Năm Điều Tâm Niệm

5/04/2013 12:28
Chúng ta có rất nhiều cách để đối diện với sự sợ hãi trong ta. Năm điều tâm niệm là những điều giúp ta thực tập nhận diện, nhìn sâu và chuyển hóa tâm hành sợ hãi và đạt tới trạng thái vô úy.

- Điều tâm niệm thứ nhất:

"Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh thoát được sự già nua.''

Ta thở cho thật chánh niệm và thầm niệm: ''Thở vào, tôi biết tôi thế nào cũng phải già. Thở ra, tôi biết tôi không thể nào tránh thoát được sự già nua.'' Ta rất sợ già. Ta nói rằng: ''Già hả! Già là để giành cho người khác. Còn tôi, tôi không thể già được, tôi còn trẻ và sẽ trẻ mãi. Tôi không muốn nghĩ về nó.'' Ấy vậy mà sự sợ hãi vẫn luôn luôn rình rập trong ta, trấn ngự ta, làm cho ta ăn ngủ không yên. Và ta giành nhiều thì giờ, tiền của để làm đẹp, để bôi son, đánh phấn, chải chuốt... làm đủ cách để phủ lấp cái già của ta.

- Điều tâm niệm thứ hai:

''Thở vào, tôi thế nào cũng phải chết. Thở ra, tôi biết tôi không thể nào tránh thoát được cái chết.''

- Điều tâm niệm thứ ba:

''Thở vào, tôi thế nào cũng bệnh. Thở ra, tôi không thể nào tránh thoát được cái bệnh.''

- Điều tâm niệm thứ tư:

''Thở vào, tôi biết những gì tôi trân quý hôm nay trong đó có những người tôi thương, một ngày kia tôi sẽ phải xa lìa. Thở ra, tôi biết tôi không thể mang bất cứ cái gì theo mình khi ra đi. Tôi đã đến bằng hai bàn tay không và tôi sẽ ra đi bằng hay bàn tay trắng.''

- Điều tâm niệm thứ năm:

''Thở vào, tôi biết tôi là người thừa kế tất cả những hành động mà tôi đã tạo ra trong những kiếp quá khứ và hiện tại. Thở ra, khi lìa bỏ thân này, tôi chỉ mang theo với tôi kết quả của những hành động mà tôi đã tạo ra.''

Nghiệp nghĩa là Hành động, tiếng Phạn là Karma. Ta đã gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Đó gọi là nghiệp nhân dẫn đến nghiệp quả. Khi ra đi, cái duy nhất ta sẽ mang theo là hoa trái của tất cả những hành động mà ta đã tạo tác trong đời sống hành ngày.

Già, bệnh, chết, xa lìa người thương và những điều ta đang trân quý hôm nay là năm điều luôn âm thầm chi phối ta. Khi chết ta không thể mang theo bất cứ cái gì ngoại trừ hoa trái của tất cả những hành động (nghiệp lực) của chính mình. Đó là những sự thật hiển nhiên và khó đối diện. Trên bình diện lý trí, ta có thể hiểu rất rạch ròi về những sự thật ấy, nhưng trên bình diện cảm xúc, ta luôn có khuynh hướng trốn chạy, không muốn nhớ nghĩ về chúng. Hạt giống sợ hãi luôn nằm đó trong chiều sâu tâm thức ta, gọi là Căn bản thức hay Tàng thức hoặc Nhất thiết chủng thức. Bụt dạy chúng ta phải thường xuyên nhớ nghĩ tới những sự thật ấy và cho phép những hạt giống sợ hãi ấy biểu hiện. Bụt dạy các thầy và các sư cô mỗi buổi sáng thức dậy, hãy thở vào, thở ra và nhớ nghĩ tới năm điều tâm niệm, thực tập đối diện với sự sợ hãi trong ta. Cho dù sự sợ hãi không trồi lên, nhưng ta cũng mời chúng lên để nhận diện, làm quen và quán chiếu vào bản chất của chúng để chuyển hóa. Ta thầm niệm: ''Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh thoát được cái chết. Sợ hãi ơi! chào em. Tôi biết em có đó.'' Sau khi hạt giống sợ hãi được mời lên trên vùng ý thức, được nhận diện, chăm sóc rồi để cho nó trở về nơi y cứ của nó. Đây là sự thực tập lưu thông rất tốt cho tâm thức. Trong thời gian đó, niềm sợ hãi của ta được tắm trong dòng sông chánh niệm. Ta tạo dựng hồ bơi của chánh niệm để cho những tâm hành nội kết trong ta được bơi lội thỏa thích. Ta ôm ấp những tâm hành phiền não vài ba phút; mỗi lần mời gọi chúng lên và ôm ấp như thế, chúng sẽ yếu dần và sau đó chúng sẻ trở về ngủ yên dưới chiều sâu của tàng thức hoặc sẽ được chuyển hóa hoàn toàn ngay ở tàng thức. Đó gọi là chuyển y (transformation at the base).

