Nghệ thuật chế tác niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hằng ngày

17/04/2013 12:35
Thiền tập không có nghĩa là biến tâm mình thành bãi chiến trường, lấy thiện đánh ác. Lấy cái thiện để chèn ép, tiêu diệt cái ác là một quan niệm sai lầm căn bản trong quá trình tu tập.

Theo truyền thống tu tập của đạo Bụt, thì không có chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập không phải để chiến tranh. Những yếu tố tích cực và tiêu cực, thiện và ác, chính và tà đều là những thành phần có tính cách hữu cơ. Nếu khôn khéo trong nghệ thuật ôm ấp và chuyển hóa, ta có thể chuyển những yếu tố tiêu cực thành tích cực. Ta không vứt bỏ bất cứ thứ gì mà học cách chuyển rác thành hoa. Ta biết rác là yếu tố cần thiết để làm ra hoa. Nếu vứt bỏ rác thì sẽ không có hoa. Chánh niệm là chất hữu cơ có thể nuôi dưỡng được những loại năng lượng khác. Khi năng lượng chánh niệm có mặt và ôm ấp những tâm hành, thì những tâm hành ấy được chuyển hóa. Chánh niệm có công năng nhận diện, làm êm dịu, nuôi dưỡng, chuyển hóa và có mặt với những tâm hành mỗi khi chúng phát khởi. Mỗi khi có những tâm hành không dễ chịu phát khởi, ta không nên vướng mắc, đè nén hay xua đuổi mà hãy tập nhận diện và ôm ấp chúng bằng sự chấp nhận và thương yêu.

Trước hết, ta nhận diện phần thô của nó - giống như phần trên của tảng băng đang nổi giữa mặt nước. Sau khi đã nhận diện được phần nổi của tảng băng thì ta bắt đầu tiếp xúc được với cả khối băng khổng lồ còn lại đang ẩn tàng dưới nước. Mỗi khi có một tâm hành biểu hiện, ta chế tác ra năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp nó. Nhưng theo lối thông thường, ta luôn có khuynh hướng trốn chạy, ruồng bỏ đứa bé bị thương trong ta. Thay vì trở về nhận diện và làm quen với nó, ta muốn chôn vùi nó vào tận đáy chiều sâu của tâm thức ta để nó ngủ yên. Nhưng đứa bé bị thương trong ta luôn luôn muốn trồi lên và muốn được nhận diện, ôm ấp và chăm sóc. Nó nói: ''Em đây nè. Em đây nè. Xin anh/ chị đừng ruồng bỏ em, đừng trốn chạy em. Tội nghiệp em mà!'' Sự thực tập của ta là trở về và nhận diện những khía cạnh khác biệt của đứa bé bị thương trong ta. Ta ôm ấp từng phần một cho tới khi ta có thể ôm ấp hết cái tổng thể của đứa bé bị thương trong ta. Ở trong môi trường tăng thân, có sự yểm trợ và nâng đỡ thì sự thực tập chuyển hóa và trị liệu sẽ xảy ra dễ dàng và mau chóng hơn.

Nếu trong khi đang ngồi thiền mà có những tâm ý trồi lên, quấy động ta, ta có thể thực tập nhận diện từng tâm ý một, và nhớ là chỉ nhận diện đơn thuần thôi. Khi có một suy tư, cảm thọ, tri giác, niềm đau hoặc nỗi buồn phát khởi, ta hãy nắm lấy hơi thở chánh niệm, thực tập thở vào thở ra thật sâu và nhận diện sự có mặt của nó như nó đang là, không vướng mắc, không dồn nén hay xua đuổi. Ta có thể nói như thế này: ''Em tới chơi hả! Mình quen nhau quá mà, phải không? Mời em ngồi chơi.'' Và ta ôm ấp tâm hành khó chịu ấy với sự trìu mến, chấp nhận và thương yêu. Đối tượng của sự thực tập của hơi thở có ý thức thứ chín trong mười sáu phép Quán Niệm Hơi Thở là những loại tâm hành như ghen tỵ, sợ hãi, hận thù, tuyệt vọng, mất niềm tin và bất an - nói chung là tất cả những tâm hành tiêu cực, bất thiện dấy lên trong vùng ý thức ta.

Khi quán chiếu vào một đối tượng hết sức thích thú, thì định lực của ta có đủ khả năng làm an tịnh, lắng dịu những tâm hành đang có mặt đồng thời trong ta. Trong khi ngồi thiền, ta chọn một đề tài thiền quán đặc biệt nào đó, nhìn sâu vào nó để khám phá cái bản chất của nó. Đề tài quán chiếu càng thích thú thì định lực của ta càng hùng hậu. Nếu đối tượng thiền quán của ta không có gì thích thú lắm thì dầu có cố gắng cực nhọc, ta vẫn bị rơi vào trạng thái hôn trầm - buồn ngủ và chán nản, lúc ấy nhiều tạp niệm sẽ tiếp tục phát khởi và kéo ta đi. Trạng thái đó gọi là trạo cử. Có bài thiền tập hướng dẫn giúp ta nhận diện và liệt kê xuống trang giấy tất cả các tên gọi của những con bò trong ta, tức là các đối tượng vướng mắc, tham ái của tâm thức mà ta đang vướng vào. Bài thiền tập hướng dẫn khác là viết xuống những điều ta có thể làm hàng ngày để đem lại niềm vui cho ta. Ban đầu ta có thể nghĩ rằng: Ôi! Có gì hay ho, hạnh phúc đâu mà viết, mà làm; nhưng khi ngồi xuống cho thật yên và nhìn kỹ lại, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng có quá nhiều điều ta có thể làm để chế tác niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày.

Khía cạnh thực tập khác của thiền quán là cho phép những tâm hành phát khởi một cách tự nhiên và dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp, chăm sóc. Ta nuôi dưỡng hơi thở chánh niệm và nhận diện từng tâm hành mỗi  khi nó biểu hiện. Mỗi khi ta nhận diện và nâng niu một tâm hành thiện thì niềm vui và hạnh phúc của ta được tăng trưởng và tâm hành đang được chăm sóc cũng lớn mạnh thêm. Khi ấy ta thấy tình thương và niềm tin của ta nơi chánh pháp trở nên vững bền hơn và ta sử dụng nguồn hạnh phúc đã chế tác được để nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi khi có những tâm hành tiêu cực, bất thiện và khổ đau phát khởi, ta nhận diện và ôm ấp chúng với năng lượng chánh niệm; và nhìn sâu để hiểu rõ gốc rễ của chúng. Hiểu là bản chất của thương, của an vui và hạnh phúc.


Thầy Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top