Thở vào, buông thư toàn thân
Thở ra, buông thư toàn thân.
Thở vào, đây là bộ não của con
Thở ra, buông thư bộ não của con
Thở vào, đây là đôi mắt của con
Thở ra, buông thư đôi mắt của con
Thở vào, đây là gương mặt của con
Thở ra, buông thư gương mặt của con
Thở vào, đây là đôi tai của con
Thở ra, buông thư đôi tai của con
Thở vào, đây là cổ họng của con
Thở ra, buông thư cổ họng của con
Thở vào, đây là trái tim của con
Thở ra, buông thư trái tim của con
Thở vào, đây là hai lá phổi của con
Thở ra, buông thư hai lá phổi của con
Thở vào, đây là bao tử của con
Thở ra, buông thư bao tử của con
Thở vào, đây là lá gan của con
Thở ra, buông thư lá gan của con
(Tiếp tục buông thư các bộ phận khác trên cơ thể bắt đầu từ đầu cho đến chân, khi buông thư có thể quán chiếu các chức năng của từng bộ phận, từ đó biết ơn và nhắc nhở giữ gìn sức khỏe)
- Vì sao phải tập buông thư toàn thân?
Buông thư toàn thân giúp nhận diện và đem lại sự thư giãn cho cơ thể. Thời gian thực tập từ 15 phút đến 30 phút nhưng hiệu quả lại cao, nhiều người lấy lại năng lượng và ngủ ngon. Hệ thần kinh căng thẳng, thân tâm không ở chung với nhau và thói quen giải trí không lành mạnh làm cơ thể mệt mỏi và bệnh tật. Thiền giả thực tập thiền buông thư giống như massage từng bộ phận trên cơ thể và cho phép chúng thư giãn toàn diện. Bảo vệ chúng bằng cách gọi tên từng bộ phận, biết được chức năng của chúng, cho phép chúng nghỉ ngơi, biết ơn sự có mặt của chúng và hứa với lòng không làm cho chúng kiệt quệ. Nói về đôi mắt, có người có đôi mắt rất đẹp và khỏe mạnh, nhưng không biết trân quý, cứ xem ti vi quá nhiều, sử dụng vi tính quá nhiều, đọc sách quá nhiều hoặc cây cối xanh tươi không nhìn mà đi nhìn những bực bội khó chịu, đôi mắt vì thế ngày càng cận thị, mê mờ và tàn tạ. Buông thư cho đôi mắt để biết đôi mắt quý như thế nào, đồng thời xin lỗi, biết ơn và cam kết bản thân không làm tình làm tội đôi mắt nữa. Khi được nghỉ ngơi, đôi mắt lấy lại vẻ đẹp hồn nhiên và thanh khiết vốn có của nó. Đôi mắt được sử dụng để ngắm nhìn thiên nhiên kỳ vĩ hay người thân thương hơn là chúi đầu vào các sản phẩm độc hại và giải trí không lành mạnh.
Người thấy mệt mỏi hay không khỏe sẽ biết nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng cho cơ thể. Đây chính là người biết mình. Người không biết mình sẽ mặc kệ cho cơ thể rệu rạo và kiệt quệ. Cơ thể trở nên bị quên lãng và mặc sức buông thả nó. Ta không có thói quen nghỉ ngơi và khi nghỉ ngơi lại chìm đắm trong các kế hoạch giải trí và khi giải trí xong, thân thể càng xói mòn nhiều hơn nữa. Thân thể do tổ tiên và cha mẹ mang lại. Bảo vệ chúng tức là có hiếu với tổ tiên và cha mẹ. Vì vậy tổ tiên và cha mẹ thiêng liêng bao nhiêu, thân thể cũng thiêng liêng như vậy. Chăm sóc cho thân thể và cho phép chúng nghỉ ngơi tức là chăm sóc người mình thương và thực sự có mặt cho người mình thương. Thân thể đáng được săn sóc và nuôi dưỡng bằng các yếu tố lành mạnh hơn là biến nó thành công cụ của công việc và năm thứ dục. Lợi dụng thân thể để tu tập nhưng không bị kẹt vào nó. Thân thể cần được trân quý nhưng không vì thế mà biến nó thành bức tượng cho các nhà điêu khắc. Hãy tắm gội thân thể bằng hơi thở tinh khôi, bằng môi trường trong lành, bằng các phương tiện trong sáng, bản thân sẽ trở nên tươi mát và dễ thương.
Người sống hiền hòa nhân hậu sẽ có gương mặt đẹp đẽ, dễ mến, ưa nhìn. Người sống chuyên bày mưu tính kế, làm hại người này người kia, gương mặt và thân thể chứa đầy cạm bẫy và tù túng. Động từ buông thư nói rõ khả năng buông bỏ những phiền não, lo toan, bực bội, hờn giận, dính mắc, mê đắm… để quay về với trạng thái tinh khiết của thân thể. Khi bụi bậm, ta tắm rửa cho sạch sẽ bằng xà phòng và buông thư là biện pháp tắm rửa cho những bộ phận bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Mang bình yên và hòa bình trở về cho cơ thể, không cho nó có chiến tranh và bị quên lãng nữa.
Thiền Sư Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Thiền lạy (16/07/2013 9:47)
- Hạnh phúc trong lòng Tăng thân (12/07/2013 10:38)
- Quán chiếu vô sinh, niết bàn (11/07/2013 11:08)
- Giọt sương đầu ngọn cỏ (10/07/2013 5:53)
- Lá nuôi cây, cây nuôi lá ( 9/07/2013 6:02)
- Nơi nương tựa vững chải ( 8/07/2013 5:21)
- Thi kệ thực tập chánh niệm ( 6/07/2013 1:57)
- Kệ truyền đăng năm 2013 tại Thái Lan ( 5/07/2013 3:28)
- Biết rõ việc đang làm ( 4/07/2013 2:53)
- Liệu có sự sống sau khi chết hay không ( 2/07/2013 1:59)