Nếu mỗi ngày ta thực tập như vậy thì sự sợ hãi trong ta sẽ suy giảm từ từ. Đây là phương pháp trị liệu của Bụt - trị liệu tận gốc, chuyển hóa tận gốc. Phép thực tập này không phải chỉ để đối trị với sự sợ hãi trong ta, mà nó có thể đối trị với tất cả các loại phiền não căn bản khác đang nằm trong chiều sâu tâm thức. Khi Tâm thức ta vận hành theo chiều hướng tốt, có sự lưu thông, thì những triệu chứng tâm thần sẽ tan biến rất mau chóng hoặc không có cơ hội phát triển.

Tôi xin nói thêm về tâm hành giận. Một số các nhà tâm lý trị liệu hướng dẫn các bệnh nhân của họ như thế này: ''Quý vị phải tiếp xúc với cơn giận của mình, nhận diện sự có mặt của nó, rồi xua đuổi nó ra khỏi lãnh thổ của thân tâm mình.'' Các đương sự đó trong khi giận, họ có thể đóng cửa phòng lại và thực tập trút bỏ cơn giận bằng cách giộng vào cái gối hay vào bức tường v.v... để cho hả giận. Đó là phương pháp trút bỏ cơn giận theo phương cách trị liệu của ngành tâm lý trị liệu Tây phương. Cách đối trị đó, tôi nghĩ một mặt nó cũng có phần lợi ích. Cái lợi là vì các nhà tâm lý trị liệu khuyến khích các bệnh nhân của họ tiếp xúc và thực tập nhận diện cơn giận; nhưng mặt khác lại nguy hiểm vì nó có tính cách dồn nén cơn giận, tập dợt cơn giận. Theo phương pháp của Bụt, các bệnh nhân không nên dồn nén, ức chế cơn giận. Điều quan trọng là thực tập tiếp xúc và nhận diện cơn giận của ta với năng lượng chánh niệm. Tôi thấy phương pháp 'trút bỏ cơn giận' của ngành tâm lý trị liệu Tây phương có điều gì đó không ổn. Một số nhà tâm lý trị liệu khuyên bệnh nhân của họ trút bỏ cơn giận bằng cách biểu lộ ra. Theo tôi, biểu lộ cơn giận không phải là giải pháp an toàn. Một số nhà tâm lý trị liệu khuyên bệnh nhân của họ mỗi khi có sự bực tức nên đi vào phòng của mình, khóa cửa lại và đánh vào cái gối ngủ cho hả giận. Họ bảo với bệnh nhân rằng: ''Hãy lấy một cái gối thật lớn, chắc và dùng hết toàn lực của mình để giộng vào nó.'' Đó gọi là phương pháp trút bỏ cơn giận. Cố nhiên quý vị sẽ cảm thấy hả giận một chút sau nửa giờ đánh vào cái gối, vì sau khi làm như vậy quý vị hết năng lượng, kiệt sức. Rồi vì mệt quá, quý vị nằm đó co ro như con tôm và ngủ quên. Vài giờ sau thức dậy thấy đói bụng, quý vị đi kiếm thức ăn, ăn xong rồi cảm thấy bình thường trở lại. Nếu có một người nào đó bất chợt tưới đúng vào hạt giống giận của quý vị, quý vị sẽ giận giữ giống hệt như trước hoặc có thể giận hơn trước gấp mấy lần. Kỳ thực trong khi thực tập phương pháp trút bỏ cơn giận bằng cách đánh vào cái gối ngủ, quý vị đang tập dợt, tưới tẩm cơn giận và làm cho hạt giống giận trong tâm thức của quý vị lớn mạnh thêm. Phương cách này theo tôi không an toàn, không lành mạnh lắm.

