Tâm của người hành thiền

7/02/2015 1:46
Người có trí tuệ biết những con đường lầm lạc nhưng không tự buông trôi đắm chìm trong đó mà dứt bỏ, tách lìa ra khỏi nó. Người ấy không để bị dục lạc và bất toại nguyện, hạnh phúc và đau khổ, gây xúc động. Nó phát sanh đến, nhưng người sáng suốt hiểu biết không bám vào mà buông bỏ, để nó đi theo bản chất thiên nhiên của nó. Đó là Chánh Kiến. Khi đã thấu triệt tận tường như thế ắt có giải thoát.

Hạnh phúc và đau khổ không có nghĩa lý gì đối với người đã giác ngộ. Đức Phật dạy rằng bậc Giác Ngộ xa lìa ô nhiễm. Điều nầy không có nghĩa là các Ngài bỏ chạy, tránh xa ô nhiễm. Các Ngài không chạy đi đâu cả. Ô nhiễm vẫn ở đó. Ngài lấy thí dụ lá sen trong đầm. Lá sen trầm mình trong nước, nhưng nước không thấm vào. Nước như ô nhiễm và lá sen như tâm của bậc Giác Ngộ.

Tâm của người hành thiền cũng như thế ấy, không bỏ chạy đi đâu, mà vẫn ở ngay tại đó. Thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, chánh và tà, phát sanh -- hành giả hiểu biết tất cả. Chỉ giản dị hiểu biết mà không để cho nó xâm nhập vào tâm mình. Hành giả chỉ là người chứng nghiệm mà không bám níu. Nói rằng hành giả chỉ là người chứng nghiệm suông là nói theo ngôn ngữ thông thường của người đời. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp chúng ta nói rằng người hành thiền để cho tâm mình đi theo Trung Đạo.

Những sinh hoạt của hạnh phúc và đau khổ v.v... luôn luôn phát sanh, bởi vì nó là đặc tánh của thế gian. Đức Phật thành đạt sự giác ngộ của Ngài trong thế gian, Ngài quán chiếu thế gian. Nếu không quán chiếu thế gian ắt Ngài không trông thấy thế gian và như vậy, không thể vượt lên trên, khỏi thế gian. Sự giác ngộ của Đức Phật chỉ giản dị là giác ngộ chính thế gian nầy. Thế gian vẫn còn đó: lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ, tất cả đều vẫn còn đó. Nếu không có những hiện tượng ấy ắt không có gì để giác ngộ. Điều mà Ngài hiểu biết chỉ là thế gian, những gì bao quanh tâm não của con người. Nếu con người chạy theo những cái ấy, mong tìm được tán dương, danh vọng, lợi lộc, và hạnh phúc, và cố gắng tránh những tình trạng đối nghịch, con người sẽ bị chìm sâu dưới trọng lượng của thế gian.

Lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ -- đó là thế gian. Người lạc lối trong thế gian không có đường để lẩn thoát. Người ấy đã bị thế gian tràn ngập. Thế gian theo Định Luật của Giáo Pháp, vì lẽ ấy chúng ta gọi là Thế Gian Pháp, Giáo Pháp của Thế Gian. Người sống trong Thế Gian Pháp được gọi là chúng sanh trong thế gian. Người ấy sống trong tình trạng rối loạn.

 

Trích Hương vị giải thoát - Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top