chúng là mình không còn bị nô lệ cho chúng nữa.
Chúng ta khổ đau là vì chúng ta không có tự do, chúng ta chưa thoát ra được thân phận của một cái máy. Niệm giúp cho chúng ta sống không còn như một cái máy nữa. Chúng ta bắt đầu có chủ quyền. Niệm, định và tuệ có thể đưa tới cho ta những vùng năng lượng rất lớn. Có những người sống ở nước Pháp hai ba chục năm hay suốt đời mà không biết nước Pháp có những vùng rất đẹp. Họ chỉ quanh quẩn trong làng, trong tỉnh của họ. Rất tội nghiệp cho họ, họ không có cơ hội khám phá ra những cái đẹp tuyệt vời ở những miền đất khác của nước Pháp.
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Năm mới ta cũng mới ( 4/02/2014 2:58)
- Ngón tay quá lớn! ( 3/02/2014 4:37)
- Khổ ( 1/02/2014 5:00)
- Bị trói vào một ý niệm (23/01/2014 3:50)
- Tìm an lạc ngay trong lúc ăn, mặc, đi lại (21/01/2014 10:29)
- Ánh trăng trong trang kinh xưa (18/01/2014 1:20)
- Viết cho hơi thở (16/01/2014 3:50)
- Quán niệm trước khi ăn ( 6/01/2014 6:45)
- Cưỡi sóng sinh tử ( 4/01/2014 2:43)
- Hình hài và thọ mạng (29/12/2013 5:06)