Ðến một mức độ nào đó, sự chênh lệch giữa cái cần và cái muốn càng ngày càng xa. Sự chênh lệch đó tạo ra stress. Và, đó là nguyên do tạo nên một sự mất quân bình, bấp bênh trong cuộc sống hiện đại.
Nhìn về phương diện đáp ứng cuộc sống, ngay từ nhỏ, con người có thói quen bắt chước. Bắt chước là một phản xạ tự nhiên để bảo tồn sự sống còn. Con khỉ con phải bắt chước con khỉ mẹ tránh những nguy hiểm, loại bỏ những thức ăn có độc tố trong đó, và tập nhận ra những con thú dữ. Khi ta nghe một tiếng nổ và thấy đám đông chạy về một hướng nào đó thì ta không cần suy nghĩ mà chạy theo, ta không cần biết hướng đó đúng hay sai. Dân gian qua sự quan sát nhiều thế hệ có câu tục ngữ nói về bắt chước là: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội tân tiến hiện đại, xã hội rất loạn động và khi ta (bắt chước) theo sự loạn động đó thì tâm ta bị loạn động theo. Loạn động tạo rất nhiều căng thẳng tinh thần.
Hệ thống thần kinh loài người khác với loài thú. Ở loài người, vỏ não (cortex) phát triển rất nhiều. Vỏ não giúp cho ta suy nghĩ, phán xét và quyết định một cách khôn ngoan (executive function). Tuy nhiên cái tiêu cực của sự phát triển vỏ não là sự lo âu. Sợ hãi khác lo âu ở chỗ sợ hãi là một chuỗi phản ứng sinh lý giúp cơ thể chiến đấu hay bỏ chạy trước một hiểm nguy. Khi hoàn cảnh nguy hiểm qua rồi thì cơ thể dần dần trở lại sự bình thường. Hơi thở chậm lại, nhịp tim chậm lại và những bắp thịt thư giãn ra. Khi vỏ não phát triển thì con người bắt đầu biết suy nghĩ đến hoàn cảnh sợ hãi trong lúc không có hiểm nguy. Hệ thống thần kinh của chúng ta không phân biệt được sự nguy hiểm do hoàn cảnh và sự nguy hiểm do ta suy nghĩ. Khi ta suy nghĩ về hoàn cảnh nguy hiểm thì tự nhiên tim ta sẽ đập nhanh hơn, ta có cảm giác hồi hộp như đang đối diện với hoàn cảnh thật sự vậy.
Suy nghĩ thường dựng ra hai thái cực (splitting): không tốt thì phải xấu. Suy nghĩ ít chịu dừng ở chỗ có thể xấu và cũng có thể tốt, hay không tốt cũng không xấu. Khi chia thái cực rồi thì não bộ ta mất khả năng nhìn sự thật. Nói một cách khác, suy nghĩ tạo một ảo giác trong não bộ mà não bộ cho rằng cái ảo giác đó là sự thật. Nói một cách cho dễ hiểu là thí dụ ta đi trên con đường A và bị tai nạn nơi đó. Ta tin rằng con đường đó rất nguy hiểm và tìm đủ mọi cách tránh con đường đó. Ðó là cái thực tế của suy nghĩ lo âu chia ra thái cực xấu và tốt. Như thế suy nghĩ có khuynh hướng thấy phiến diện (reductionistic view) và khó có được sự cảm nhận toàn diện.
Khi ta có suy nghĩ đó rồi thì những mạch thần kinh (neural circuits) liên kết con đường A với nguy hiểm được củng cố. Khi đó ta mất đi cái nhận thức rằng sự nguy hiểm đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Ta quả quyết tin rằng con đường đó thật sự nguy hiểm. Nếu có người nào đó đi trên con đường đó mà không có gì xảy ra, họ nói với ta rằng con đường A không nguy hiểm, ta sẽ không tin họ và cho rằng họ là người nói láo hay có ý xấu muốn ám hại ta, xúi ta đi trên con đường nguy hiểm. Như thế do suy nghĩ gắn liền con đường A với nguy hiểm, ta dần dần mất đi khả năng nhận thức cái thực tế con đường A không nguy hiểm đối với người khác. Suy nghĩ có thể ngụy tạo cái mà nó cho là “thực tế”. Ở thí dụ trên, suy nghĩ ngụy tạo cái “thực tế” là người khuyên ta đi trở lại con đường A có ý xấu muốn ám hại ta. Nói tóm lại, ta chỉ thấy những gì ta muốn thấy và cho rằng đó là sự thật. Ða số mọi người không nhận thức được điều này vì thế mới xảy ra mâu thuẫn và chiến tranh.