Tôi thấy phương pháp trút bỏ cơn giận như thế không giúp ích nhiều để chuyển hóa tận gốc cơn giận. Một số các nhà tâm lý trị liệu, sau khi khuyên bệnh nhân của họ thực tập theo phương pháp đó, đã nói với tôi rằng họ nhận thấy phương pháp này thật nguy hiểm. Trút bỏ cơn giận bằng cách đánh vào cái gối có thể trở thành thói quen của bệnh nhân. Nếu trong khi giận dữ mà gặp một người trên đường phố thì họ có thể trút cơn giận vào người kia một cách vô cớ; và như vậy thì rất nguy hiểm. Họ có thể bị bắt vào khám chỉ vì thói quen trút bỏ cơn giận của họ. Trong trường hợp này, đối tượng của sự trút bỏ cơn giận không phải là cái gối như họ thường làm ở tại phòng ngủ, mà chính là một người lạ trên đường phố. Tôi thấy phương pháp trút bỏ cơn giận bằng cách đánh vào chiếc gối ngủ hoặc bằng phương tiện bạo động khác không thật sự là phương pháp tiếp xúc với cơn giận. Quý vị chỉ dùng năng lượng giận để tiếp xúc với giận mà thôi. Vậy quý vị phải sử dụng loại năng lượng nào để tiếp xúc với cơn giận mỗi khi nó phát khởi? Theo tôi, đó là năng lượng chánh niệm. Nếu không có chánh niệm, làm sao quý vị có thể tiếp xúc với cơn giận của quý vị? Quý vị chỉ để cho cơn giận lấn áp và khống chế mà thôi; đó không phải là sự thực tập nhận diện và tiếp xúc đích thực. Đừng nói chi tới cơn giận, cả cái gối quý vị cũng không tiếp xúc được. Bởi vì nếu quý vị thật sự tiếp xúc với cái gối, thì biết rằng nó chỉ là một cái gối và quý vị sẽ không dại đến nỗi phải đánh vào cái gối một cách mạnh bạo như vậy. Vì vậy phương pháp an toàn và hữu hiệu nhất là chúng ta thực tập trở về với hơi thở chánh niệm để ôm ấp, nhận diện sự có mặt của cơn giận trong mình và gọi đúng tên của nó, rồi sau đó nhìn sâu vào bản chất của nó để hiểu.

Bụt dạy rằng trong khi giận, mình không nên nói hoặc làm bất cứ điều gì, vì nếu nói hoặc làm điều gì trong lúc đó sẽ rất nguy hiểm. Khi giận, ta lập tức trở về với hơi thở chánh niệm để chăm sóc cơn giận trong ta. Khi giận, ta thường có khuynh hướng để ý tới những điều mà người kia đã nói hoặc đã làm, ta không chú ý gì tới cảm xúc của ta cả. Càng chú ý tới người kia ta càng giận. Vì vậy tốt nhất là đừng chú ý tới những gì người kia đã nói hoặc đã làm, mà nên trở về chăm sóc lấy cơn giận của ta. Khi căn nhà của ta đang bốc cháy, điều trước tiên ta cần làm là tìm cách dập tắt ngọn lửa, chứ không phải chạy theo người ta nghi là đã châm lửa đốt nhà.

Mỗi khi giận, quý vị nên thực tập đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm để chăm sóc, ôm ấp và làm lắng dịu cơn giận. Trong khi làm như vậy, quý vị sẽ có cơ hội nhìn sâu và khám phá ra những nguyên do của cơn giận. Thực tập như thế một lúc thì tuệ giác sẽ phát sinh. Trước hết quý vị sẽ thấy rằng nguyên do chính của khổ đau thực ra không phải do người kia, mà do mình, vì hạt giống giận trong mình còn quá lớn. Chỉ cần có người bấm đúng nút là nó nổi tam bành lục tặc như vũ bão và gây khổ đau cho mình và mọi người chung quanh. Cũng nghe như vậy, thấy như vậy, và bị xúc phạm như vậy, nhưng đối với người khác thì không can gì, họ không tỏ vẻ giận dữ như mình, vì hạt giống giận trong họ quá nhỏ bé. Trước hết tuệ giác sẽ cho quý vị thấy rằng có lẽ vì tâm hành giận trong mình lớn quá và đó là nguyên do chính của sự giận dữ của mình. Người kia chỉ là nguyên nhân phụ.

Trong khi tiếp tục đi thiền, làm lắng dịu thân tâm, quý vị có thể làm phát sinh thêm cái thấy rằng: ''A! bây giờ ta cảm thấy khỏe quá.'' Quý vị biết cách ôm ấp và làm vơi nhẹ sự bực tức, giận dữ trong quý vị. Nhưng người kia có thể vẫn còn sống trong địa ngục. Người kia chưa biết cách thực tập chăm sóc cơn giận như quý vị. Khi khổ, họ luôn luôn trút nỗi khổ niềm đau của họ ra và những người chung quanh họ đều lãnh đủ. Nếu người thương của quý vị đang gặp khó khăn, đang đau khổ cùng cực, thì quý vị phải lập tức tìm cách giúp đỡ họ. Nếu quý vị không giúp họ, thì ai sẽ giúp?

Bây giờ cơn giận của quý vị đã được chuyển hóa thành tình thương. Bằng phương pháp thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và phương pháp ôm ấp những phiền não bằng năng lượng chánh niệm, quý vị đã chuyển rác thành hoa. Tu là quá trình của sự tập luyện. Trước hết, ta thực tập chung với những người đã có nhiều kinh nghiệm trong sự thực tập, sau đó ta có thể thực tập một mình. Ta làm gương cho mọi người trong gia đình. Ta gây cảm hứng cho những người thương của ta. Khi mọi người thấy cách ta đối trị cơn giận như thế, họ sẽ rất kính phục và muốn học hỏi nơi ta để có thể thực tập mỗi khi họ bị cơn giận chi phối.


Thầy Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top