Esala Perahera ở Kandy, cố đô cách thành phố Colombo khoảng 130 km, là một trong những lễ hội Phật giáo lâu đời và lớn nhất ở Sri Lanka. Lễ hội này được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8, khoảng thời gian kỷ niệm giáo lý đầu tiên Đức Phật ban sau khi ngài đạt được giác ngộ, nhằm tôn vinh Thánh tích Răng và bốn vị thần Natha, Vishnu, Kataragama cùng nữ thần Pattini. Ảnh: SamanWeeratunga.
Rất nhiều nghệ sĩ cùng voi sẽ diễu hành trên đường phố để ăn mừng. Voi thường được trang trí bằng những bộ quần áo lộng lẫy, bắt mắt. Lưng voi sẽ mang kiệu xá lợi răng Phật và diễu hành quanh thành phố để công chúng chiêm ngưỡng. Những người tham gia đoàn diễu hành sẽ thể hiện những điệu múa truyền thống, mang đậm nét văn hóa địa phương. Ảnh: SamanWeeratunga.
Mục đích của đám rước là cầu xin phước lành để các vị thần ban trời mưa, giúp việc trồng trọt thuận lợi và làm giàu cho đất nước. Esala Perahera bắt đầu với nghi thức "Kap Situveema" (trồng cây mít non được thánh hóa). Cây mít được cắt và trồng trong khuôn viên thờ một trong 4 vị thần giám hộ, rắc nước thơm gỗ đàn hương, lễ vật được làm bằng 9 loại hoa và một ngọn đèn dầu 9 bấc. Ảnh: SamanWeeratunga.
Theo truyền thống, nghi thức này nhằm ban phước lành cho nhà vua và người dân. Các nhà chiêm tinh quyết định thời gian tốt lành để thực hiện. Sau màn trình diễn rộn ràng trong âm nhạc và tiếng trống, cờ, đám rước sẽ chia ra nhiều nhóm, đi qua Sri Dalada Maligawa, ngôi chùa Phật giáo tôn kính nhất của Sri Lanka và 4 miếu dành riêng 4 vị thần giám hộ. Ảnh: SamanWeeratunga.
Hoạt động nổi bật của lễ hội là màn diễu hành rước tháp xá lợi. Trong khi các tay trống tạo không khí sôi động, nhộn nhịp, đội vũ công truyền thống điêu luyện trong những bước nhảy và di chuyển. Lễ hội là dịp người dân khắp nơi về đây hành hương, chiêm bái thánh tích xá lợi răng Phật được coi là quốc bảo của Sri Lanka. Ảnh: SamanWeeratunga.
Theo truyền thuyết, xá lợi đức Phật được chia thành nhiều phần. Trong đó, chiếc xá lợi răng được giữ ở Sri Lanka. Trong đoàn rước diễu hành trên đường phố, bạn sẽ nhìn thấy những vũ công cầm roi biểu diễn. Người ta tin rằng tiếng ồn của roi da mô tả sấm sét. Đoàn người múa lửa, đánh trống, thổi kèn, sáo... tiếp bước sau đó. Ảnh: SamanWeeratunga.
Năm nay, lễ hội dự kiến diễn ra từ 1-15/8. Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh diễu hành trên đường phố đẹp và ngoạn mục nhất. Lễ hội thường kết thúc bằng nghi lễ rẽ nước truyền thống ở sông Mahaweli. Ảnh: Asian Wings, Jayampathilankaholidays, Nstazu, Time Out.
Các tin tức khác
- Ngôi chùa dát gần trăm tấn vàng, hàng ngàn viên kim cương và hồng ngọc (20/07/2019 6:20)
- Độc lạ chùa bánh xèo chay miễn phí độc nhất vô nhị ở An Giang (19/07/2019 6:20)
- Đêm cầu quốc thái dân an, tri ân tại chùa Bái Đính (19/07/2019 6:12)
- Vì sao chùa Cầu Hội An được vinh danh trên Google Doodle? (17/07/2019 8:04)
- Cuộc sống của những nhà sư tại Đại học Harvard (16/07/2019 8:22)
- Diễn viên Gagan Malik ăn chay trường và nhiều lần nhịn đói đóng phim Cuộc đời đức Phật (15/07/2019 6:05)
- Tp. HCM: gần 500 Tăng Ni sinh thi vào học viện Phật giáo khóa XIV (15/07/2019 6:58)
- Chương trình học Phật trong nhà tù (10/07/2019 5:06)
- Hoàn thành bức tranh Đức Phật lớn nhất thế giới ( 9/07/2019 8:10)
- Người mẫu Deepa Singh giã biệt danh vọng, xuất gia thành sư cô Losang Dolma ( 8/07/2019 5:50)