Những nghiên cứu thần kinh học và phân tâm học cho ta thấy rằng chức năng của vỏ não bộ (cortex) càng phát triển thì căng thẳng xảy ra càng nhiều. Căng thẳng xảy ra do sự xung đột của cái “thực tế” vỏ não bộ cảm nhận và cái “thực tế” thứ nhì của hệ thống limbic. Ðây là vùng não bộ liên quan đến bản năng và tình cảm. Khi suy nghĩ càng nhiều thì sự liên kết đối thoại giữa hai vùng não bộ này càng khó khăn. Hiện tượng này phân tâm học gọi là cơ chế kháng cự (defense mechanism). Thí dụ như biện hộ hay đổ thừa là một trong những cơ chế kháng cự. Khi ta biện hộ hay đổ thừa thì ta mất khả năng thấy được cái hiện trạng của tình cảm ta. Như thế trong não bộ ta không có sự liên kết giữa hai vùng vỏ não (lý trí) và vùng limbic (tình cảm). Hai vùng não này của ta hoạt động song song và tạo dựng hai “thực tế” riêng rẽ.
Một thí dụ cho dễ hiểu là ông B là người dễ giận sau khi bị tai nạn xe cộ nhưng ông ta không nhìn nhận cơn phẫn nộ của mình. Ông ta hay suy nghĩ (chức năng của cortex) để tìm những điểm xấu của những người lái xe cẩu thả làm ông ta giận. Ông ta lập bè đảng và cho rằng những người làm nghịch ý ông là “kẻ thù” vì họ có nhiều hành vi và suy nghĩ không đúng. Ðó là cái “thực tế” do vỏ não suy nghĩ vẽ ra. Vì thế khi lòng sân càng cao thì cái ảo tưởng (delusion) “đe dọa” của “kẻ thù” càng mạnh. Cái ảo tưởng “đe dọa” này nuôi dưỡng lại (feedback) lòng sân hận. Ðó là cái vòng lẩn quẩn (vicious cycle) thật khó mà thoát ra. Càng suy nghĩ nhiều thì ông B lại càng tự khóa mình trong ảo tưởng của giận và hận thù. Càng suy nghĩ nhiều thì ông ta càng mất đi cái khả năng nhận ra sự thật khách quan. Ông ta quả quyết rằng cái cảm nhận chủ quan là sự thật. Cũng như người bị cận thị chưa mang kính cận thì quả quyết tin rằng cái thế giới mờ mờ là sự thật.
Vì không có sự liên kết hài hòa giữa hai vùng não kể trên nên hệ thống thần kinh ta bị mất rất nhiều năng lượng. Có thể ví như ta ngồi trên xe ngựa có hai con ngựa kéo, mỗi con đi một hướng khác nhau. Sức hai con ngựa kéo thì nhiều nhưng xe ngựa thì không đi đâu xa được. Ðó là trạng thái của lo âu. Khi để những suy nghĩ lo âu làm chủ tâm hồn ta thì lúc đó ta không phải có hai con ngựa mà hàng trăm, hàng ngàn con kéo ta đi vô số chiều hướng khác nhau. Quý độc giả chắc ai cũng có, không ít thì nhiều, cái kinh nghiệm của lo âu làm ta căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi và hậu quả của lo âu làm ta mất sự chăm chú (concentration) và làm công việc ta mất hiệu quả rất nhiều. Trong lúc lo âu, ta có thể đọc một trang sách, đọc tới, đọc lui hoài mà không hiểu bao nhiêu. Nếu ta đang lo âu mà lái xe thì dễ vượt đèn đỏ hay đi lạc đường. Ðiều này muốn nói lên rằng trong lúc suy nghĩ lo âu, hệ thống thần kinh ta mất sự liên kết hài hòa, phải dùng năng lượng rất nhiều (ta có cảm giác mệt mỏi) mà hiệu quả (chăm chú) thì rất thấp.
