Trong khi đi thiền chúng ta phải hợp nhất thân với tâm và phối hợp hơi thở với bước chân.Thở vào ta có thể bước hai, ba hay bốn bước; thở ra ta có thể bước nhiều bước hơn. Ví dụ thở vào ta bước hai bước thì thở ra ta bước ba bước, nếu thở vào ta bước ba bước thì thở ra ta nên bước năm bước, nếu thở vào ta bước bốn bước thì thở ra ta có thể bước sáu bước, thở vào ta bước năm bước thì thở ra ta bước tám bước. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Nếu có một cái đồng hồ tíc-tắc trên bàn ngủ, ban đêm khi năm xuống chúng ta ngưng suy nghĩ, thở vào ta đếm ba giây, thở ra ta đếm năm giây, v.v… cho đến khi ngủ. Tiếng tíc-tắc của đồng hồ giúp ta rất nhiều. Trong thiền đường, nếu có một cái đồng hồ thì ta có thể thở theo tiếng tíc-tắc của đồng hồ. Chúng ta chấm dứt sự suy nghĩ và chỉ thở thôi. Thở như vậy rất là dễ chịu.
Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ dùng để đi thiền hành.
Ví dụ như thở vào đi hai bước ta nói: Đã về, đã tới.
Thở ra đi ba bước ta nói: Con đã về, con đã tới.
Mình thật sự về, thật sự tới, mình không rong ruổi nữa và mình thích thú với giây phút hiện tại “đã về đã tới“.
Pháp môn Làng Mai rất đơn giản, bài thuyết pháp sâu và ngắn nhất của Làng Mai là: Đã về đã tới, đem thân tâm trở về hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại, những mầu nhiệm đang có trong mình và chung quanh mình để được nuôi dưỡng và trị liệu. Mình thấy thoải mái, an ổn, mãn ý với giây phút hiện tại. Mình không còn muốn chạy đi tìm gì khác nữa. Người nào trong khi ngồi hay khi đi mà thấy thích thú, mãn ý với giây phút hiện tại là người đó thành công. Mình không còn đi tìm gì nữa.
Thở vào, đi ba bước ta; thở ra, ta đi năm bước: Con đã về / con đã về thật sự
hoặc mỗi bước chân / con đi vào Tịnh độ
hoặc là mỗi bước chân / con trở lại suối nguồn.
Khi ngồi chúng ta cũng có thể nói: Mỗi hơi thở/ con đi vào Tịnh độ
hay là mỗi hơi thở / con trở lại suối nguồn.
Chúng ta đặt ra những câu thiền ngữ mình thích, khi mình dùng câu này, lúc mình dùng câu kia.
Thở vào đi bốn bước, thở ra đi sáu bước ta nói: Đã về đã tới, con đã về con đã tới.
Có những con đường thiền hành rất đẹp, một con đường đất, hai bờ cỏ xanh và màu đất hồng tươi. Ngày xưa tôi làm một bài thơ tựa là: Cẩn trọng
Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Lá hồng như môi son bé thơ
Bổng nhiên tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi
Thấy được vẻ đẹp, thấy được sự mầu nhiệm đó, tự nhiên mình tỉnh dậy, mình thấy mình đang sống trong một thế giới hết sức mầu nhiệm, mà nếu tâm bị vướng bận bởi những lo lắng, sầu khổ thì mình sẽ không thể thấy được. Khi tỉnh dậy mình thấy rất quí mỗi giây mà cuộc đời đã cho mình sống. Tôi trân quí từng bước chân đi và trong mỗi bước chân tôi đều có hạnh phúc .
Vì trái đất có lực hấp dẫn (gravity) nên bước chân nào mình cũng phải đi chấm đất, nếu không mình sẽ bay lơ lững trên không. Lực hấp dẫn làm cho bước chân của mình dính vào mặt đất. Với mỗi bước mình dính và tiếp xúc với đất Mẹ tức là mình tiếp xúc được với cội nguồn của mình.
Sư ông Làng Mai
Các tin tức khác
- Ba câu trả lời mầu nhiệm (29/03/2014 7:28)
- Hiểu và thương được mình trước khi hiểu và thương được người khác (21/03/2014 12:25)
- Chuyện đâu còn có đó (18/03/2014 7:37)
- Vô niệm và vô tranh (16/03/2014 5:42)
- Thực tập cho người thương (12/03/2014 3:14)
- Tứ Diệu Đế là linh dược trị khổ đau (11/03/2014 12:46)
- Tìm sen tươi nơi bùn nhơ ( 6/03/2014 11:04)
- Ôm ấp niềm đau ( 4/03/2014 10:47)
- Đi như Bụt ( 1/03/2014 4:32)
- Chánh Niệm là chìa khóa của hạnh phúc (25/02/2014 10:55)