Bắt đầu từ nơi đâu?

11/09/2015 3:31
Có một thiền sinh viết thư hỏi một vị giáo thọ phụ trách cho một tờ báo Phật học, "Tôi vừa mới được quy y và bắt đầu học Phật, tôi thấy con đường này mênh mông quá. Tôi có một khó khăn là không biết mình nên bắt đầu từ nơi đâu đây? Những giáo lý về vô ngã, sanh diệt, tác ý, nghiệp quả, duyên sinh... cái nào cũng rất là quan trọng và cần thiết. Và tôi cũng được hướng dẫn ngồi thiền. Nhưng ngoài chiếc gối ngồi thiền ra, ta phải bắt đầu ở nơi đâu đây?"

Vị giáo thọ trả lời, "Tôi nghĩ câu cuối bạn viết trong thơ cũng chính là một gợi ý cho câu trả lời ấy: ta phải bắt đầu nơi đâu ngoài chiếc gối ngồi thiền của mình?

Thật ra thì sự thực tập của ta bắt đầu khi mình đứng dậy và bước khỏi chiếc tọa cụ, trở về với cuộc sống hằng ngày. Nơi ấy chắc chắn ta sẽ phải đối diện với những việc gây cho mình sự lo âu, bực dọc, bất an... Chúng làm mờ đi cái thấy của ta, khiến mình không còn khả năng mở rộng con tim ra được nữa. Và ngay ở nơi đó mới là sự tu tập của ta.

Tôi thích câu này của nhà thơ Rumi, 'Có một ngàn cách để ta quỳ xuống và hôn mặt đất.'  Cũng thế, trong một ngày bình thường tôi nghĩ cũng có ngàn việc xảy ra để khiến cho ta lo âu và phiền não. Mà thật ra chính cái ước vọng cao xa của ta về con đường tu học, cũng là một trong những nguyên nhân gây cho mình khổ đau.

Sự thực tập hằng ngày của tôi là ý thức được những gì đã gây cho tôi sự bất an, để rồi bị chúng sai xử, cho dù là nhỏ nhặt đến đâu. Tôi tập nhận diện và thấy rõ được chúng. Tôi thường nói với người khác rằng, 'Sự thực tập của tôi là để tự mình chứng thực được lời hứa về Diệt đế của đức Phật, rằng hạnh phúc là điều mà ta có thể chứng nghiệm được'. Và tôi tin rằng, năng lượng hạnh phúc ấy sẽ nuôi dưỡng cho những hành động kế tiếp của mình."

Là thấy rõ thực tại của mình

Mà thật vậy, dù ta có học bất cứ một giáo lý cao xa nào, hoặc luyện tập theo một pháp môn huyền bí nào, thì rồi cuối cùng đó cũng phải là sự sống của mình. Chúng ta rồi cũng phải đặt quyển kinh xuống, đứng dậy khỏi chiếc gối ngồi thiền, để bước về và tiếp xúc với sự sống chung quanh. Và ở nơi đó chắc chắn sẽ có những khó khăn, lo âu và phiền não… chờ đợi ta. Và ta sẽ làm gì với chúng, tiếp xử chúng như thế nào, đó mới chính thật là con đường tu học của mình.

Chúng ta thường đặt câu hỏi là làm thế nào để cho sự thực tập của mình có nhiều hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, giúp ích được nhiều người hơn? Câu hỏi ấy tuy cần thiết, nhưng có lẽ tự nó cũng chưa được chính xác lắm.

Tôi nghĩ ta nên hỏi là làm thế nào để cho sự tu tập của mình được chân thật hơn. Mà sự chân thật ấy phải được trải nghiệm trong mọi hoàn cảnh, qua sự tiếp xử hằng ngày của chúng ta. Và một thực tại chân thật và trong sáng bao giờ cũng đang biểu hiện, ngay bây giờ và ở đây, chứ không phải chỉ có mặt riêng trên chiếc tọa cụ của mình.

 

Nguyễn Duy Nhiên

Các tin tức khác

Back to top