Hay quý vị có thể quyết định như thế này: “Mỗi khi mở cửa xe hơi bước lên thì tôi không rồ máy liền, tôi cho tôi ba phút để ngồi thở và mỉm cười, tôi biết rằng tôi là ai và đang sắp sửa đi đâu.” Đó là những giây phút đưa lại cho ta tự do. Tự do không tự nhiên tới mà do ta tranh đấu mới có.
Sở dĩ trong lòng chúng ta đầy những u buồn, sầu khổ là vì chúng ta không có tự do, tự do đó ta phải tranh đấu mới có. Không phải là vì ta đi tới một khung trời nào đó thì tự nhiên có tự do, hay chờ đợi một thời gian nào đó trong tương lai thì ta mới có tự do. Tự do phải tranh đấu mới có, tranh đấu bằng sự thực tập chánh niệm. Khi ý thức được những gì đang xảy ra là chúng ta bắt đầu có tự do. Đó là cái bấm tay của người bạn nhắc cho ta đừng để bị kéo theo, ta phải làm chủ được mình.
Trong Tâm lý học Phật giáo, chúng ta học về những tâm hành và mỗi khi một tâm hành biểu hiện thì ta ý thức được nó, ta mỉm cười với nó và ta bắt đầu có tự do. Tại nội viện Phương Khê có một cầu thang mười tám bậc. Ba mươi năm nay, mỗi khi lên cầu thang tôi đều đi có chánh niệm, mỗi khi đi xuống cầu thang tôi đều đi xuống có chánh niệm. Tôi không để cho bước chân nào lọt ra khỏi chánh niệm. Đi trên Vạn Lý Trường Thành, hoặc leo lên Ngũ Đài Sơn thì tôi cũng đi như vậy. Leo lên máy bay, hay leo lên một cầu thang nào đó, tôi cũng đều bước những bước chân chánh niệm. Ta bắt đầu ở chỗ quyết định chọn cho mình một sự thực tập hàng ngày và ta quyết tâm làm cho được. Ví dụ nếu quý vị chọn phương pháp chải răng trong chánh niệm thì sáng nào quý vị cũng phải chải răng trong chánh niệm. Sau khi ăn cơm trưa, trước khi đi ngủ quý vị phải chải răng trong chánh niệm. Làm được như vậy mỗi ngày sẽ đưa tới chủ quyền cho ta trong đời sống hàng ngày. Có chủ quyền rồi thì ta mới nhận diện được những tư tưởng, những tư duy, những cảm thọ và những lề lối phản ứng của mình. Khi nhận diện được chúng thì ta không còn là nạn nhân của chúng nữa, ta bắt đầu có tự do. Nếu quý vị không ý thức được những gì đang xảy ra cho thân mình như là bước chân, hơi thở hay hành động thì quý vị sẽ không nhận diện được những gì xảy ra trong phạm vi cảm thọ, tri giác hay tư duy. Ta để cho tư duy tiêu cực, sầu khổ kéo đi, ta cứ gặm nhấm chúng và cứ tiếp tục khổ đau.
Chánh niệm trước hết là nhận diện, nhận diện đơn thuần mà không xua đuổi, không lên án, không vướng mắc. Có thể mỗi ngày quý vị cho mình thêm nhiều không gian, đừng vội vã phản ứng. Mỗi khi lâm vào tình trạng nào đó, hoặc quá thích thú, hoặc quá bực bội, quý vị hãy để cho mình không gian vài ba phút để thở, để đi thiền hành. Ta không cần phải phản ứng liền, chính tự do đó đưa lại cho ta ánh sáng, cho ta cơ hội có được tuệ giác. Hành động trên tuệ giác sẽ không bao giờ đem lại đau khổ. Với tôi, “án binh bất động” (có nghĩa là không làm, không nói gì hết) rất quen thuộc. Không hẳn là ta phải nói, phải làm gì mới chứng tỏ được là ta có tuệ giác, ta có cái thấy. Nhiều khi có cái thấy rồi thì ta biết là ta không cần nói, không cần làm gì cả. Ta khỏe ru và người kia cũng khỏe ru. Không phải tuệ giác chỉ đưa tới hành động, có khi tuệ giác đưa tới quyết định không hành động và cái quyết định không hành động ấy sẽ đưa tới hòa bình, an lạc và tình huynh đệ.
Xin đại chúng trong ngày hôm nay, ngày mai và ngày mốt bớt nói chuyện lại. Ta phải chiêm nghiệm, phải đặt kế hoạch cho năm mới, không phải kế hoạch làm ăn mà là kế hoạch tu học. Ta phải chọn cho ta phương pháp thực tập mà ta sẽ áp dụng trong năm tới, tôi đề nghị là những phương pháp đó phải rất cụ thể. Tôi ước muốn quý vị phải làm thế nào để khi gặp một trường hợp, một hoàn cảnh bất như ý thì quý vị phải cho mình một không gian. Không gian là một tặng phẩm rất lớn. Đừng vội quyết định! Đừng vội phản ứng! Ta cho ta ba phút để đi thiền hành, để suy nghĩ rồi ta sẽ thấy rằng không phản ứng cũng là một hành động, không phản ứng là một tuệ giác rất lớn. Tôi rất thích câu: Chuyện đâu còn có đó. Ta không cần phải phản ứng liền, để đó đã. Lúc tâm ta an lại, bình tĩnh lại thì ta sẽ thấy phản ứng lại là dại dột, là đưa tới đổ vỡ. Mỗi người trong chúng ta phải chọn sự thực tập mỗi ngày và một khi đã quyết tâm thì phải làm cho được. Những lúc chúng ta sinh hoạt hàng ngày như khi lái xe, nấu cơm, chải răng, tắm rửa hay tưới vườn là những giây phút của tự do. Chúng ta phải làm những việc đó như thế nào để có tự do. Khi ăn cơm chúng ta phải tập ăn như những con người tự do. Chúng ta ngồi ăn và để ý tới cách làm việc của răng, của lưỡi. Cái cằm của mình làm việc như thế nào? Cái hàm của mình làm việc như thế nào? Chúng ta sẽ thấy rằng lâu nay chính cái máy nó ăn chứ không phải ta ăn, cái máy đi chứ không phải ta đi, cái máy phản ứng chứ không phải ta phản ứng. Đây đúng là lúc ta phải bắt đầu nắm lấy chủ quyền của đời ta.
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Có niệm là bắt đầu có tự do ( 6/02/2014 2:55)
- Năm mới ta cũng mới ( 4/02/2014 2:58)
- Ngón tay quá lớn! ( 3/02/2014 4:37)
- Khổ ( 1/02/2014 5:00)
- Bị trói vào một ý niệm (23/01/2014 3:50)
- Tìm an lạc ngay trong lúc ăn, mặc, đi lại (21/01/2014 10:29)
- Ánh trăng trong trang kinh xưa (18/01/2014 1:20)
- Viết cho hơi thở (16/01/2014 3:50)
- Quán niệm trước khi ăn ( 6/01/2014 6:45)
- Cưỡi sóng sinh tử ( 4/01/2014 2:43)