Ngắm những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng trên thế giới

5/09/2021 12:21
Những công trình Phật giáo tráng lệ nhất thế giới trải dài từ Đông sang Tây, hãy cùng chiêm ngưỡng các tuyệt tác nghệ thuật do chính bàn tay con người tạo nên.

1. Đại chiêu tự Jokhang, Tây Tạng

Đại Chiêu Tự nằm ở trung tâm khu phố cổ Lhasa, ngay giữa quảng trường Barkhor (Bát Nhai) luôn đông đúc, nhộn nhịp. Theo ngôn ngữ Tạng, Đại Chiêu mang nghĩa “Kinh đường” hoặc “Phật đường”. Không chỉ là ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất - nơi du khách có thể chứng kiến tận mắt lòng sùng kính, nhất tâm hướng Phật của những tín đồ mộ đạo, Jokhang Temple còn là một công trình kiến trúc cổ kính, ôm ấp trong lòng những giá trị văn hoá và mỹ thuật Tạng cổ vô giá.

Nét độc đáo trong kiến trúc, tạo hình và phối hợp màu sắc của Đại Chiêu Tự. Tất cả đều in đậm dấu ấn riêng biệt, đặc trưng của nền văn minh Tây Tạng.

Ngôi chùa này do vua Songtsen Gampo và hai người vợ của mình xây dựng vào thế kỷ thứ VII (647). Vua Songtsen Gampo (617-649) là vị vua đầu tiên của một đất nước Tây Tạng thống nhất.

Đại Chiêu Tự là ngôi chùa thiêng liêng nhất, nơi diễn ra ngày hội Đại Chiêu lớn nhất của cư dân bản địa. Với các tín đồ Phật giáo Tạng truyền, ngôi cổ tự giống như cõi Phật giữa dương gian. Đây cũng là địa điểm tập trung đông đảo người hành hương nhất tại Lhasa, từ sáng sớm tới tận tối mịt. Những hàng người nhẫn nại xếp hàng, chắp tay thành kính trước những pho tượng Phật, trước ban thờ Tông Khách Ba, Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng vị thần Hộ Pháp của phái Cách Lỗ….

2. Chùa Pha That Luang, Lào

Pha That Luong được xem như biểu tượng của nước Lào, đồng thời là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất tại Lào, là biểu tượng văn hóa tiêu biểu cho óc sáng tạo của người Lào được xây dựng vào năm 1566 (thế kỷ 16).

Nằm tại thủ đô Viêng Chăn – cổ kính hiền hòa, trầm mặc và bình yên hiếm có trên thế giới, ngôi chùa vàng hay còn gọi là Pha That Luang, là di tích quốc gia quan trọng nhất tại Lào; một biểu tượng của văn hóa và tôn giáo Quốc gia Lào. Pha That Luang được xây năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt. Đại Bảo Tháp này còn thể hiện sự huy hoàng, niềm tự hào dân tộc của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

That Luang được đánh giá như một công trình kiến trúc văn hóa mang tính tôn giáo đặc sắc, là biểu tượng của trí tuệ và sự sáng tạo. Hằng năm cứ vào trăng tròn tháng 11 dương lịch, hội tại That Luang được tổ chức ba ngày ba đêm với các nghi thức long trọng như lễ tắm Phật, lễ Dâng Cơm, lễ Cầu phúc ..... trong thâm tâm người Lào, That Luang được xem như ngôn lửa vàng. Luôn cháy sang thắp cho họ sự cuồng nhiệt, lòng tin vào cuộc sống và niềm tự hào lịch sử.

3. Chùa Bửu Long, Việt Nam

Năm 2019, Thiền viện Tổ Đình Bửu Long được tạp chí Mỹ National Geographic đưa vào danh sách 20 kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới.

Chùa Bửu Long được xây dựng từ năm 1942. Đất xây chùa được một cư sĩ mua, sau đó dâng lại cho các đời sau làm tịnh thất và nơi hành thiền. Chùa nằm trên khuôn viên rộng hơn 8 ha, vị trí là ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai, thuộc Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, phường Long Bình, quận 9, Tp.HCM.

