Ta có một cơ hội để tìm ra người đó là ai. Khi tìm ra được chân tướng của người đó và pháp thân của người đó thì đồng thời ta cũng tìm ra được ta. Nếu không, ta vẫn quanh quẩn trong khung cảnh nhỏ hẹp của một kiếp người. Trong truyền thống Tây Tạng có một tín ngưỡng rất dễ thương là sau khi thầy mình chết rồi nội trong vài ba năm mình có thể tìm thấy thầy mình trở lại ở dưới hình thức của một chú bé. Vài năm sau các đệ tử đi tìm, đem theo những dụng cụ mà thầy mình đã dùng trong quá khứ và trộn lẫn với những dụng cụ khác, nếu chú bé nhận ra được những cái mà thầy mình đã dùng ngày xưa thì họ cho rằng đây đích thực là hậu thân của thầy mình. Sau đó họ tìm cách đưa chú bé về chùa và tôn lên làm thầy kế tiếp của họ. Cái ý đó cũng rất cảm động, rất nên thơ. Nhưng như vậy là ta chỉ thấy người thương của mình theo một đường thẳng, chỉ thấy thầy mình đi về một hướng trong thời gian thôi, mà không thấy được thầy mình trong cả không gian. Ý niệm dễ thương và nên thơ đó cũng còn bị kẹt vào ý niệm chấp ngã. Sự thật là không có một cái gì chỉ đi đường thẳng. Tất cả đều đi khắp hết không gian và thời gian.
Nhìn vào cây chuối, ta thấy rằng lá chuối chị từ khi sinh ra đời, đã bắt đầu phô bày cái đẹp của nó, nó mở lòng ra hứng nắng, hứng mưa, tiếp nhận chất nước từ dưới lòng đất đưa lên. Nó là một lá chuối rất đẹp. Đừng nghĩ rằng nó chỉ sống cho một mình nó, mà nó đồng thời sống cho cây chuối và cho các lá chuối em, lúc đó chưa biểu hiện. Nó và các em nó là một. Những chất dinh dưỡng nó làm ra được là để nó tự nuôi nó nhưng đồng thời cũng là để nuôi cây chuối và nuôi các lá chuối em đang còn cuộn tròn trong thân chuối. Vào một ngày nào đó, lá chuối đầu (lá chuối chị) sẽ rách tơi tả, héo úa rồi vàng khô. Nhưng bao nhiêu năng lượng của nó đã được dồn hết cho cây chuối, dồn hết cho những đứa em của nó, lá chuối thứ ba, lá chuối thứ tư, lá chuối thứ năm và có thể còn là buồng chuối, trái chuối nữa. Nhìn vào lá chuối chị, ta thấy lá chuối em, và nhìn vào lá chuối em, ta thấy lá chuối chị. Như vậy, bản chất của lá chuối là vô sinh và bất diệt. Nhìn ngoài bề mặt thì dường như có sinh có diệt, nhưng nhìn vào bên trong thì lá chuối này không sinh không diệt. Nhìn vào lá chuối thứ ba, lá chuối thứ tư, v.v.. ta thấy lá chuối đầu. Không những nó chỉ nuôi một lá chuối em mà còn nuôi tất cả những lá chuối sau này. Chính nó đang tiếp tục nuôi những bông chuối và những trái chuối mới.
Theo Làng Mai
Các tin tức khác
- Ngồi thật yên và nghĩ lại mình (27/12/2016 2:31)
- Chấp nhận chính mình (26/12/2016 1:07)
- Sống ở đời nên học cách cúi đầu (22/12/2016 4:08)
- Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực (22/07/2016 3:10)
- Ta có thể lấy cha mẹ ra khỏi ta không? (29/05/2016 5:44)
- Dừng lại để tiếp xúc (24/05/2016 1:37)
- Sự tiếp nối đẹp đẽ (29/04/2016 11:31)
- Thiên nhiên và tình thương bất bạo động (27/04/2016 12:48)
- Thăm Thầy ( 1/04/2016 11:14)
- Việc làm có bao giờ hết (31/03/2016 12:28)