Sám hối nghiệp chướng

10/05/2016 11:28
Hỏi: Ngày xưa vì không biết Phật pháp, cho nên tạo nghiệp sát sinh rất nhiều. Bây giờ học hiểu được đạo lý do đức Phật dạy, hằng ngày phát tâm lạy Vạn Phật để sám hối nghiệp chướng và đồng thời cầu cho đất nước Việt Nam và nhân loại trên thế giới hòa bình. Vậy nghiệp cũ có được tiêu trừ hay không?

Đáp: Chắc chắn là phải tiêu hết nghiệp rồi! Nhưng điều quan trọng là thân và tâm lúc sám hối cần phải thanh tịnh và hết mực chí thành tha thiết thì hiệu quả đạt được mới cao. Đồng thời cũng nên phát tâm trường chay và lập hạnh phóng sinh hay từ thiện tùy theo khả năng mình để giúp đền trả bớt tội nghiệp. Phật tử nên tham khảo cách lạy Vạn Phật trong đĩa ‘Hạnh Nguyện Người Tu’ được thuyết giảng tại chùa Hoằng Pháp để nắm vững cách thức lạy Phật cung kính và tránh được sự lạy ‘lấy lệ’ hoặc để tính số cho nhanh mau hết giờ vừa mệt vừa không có tâm chí thành tha thiết. Lễ lạy như vậy cũng có phước, nhưng không được trọn vẹn và tội nghiệp lâu tan.

Khi lạy Phật lúc cúi xuống nên chậm rãi, nhẹ nhàng với tâm thanh tịnh như chiếc lá rơi; Khi đứng lên thì từ tốn như đám mây từ dưới đất nổi lên. Lạy như vậy là để thể hiện tâm chí thành tha thiết, cũng gọi là tự tâm sám hối. Khi nào đến chùa thì lạy theo nghi thức ở chùa, còn lúc ở nhà thì nên lạy Phật với tâm chí thành tha thiết, thong thả. Ánh mắt luôn hướng thẳng về tôn tượng của đức Phật giống như ngài đang thật sự hiện diện ở trước mặt, rồi từ từ lạy xuống, mỗi cử động phải nhẹ nhàng và có sự chú tâm, lòng thành kính tha thiết trong chánh niệm tỉnh giác. Khi năm vóc chạm sát mặt đất, thì niệm thầm theo hơi thở “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật” đủ sáu lần rồi mới chậm rãi đứng lên. Lạy nhẹ nhàng chánh niệm giống như đang ngồi tĩnh tọa, không nên lạy nhanh vì dễ mất chánh niệm và không có tâm chí thành cung kính với Phật.

Lễ lạy chí thành tha thiết, thì tâm của người lạy sẽ giao cảm không những chỉ một đức Phật mà cả mười phương chư Phật đều cảm ứng. Ngay lúc đó, chúng ta có nghiệp chướng khó khổ gì, thì hãy đem tâm của mình bày tỏ với mười phương chư Phật và mong các ngài gia hộ cho mình có đầy đủ sức mạnh để vượt qua. Tóm lại, lạy Phật với tâm chí thành cung kính, thiết tha sám hối không những nghiệp chướng tiêu trừ mà còn làm phát sinh công đức trí huệ.

Thích Minh Thành - CHP

Các tin tức khác

Back to top