Trải qua nhiều năm tháng, chùa Bửu Long ngày càng có thêm nhiều hạng mục công trình. Từ năm 1982, Hòa thượng Viên Minh được bổ nhiệm thừa kế chức vụ Viện chủ Thiền viện Bửu Long. Trong thời gian này, Hòa thượng đã liên tục cho trùng tu tôn tạo chùa Tổ thành một ngôi danh lam tiêu biểu cho văn hóa Phật giáo nguyên thủy Việt Nam.

Chùa Bửu Long (tên thực là Thiền viện Tổ Đình Bửu Long) tọa lạc tại phường Long Bình (quận 9), cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km.

Ngôi chùa mang vẻ đẹp riêng so với những địa điểm tâm linh khác trong nước, do có sự kết hợp của kiến trúc từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Bảo tháp trong chùa có tên Gotama Cetiya, là bảo tháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 70 m cùng bốn tháp phụ xung quanh. Trước mặt tháp là hồ nước hình bán nguyệt với màu xanh ngọc, được xem là điểm nhấn giúp ngôi chùa thêm lộng lẫy.

Chùa Bửu Long có kiến trúc vừa hoành tráng, vừa hiện đại, mạng đậm nét cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa ở vùng Đông Nam Á. Đặc biệt, đây là ngôi chùa không nhang khói lớn nhất Sài Gòn.

4. Chùa Todaiji, Nhật Bản

Chùa Todaiji (Đông Đại Tự Todaiji) ngôi chùa bằng gỗ được xem là lớn nhất thế giới, được xây dựng tại thành phố Nara, Nhật Bản từ thế kỷ 8 bởi hoàng đế Shomu (743 - 751), trở thành một trong những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất xứ sở Phù Tang.

Chùa Todaiji là một ngôi chùa Phật giáo nằm ở thành phố Nara, Nhật Bản. Được UNESCO công nhận là “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara”.

Trải qua rất nhiều lần xây dựng, tu sửa, kích thước của chùa chỉ còn bằng hai phần ba so với Đông Đại tự nguyên thủy. Hiện, chùa còn lưu giữ những bức chạm khắc tinh vi, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm được xếp loại Di sản Quốc gia...

Bức tượng Daibutsu (Đại Phật) – bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới – nằm trong một công trình làm hoàn toàn bằng gỗ – Daibutsu-den (Đại Phật Điện).

5. Chùa Mahabodhi, Ấn Độ

Bodh Gaya (thuộc huyện Gaya, bang Bihar, miền đông Ấn Độ), có tên tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, được biết đến là một trong bốn Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo sử liệu và kinh Phật, vào năm 589 trước Công nguyên, chính tại nơi đây, đức Phật đã giác ngộ sau 49 ngày tọa thiền dưới cội bồ đề.

Tháp trung tâm của quần thể đền chùa Mahabodhi

Bodh Gaya là một trong 16 điểm đến mang tính biểu tượng của Ấn Độ, thu hút du khách và những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, điểm dừng chân không thể thiếu cho hành trình khám phá Bodh Gaya chính là quần thể đền chùa Mahabodhi (tên tiếng Việt là Đại Giác Ngộ Tự), được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2002.

Dưới cội bồ đề ở Mahabodhi, ngồi xuống, tĩnh lặng, khép mắt lại, thở thật sâu và lắng nghe... chắc chắn là món quà tuyệt vời nhất dành tặng cho chính mình.

Bohd Gaya, nơi tọa lạc ngôi đền Mahabodhi được ví như “Liên hiệp quốc Phật tự” vì nơi đây tập trung rất nhiều những ngôi chùa của các nước theo Phật giáo trên thế giới. Mỗi ngôi chùa nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc riêng, giống như những ngôi chùa của các nước theo đạo Phật nổi tiếng.


Các tin tức khác

Back to top