Trong khi đi mà mỗi bước chân tiếp xúc được với Tịnh độ thì ta không cần phải sinh qua bên đó, bởi vì Tịnh độ đã có bên này. Cõi này là Tịnh độ hay Ta bà đều do mình. Nếu tâm tư còn đầy lo lắng, buồn khổ và sợ hãi thì cõi này là cõi Ta bà. Nhưng nếu ta có vô úy, giải thoát, tự do thì cõi này là Tịnh độ. Tịnh độ không phân chia Nam Bắc, không phân chia Đông Tây. Tịnh độ ở phương Tây chỉ là một cách nói. Bởi vì nếu Tịnh độ chỉ có ở phương Tây thôi thì ở phương Đông không có Tịnh độ hay sao? Bụt A Súc ở phương nào? Đó là giáo lý vô đắc, không cần phải đi tìm một cái gì nữa cả, tất cả đều có đó. Vấn đề là chúng ta có tiếp xúc được hay không mà thôi. Cũng không có gì khó lắm và hãy còn sớm chán! Những ngày còn lại của đời ta, mỗi ngày có thể là một ngày hạnh phúc, mỗi giờ có thể là một giờ hạnh phúc, mỗi giây phút có thể là một giây phút hạnh phúc.
Khi ấy, nếu có khổ đau thì chúng ta cũng không sợ, bởi vì đã biết thực tập thì ta sẽ xử lý khổ đau rất dễ dàng. Khổ đau rất cần thiết. Cũng như bùn rất cần thiết để chế tác ra sen, khổ đau là chất liệu cần thiết để chế tác hạnh phúc. Chúng ta là chủ chứ không phải khổ đau là chủ, ta biết cách không để khổ đau tràn ngập. Chúng ta sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc như người nông phu sử dụng bùn đất để chế tác hoa màu. Khi đi một bước chân chánh niệm thì trong bước chân đó có đủ cả, có Tịnh độ, có Bụt A Di Đà, có Bụt Thích Ca, có tất cả các vị Bụt trong quá khứ, có hỷ, có lạc, có giải thoát.
Đây là hai câu sau cùng trong bài tụng cuối của Duy thức tam thập tụng:
“An lạc giải thoát thân
Đại Mâu Ni danh pháp”
Mỗi người có nhục thân, tức hình hài bằng xương, bằng thịt. Nhưng nếu là người tu thì phải có an lạc thân và giải thoát thân, và các thân này sinh ra từ sự thực tập. Đi đến đâu người tu cũng đem thân đó theo. Người tu không chỉ đem theo thân xương thịt mà còn đem theo cả thân an lạc, thân giải thoát. Nếu thân giải thoát mà ốm yếu, èo uột thì nó không đủ nuôi chính ta, nói gì tới chuyện nuôi được người khác. Ta phải làm cho thân giải thoát lớn lên, nghĩa là phải có nhiều tự do hơn.
Chúng ta có được bao nhiêu tự do? Đó là vấn đề. Chúng ta có rất nhiều ràng buộc, không những bị ràng buộc bởi vật chất bên ngoài mà còn bị ràng buộc bởi sự sợ hãi, lo lắng, giận hờn. Chúng ta thiếu không gian, thiếu tự do, thiếu giải thoát. Giải thoát của chúng ta èo uột, ốm yếu. Vì vậy mỗi bước chân, mỗi hơi thở là để nuôi lớn thân giải thoát, để có thêm tự do. Tự do không phải là một ý niệm. Người đời nói tới tự do như một ý niệm, nhưng là người tu thì ta phải có tự do thật sự. Khi ta mỉm cười được trước một nghịch cảnh thì ta thấy rõ ràng là ta đang có thân giải thoát, có tự do, có không gian trong lòng. Những nghịch cảnh, những thách đố có thể làm cho người khác khổ nhưng không thể làm cho ta khổ. Ta có tự do với những bực tức, bất mãn và lo sợ trong ta.
