Vô niệm và vô tranh

16/03/2014 5:42
Vô niệm tức là không để bị kẹt vào ý niệm. Vô tranh nghĩa là không có óc hơn thua, ganh tỵ với người.

Trong bao nhiêu năm hành đạo, Thầy thấy vô tranh dễ làm hơn vô niệm. Trong công cuộc hành đạo, khi có người đến tranh chấp và hơn thua với mình thì Thầy buông bỏ rất dễ, còn vô niệm thì phải thực tập nhiều mới có thể buông bỏ được. Vô niệm là không bị kẹt vào bất cứ một khái niệm hay một ý niệm nào cả.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, tổ Huệ Năng định nghĩa vô niệm như sau: nhược kiến nhất thiết pháp bất nhiễm trước thị vi vô niệm. Nghĩa là khi mình đối diện với các pháp mà tâm không bị dính kẹt vào đó thì gọi là vô niệm. Như khi thấy một cái hoa thì ta liền khởi lên ý niệm về nó, cho nó là đẹp và muốn nó thuộc về mình. Đó không phải là vô niệm mà là đang kẹt vào một cái niệm. Có một ý niệm về Thầy, về bạn, về người hàng xóm của mình, chúng ta có thể bị kẹt vào ý niệm đó và chúng ta vướng mắc, giận hờn hoặc tham đắm là do ý niệm đó.

Một khi chúng ta đã bị kẹt vào bởi ý niệm đó rồi thì hành động của ta không còn tự do nữa. Chẳng hạn như chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta cho rằng phải như thế này, phải như thế kia mình mới có hạnh phúc, và vì chúng ta bị kẹt vào ý niệm hạnh phúc ấy nên chúng ta không có hạnh phúc. Trong khi đó, hạnh phúc có thể đến với ta một cách rất dễ dàng nếu ta có tự do, nếu ta không bị kẹt vào một ý niệm nào. Ví dụ có một sinh viên nghĩ rằng: "mình phải có bằng Tiến sĩ thì mới có hạnh phúc." Vậy là chết anh ta rồi. Anh ta bị kẹt vào một ý niệm: phải có bằng Tiến sĩ mới có hạnh phúc. Trong khi đó, rất nhiều người hạnh phúc quá chừng mà không cần có bằng Tiến sĩ gì cả! Tại sao anh lại giam anh vào trong một ý niệm để rồi anh khổ? Cho nên những ý niệm của mình rất nguy hiểm, dù là ý niệm về hạnh phúc, ý niệm về lý tưởng, về Bụt. Mình phải có tự do hoàn toàn. Trong hành động, chúng ta phải có tự do, phải vô niệm, phải vô tranh thì hành động đó mới là hành động đích thực.

Trong ba mươi năm ở quốc ngoại, Thầy đã cố gắng đi theo lời chỉ dẫn của Sư Ông. Trong những năm hành đạo ở quê nhà, Thầy đã sáng lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, trường Cao Đẳng Phật Học, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhà xuất bản Lá Bối, tuần san Hải Triều Âm, tuần san Thiện Mỹ, v.v... Trong lĩnh vực văn hóa và xã hội, Thầy đích thực thấy câu thứ hai này là kim chỉ nam hướng dẫn cho đời mình. Thầy luôn sống và hành động với tất cả con tim mình để phụng sự mà cố gắng không bị dính kẹt vào một ý niệm, một phe phái hay một sự tranh chấp nào cả.


Sư ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top