Tại sao nên bái lạy Phật, thượng sư, tổ tiên?

30/07/2016 12:10
Nghiên cứu sinh: “Tại sao rất nhiều người khi gặp thầy đều dập đầu bái lạy?”

Hòa thượng ngừng lại một chút, rồi hỏi: “Chàng trai, cậu có biết chơi bóng rổ, cầu lông, hay bóng bàn gì không?”.

Nghiên cứu sinh: “Có, tôi có chơi bóng chuyền”.

Hòa thượng: “Cậu chơi bóng chuyền với mục đích gì? Không chơi bóng thì bóng có khó chịu không? Hơn nữa nhiều người cùng chơi một quả như vậy, có phải vì để đánh hư bóng hay không?”.

Nghiên cứu sinh: “Không phải vậy, là rèn luyện thân thể và giải trí thôi”.

Hòa thượng: “Không cần quả bóng thì cũng có thể vận động giống như bóng đấy thôi!”.

Nghiên cứu sinh: “Như vậy thì không thú vị, hơn nữa người khác còn có thể nói chúng tôi bị bệnh tâm thần nữa ấy chứ!”.

Hòa thượng: “Nói rất hay! Bóng chuyền chỉ là một đạo cụ, một đạo cụ rèn luyện thân thể và giải trí. Thân thể cần tập luyện, vậy thì tâm hồn không cần tập luyện sao?”.

Nghiên cứu sinh: “Theo lý thì đúng, nhưng tâm hồn cần phải rèn luyện như thế nào đây?”.

Hòa thượng: “Khi người ta sùng bái, đầu dập xuống đất, đó là biểu hiện sự khiêm tốn, phục tùng, sám hối, xin giúp đỡ, tạ ơn và tiếp nhận, đồng thời cũng khiến cho tâm hồn của mình thăng hoa lên, có sự liên kết và hợp nhất về mặt tâm hồn với đối tượng được sùng bái. Đây chính là rèn luyện tâm hồn.

Người khác sùng bái tôi, thì tôi cũng chỉ là một loại đạo cụ, cũng giống quả bóng chuyền, để cho người ta đánh tới đánh lui. Chỉ có điều tôi không phải quả bóng chuyền, mà là quả bóng tâm hồn”.

Cũng giống như vậy, bái lạy tổ tông là nuôi dưỡng tâm hiếu kính của chính mình, dùng tâm hồn để tiếp nhận năng lượng tổ tiên đã tích lũy, bái lạy đất là để thể hiện sự cảm ơn và trân quý đối với đất. Chúng ta trưởng thành ở trên đất, đất cung cấp cho chúng ta bao nhiêu chất dinh dưỡng, nhưng chúng ta thì lại xả rác trở lại đất; thờ Long Vương là để thể hiện sự trân quý và cảm ơn đối với nước, bởi vì cơ thể chúng ta nước chiếm khoảng cỡ 70-80%.

Chúng ta bái kính những người có học vấn sâu rộng, thì cũng tạo ra tác dụng rất huyền diệu đối với trí huệ của chúng ta.

Khi chúng ta thành kính bái lạy, người bái và người được bái là một chỉnh thể, vậy thì có gì gọi là phân cao thấp?

Có người không hiểu những đạo lý này nên cứ một mực phỉ báng, là do không có trải nghiệm thực tiễn, và cũng không muốn thể nghiệm!”

Nghiên cứu sinh: “Thật là quá cao và sâu, xin thầy nhận của tôi 3 lạy!”.

 

Lê Hiếu, dịch từ Cmoney.tw

Các tin tức khác

Back to top