Người tu phải chế tác tự do, nhưng chế tác bằng cách nào? Khi bước một bước chân thì bước chân đó phải giúp ta buông xuống những lo lắng, buông hết quá khứ, buông hết tương lai, buông hết những dự án. This is it, tức là cái ta tìm kiếm, cái mà Xuân Diệu gọi là Đời, là Cô Hạnh Phúc, đang có ngay trong mỗi bước chân. Bước chân như thế có công năng nuôi dưỡng đời tu, tháo gỡ những ràng buộc và cho ta thêm tự do. Đó gọi là thân giải thoát. Thân giải thoát đi đôi với thân an lạc. Không thể nào có an lạc nếu không có giải thoát. Freedom is the foundation of happiness and peace. Đi được những bước chân như vậy, thở được những hơi thở như vậy, quán chiếu được những giờ phút như vậy thì ta có an lạc và giải thoát. Đó là mục đích của giáo pháp mà bậc thầy chúng ta (Mahamuni) trao truyền lại. Muni nghĩa là ông thầy tu tĩnh lặng, là danh hiệu đẹp nhất của đức Thích Ca. Mahamuni là Đại Muni, tức ông thầy tu có tĩnh lặng lớn. Tôi thấy gọi đức Thích Ca là Ông Thầy Tu Tĩnh Lặng hay hơn là gọi Pháp Vương hay đức Thế Tôn. Chính Ngài cũng muốn làm một ông thầy tu bình thường và tĩnh lặng mà thôi. Muni là ông thầy tu không ồn ào, không khoa trương.
Mỗi bước chân như vậy đích thực là một bài pháp thoại. Dù ta không nói gì và chỉ đi thôi thì bài pháp thoại đó cũng làm chấn động những người chung quanh. Đi ở phi trường, ở bờ sông hay đi trên hè phố, cách mình đi có thể làm thay đổi cả thế giới, làm thay đổi những người chung quanh. Lúc tăng thân 300 người về Hà Nội, chúng ta có tổ chức một buổi thiền hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên trong lịch sử 1000 năm Thăng Long, có một đoàn người đi như vậy quanh bờ hồ Gươm. Xuất sĩ và cư sĩ, người nào cũng đi thảnh thơi, an lạc. Đó là một cống hiến của Làng Mai cho thủ đô. Ta không đem về tiền bạc hay danh vọng mà đem về năng lượng của hạnh phúc, tự do.
Vì vậy mỗi bước chân là một bài pháp thoại. Sư chú, sư cô đang nói pháp thoại một cách hùng hồn trong khi bước đi. Và không đợi tới ngày mai mà chính ngay hôm nay, sư chú, sư cô đã có thể làm được. Nếu có niệm và định hùng hậu thì mỗi bước chân của ta sẽ tỏa ra năng lượng thảnh thơi, giải thoát, an lạc và bước chân ấy sẽ nuôi được thân giải thoát, thân an lạc của ta. Là một vị sư trưởng, ta phải cho đồ chúng một cơ hội được thực tập. Dù ta ăn ít hơn, ở nghèo nàn hơn, nhưng ta phải được thực tập đầy đủ bởi vì đó chính là cái ta mong muốn nhất. Ngày xưa, mỗi buổi sáng các thầy chỉ đi khất thực, khỏi phải đi chợ nấu cơm nên có thì giờ để thực tập đi như vậy, ngồi như vậy. Chúng ta cần phải tổ chức đời sống trong chùa như thế nào để có thể nối tiếp được người xưa. Nếu ta quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ để đi những bước thảnh thơi, không có thì giờ để ngồi trong yên lặng, không có thì giờ để nghe chuông và chế tác hỷ lạc thì đó không phải là bản hoài của đức Thế Tôn.
Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai, ngày 20.04.2013 trong khóa tu xuất sĩ tại Làng Mai, Thái Lan
Các tin tức khác
- Tỉnh thức & hiểu biết (14/02/2016 4:49)
- Từ bi là hành động ( 2/02/2016 11:47)
- Cuộc sống không chỉ có khổ đau (15/01/2016 1:58)
- Học hạnh của đất (12/01/2016 3:48)
- Làm thế nào để giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống? ( 7/01/2016 12:10)
- Khổ đau có mặt nhưng hạnh phúc cũng có mặt (28/11/2015 4:22)
- Sống đến già, học đến già (21/11/2015 5:03)
- Mối liên hệ giữa hạnh phúc và khổ đau (13/11/2015 2:53)
- Quan niệm bất thối chuyển (21/10/2015 2:36)
- Bắt đầu từ nơi đâu? (11/09/2015 3:31)