Ông Cấp Cô Độc lần đầu tiên gặp Bụt trong một chuyến đi giao dịch từ Sravasti tới Rajagaha. Hôm đó, Ông Cấp Cô Độc tới ở trọ nhà của người em dâu. Mỗi khi ông tới thì người ta tiếp đón niềm nở nhưng hôm đó thì người ta có vẻ lơ là với ông. Ông hỏi:
Nhà có đám cưới hay sao mà sửa soạn đẹp vậy? Sao tôi lại bị bỏ lơ vậy?
Người em nói:
Tụi em đang chuẩn bị để cúng dường Đức Thế Tôn, cúng dường Phật.
Nghe chữ Phật tự nhiên ông Cấp Cô Độc rúng động:
Phật ở đâu, cho tôi đi thăm đi.
Ông Cấp Cô Độc cũng có mối quan tâm tối hậu. Ông đã giàu, đã thỏa mãn và ông muốn tìm một cái gì đẹp hơn.
Người em nói:
Ngày mai Đức Thế Tôn và giáo đoàn sẽ tới đây anh sẽ được gặp.
Nhưng tối đó ông Cấp Cô Độc không ngủ được, ông thức dậy và tìm đường tới chỗ Bụt ở tức vườn Trúc Lâm. Buổi sáng, khi còn sương mờ ông đã gặp được Đức Thế Tôn đang đi thiền hành. Hai người đã nói chuyện và ông đã trở thành một đệ tử rất thân thiết của Bụt. Chính ông đã mời Đức Thế Tôn về thành phố Sravasti và cúng dường sở đất mua được của thái tử Kỳ Đà để Đức Thế Tôn làm tu viện.
Ông xin Bụt cho phép một người đi với ông về xứ sở của ông để chuẩn bị cho Bụt tới viếng thăm và giáo hóa đất nước của ông. Và Bụt đã cho thầy Xá Lợi Phất đi tiền trạm để chuẩn bị cho chuyến du hành giáo hóa đầu tiên của Bụt tại thành phố Sravasti. Ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đã đi với nhau mấy tuần lễ từ thủ đô Rajagaha về thủ đô Sravasti nên họ đã nói chuyện nhiều với nhau và trở nên thân thiết.
Khi ông Cấp Cô Độc đem 500 doanh thương tới thì vào thăm thầy Xá Lợi Phất trước, rồi thầy mới dẫn mọi người vào gặp Bụt. Vì vậy trong kinh Người Áo Trắng thay vì nói “này ông Cấp Cô Độc” thì Bụt nói “này thầy Xá Lợi Phất”. Ý của Bụt là thầy Xá Lợi Phất phải giáo hóa người cư sĩ theo chiều hướng này (Này Xá Lợi Phất, thầy nên dạy giới cư sĩ thực tập theo phương pháp này), tại vì thầy Xá Lợi Phất được coi như cánh tay phải của Đức Thế Tôn. Thầy tổ chức sự tu học cho người cư sĩ và cho các thầy, các sư cô trong giáo đoàn xuất sĩ. Trong kinh thay vì gọi thẳng tên của nhà doanh thương thì Bụt gọi tên của thầy Xá Lợi Phất. Bụt nói:
Những người áo trắng không cần phải đi tìm cầu hạnh phúc trong tương lai. Họ có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại nếu họ thực tập theo những điều tôi chỉ dẫn.
Vì vậy cụm từ "hiện pháp lạc trú”, sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, (drshtādharmasukhavihara) xuất hiện sáu lần trong kinh. Ở thế kỷ của chúng ta, nhà doanh thương đi tìm hạnh phúc trong sự thành công của mình. Bụt dạy nhà doanh thương phải làm việc như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Bụt muốn gửi gắm cho thầy Xá Lợi Phất phương pháp giáo hóa người cư sĩ, phải nói với họ là họ không cần phải tìm hạnh phúc trong tương lai. Điều này rất quan trọng, tại vì trong một kinh ngắn như kinh Người Áo Trắng mà cụm từ “hiện pháp lạc trú” được lặp lại sáu lần. Trong nhiều chùa, người xuất sĩ cũng như người cư sĩ đều không được học giáo lý quan trọng đó mà cứ đi tìm Niết bàn và giải thoát trong tương lai. Người ta đi tìm cái đích, còn con đường là một cái khác.
Bụt đưa ra hai phương pháp thực tập:
Thực tập năm giới
Thực tập bốn phép tùy niệm
Nếu một người áo trắng thực tập năm giới và bốn phép tùy niệm thì người đó sẽ có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong kinh Đức Thế Tôn đã dùng danh từ thánh đệ tử 聖 弟, tức vị đệ tử có chất thánh (the aryan disciple). Không phải chỉ có người xuất gia mà người cư sĩ cũng có chất liệu linh thiêng, thánh thiện trong mình. Nếu ta thực tập theo năm giới và bốn phéo tùy niệm thì ta có chất liệu thánh trong con người của mình, ngay trong thời còn tại thế Bụt đã dạy như vậy rồi. Không phải chỉ có Đức giáo hoàng, Đức Dalai Lama hay các thầy các sư cô mới có chất thánh mà người cư sĩ cũng có chất thánh nếu người cư sĩ biết thực tập năm giới và bốn phép tùy niệm, tại vì năm giới bảo đảm sự tự do và an ninh của con người. Nếu đã từng thọ năm giới và sống theo năm giới thì chúng ta biết rằng năm giới bảo hộ cho ta và cho ta rất nhiều tự do, hạnh phúc. Hạnh phúc và tự do đó ta không cần phải đi tìm trong tương lai, nó có thể có ngay trong giây phút hiện tại.
Hơn nữa, nếu người thánh đệ tử áo trắng thực tập bốn phép tùy niệm tức niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới thì sẽ làm tăng thêm chất thánh trong mình và người đó có hạnh phúc ngay lập tức. Cách giải thích của Bụt không có chút mê tín nào. Khi tâm ta chuyên chú vào những đối tượng cao đẹp như Bụt, Pháp và Tăng thì tâm của ta sẽ nhẹ nhàng, thư thái, hạnh phúc. Ta không suy nghĩ tới những chuyện tiêu cực, khổ đau, đam mê, giận hờn. Bốn phép tùy niệm tịnh hóa thân và tâm của mình.
Xin các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ đọc kinh Người áo Trắng cho biết phương pháp Bụt dùng để giáo hóa người cư sĩ. Bụt giáo hóa người cư sĩ bằng tuệ giác mà không phải bằng sự tín mộ. Một tôn giáo làm sao lớn mạnh và sống còn nếu chỉ có người xuất gia mà không có người cư sĩ? Người cư sĩ cũng có thể thực tập một cách sâu sắc.
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Đối diện với cái chết ( 8/07/2014 4:42)
- Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau (25/06/2014 1:49)
- Hiện pháp lạc trú (12/06/2014 12:13)
- Nghệ thuật sống tỉnh thức (30/05/2014 9:17)
- Ái ngữ lắng nghe (10/05/2014 12:17)
- Một bó hoa đồng ( 5/05/2014 11:39)
- Nghệ thuật thương yêu đích thực ( 3/05/2014 3:29)
- Những lời khuyên dành cho giới khoa học công nghệ (25/04/2014 7:42)
- Nhất tâm, thở và cười (19/04/2014 1:57)
- Trở về tiếp xúc với cội nguồn (12/04/2014 2:10)