Bất sanh bất diệt

3/06/2015 12:47
HỎI: Trang 12 của phần “Vật Bất Thiên” trong Triệu Luận có nói “Bất sanh bất diệt là thường”, nhưng trong Kinh Duy Ma Cật lại nói “Bất sanh bất diệt nghĩa là vô thường”, vậy là như thế nào?

ĐÁP: Tất cả những gì chúng ta thấy được hiện nay đều là sanh diệt, chính cái tâm niệm vừa sanh vừa diệt. Còn tự tánh vốn bất sanh bất diệt, tức ở trong sanh diệt thấy được bất sanh bất diệt, mới là bản tánh của mình.

Nghĩa của tự tánh là vô sở trụ, đối với thường mà nói vô thường, để phá sự chấp của chúng sanh; thường và vô thường là đối đãi, nếu không có chấp thì đâu có thường và vô thường, sanh diệt và bất sanh bất diệt? Như Triệu Luận nói “Không phải do lời nói khác biệt mà chơn tâm của Bậc Thánh cũng khác biệt theo”. Nói khác biệt do muốn giải tỏa bệnh chấp của chúng sanh, lời nói chỉ là phương tiện tạm thời dùng để phá chấp, chứ chẳng phải lời nói là chơn lý.

Cho nên, 36 pháp đối của Lục Tổ trong Kinh Pháp Bảo Đàn, hễ người chấp sáng thì nói tối, chấp tối thì nói sáng, chấp thường thì nói vô thường, chấp vô thường thì nói thường… chỉ là để phá chấp mà thôi. Do đó, chớ có chấp vào lời nói mà đánh mất ý nghĩa, phải được ý quên lời. Lời nói của chư Phật chư Tổ thường đối chọi với nhau, kỳ thật là vô sở trụ, là bất nhị.

* Có một ngoại đạo hỏi Phật:

- Hôm qua thuyết pháp gì?

ĐÁP: Pháp định.

- Hôm nay thuyết pháp gì?

- Pháp chẳng định.

- Sao hôm qua định, hôm nay chẳng định?

- Đúng vậy, hôm qua định, hôm nay chẳng định.

Đó chính là nghĩa Vô sở trụ vậy.

-Ví như Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?

ĐÁP: Có.

Tăng khác hỏi: Con chó có Phật tánh không?

ĐÁP: Không.

Lời nói đối chọi nhau, cũng là thể hiện nghĩa vô sở trụ, tức không cho mình trụ ở một pháp nào. Nên Triệu Luận nói: “Lời của chư Phật chỉ là để giáo hóa chúng sanh, mặc dù nói ra muôn ngàn sai biệt, nhưng ý chỉ là một, là muốn giải tỏa bệnh chấp của chúng sanh”. Còn nói “Tìm đạo ở nơi diệu ngộ”, nay chúng ta chưa được diệu ngộ, tập khí ham tìm hiểu giáo lý, tăng thêm tri giải, cho nên Kinh Đại thừa liễu nghĩa là để phá tri giải của mình, chấm dứt tâm tìm hiểu, mới chuyên tâm tham cứu câu thoại đầu để được ngộ. Nếu còn muốn hiểu thấu giáo lý, cũng như nhìn vào ngón tay, không chịu nhìn theo ngón tay chỉ, là nghịch với ý của chư Phật chư Tổ.

Hai chữ “Giáo lý” chỉ để phá chấp mà thôi, chẳng phải có cái giáo lý cao siêu gọi là “Chơn lý” để cho biết, cho tăng thêm ngã chấp. Ý của Phật là muốn chúng ta kiến tánh thành Phật, nên mới có pháp môn tham thiền. Nếu hiểu theo lời nói của người khác, ấy là của người khác, chẳng phải của mình; nếu cho là phải hiểu được giáo lý của Phật rồi mới chơn tu, thì hai chữ giáo lý chính là bảo mình nhìn vào chỗ đen tối, nhìn chỗ ngón tay chỉ, và nay tham thoại đầu là nhìn vào chỗ mịt mù đen tối không biết gì cả.

Triệu Luận nói: “Như Lai vì trị bệnh chấp của chúng sanh, mới đặt ra cái này cái kia để phá chấp, gọi là giáo lý”. Nếu cứ muốn nghiên cứu giáo lý, tức muốn nghiên cứu ngón tay mà chẳng chịu nhìn chỗ ngón tay chỉ, là hiểu lầm giáo lý, nghịch với giáo lý. Nay có nhiều người hiểu lầm như thế, cho là hiểu biết giáo lý, làm thầy để dạy về giáo lý, khiến đánh mất tác dụng của giáo lý.

HT. Thích Duy Lực

Các tin tức khác

Back to top