Ðể tâm tĩnh lặng là một cách phối hợp vùng vỏ não và vùng limbic giúp cho hai vùng này làm việc chung với nhau một cách hài hòa (synchronization). Khi hai vùng này bị phân tách thì con người dễ sống ở thái cực hoặc là thích suy nghĩ trừu tượng (extreme rational) hay là thích những phép lạ mầu nhiệm (extreme irrational). Sản phẩm của sự phân cách này trên phương diện tôn giáo là cá nhân áp dụng những giáo điều một cách cứng rắn hay tự bắt buộc mình phải có lòng tin tuyệt đối, dễ đưa đến cuồng tín. Những phản ứng này sẽ tạo ra nhiều căng thẳng hơn vì nó dùng năng lượng thần kinh một cách không hiệu quả, dẫn đến sự rối rắm (confusion). Khi để tâm tĩnh lặng thì vùng vỏ não và vùng limbic sẽ liên kết với nhau dễ dàng hơn và lúc đó cái cảm nhận sự thật sẽ hiện ra khác. Cái cảm nhận thực tại được các giáo chủ tôn giáo gọi là chân lý, có nghĩa là sự thật lúc nào cũng đúng.
Tại sao để tâm tĩnh lặng thì giúp hai vùng não bộ hòa hợp với nhau? Khi suy nghĩ nhiều, ta vẽ ra những cái mà ta cho là thực tế. Con người có vô số suy nghĩ khác nhau, vì vậy mà có vô số thực tế khác nhau. Kiến thức - sản phẩm của vỏ não - là một khu rừng rậm với vô số loài thảo mộc khác nhau. Càng đi sâu vào đó thì tâm ta càng dễ loạn động, thật khó mà phân biệt kiến thức nào là đúng hay sai. Càng suy nghĩ nhiều để hiểu thì ta càng bị rối trí, như đi lạc vào rừng mà không có địa bàn chỉ hướng đi. Rồi có một số người mong tìm được sự vững chắc, bám vào (cố chấp) một triết lý hay trường phái suy nghĩ hay tôn giáo nào đó và đả phá những người suy nghĩ khác mình. Khi tham được đúng, sân khi bị người khác không chấp nhận mình thì hệ thống limbic (tình cảm) bị khơi động. Khi hận thù kết hợp với những mê lầm của suy nghĩ biện hộ thì con người càng bị lún sâu vào cái thế giới ảo tưởng (delusion) của tự kỷ ám thị (self fulfilling prophecy). Danh từ Phật giáo gọi là vô minh (mất ánh sáng tỉnh thức).
Những kiến thức là hình bóng của sự thật đã qua. Thí dụ: “Con đường A thật nguy hiểm”. Kiến thức và sự thật chỉ đúng (có nghĩa là hòa hợp/synchronize) ở một thời điểm nào đó. Nhưng nếu ta giữ cái hình bóng suy nghĩ quá khứ đó và phóng lên hiện tại và tương lai thì sự hòa hợp sẽ bị mất đi và kiến thức lúc này sẽ trở thành ảo tưởng (delusion). Khi ta lặp đi lặp lại cái ảo tưởng lo âu trong tâm, ta củng cố những mạch thần kinh liên quan đến sợ hãi trong quá khứ và mất đi khả năng tạo những mạch thần kinh hòa hợp với hiện tại. Lúc bấy giờ ta khởi động nỗi lo sợ ở hệ thống limbic và nó lan tràn và lấn áp cái thực tại. Ta có thể nằm trong phòng với bốn bức tường thật an toàn nhưng lăn lộn ngủ không được vì những suy nghĩ lo âu để cảnh tượng kinh hãi của quá khứ vào phòng ngủ của ta. Stress xảy ra khi tâm và thân mất sự hòa hợp với hoàn cảnh hiện tại (căn phòng ngủ ấm cúng). Những căn bệnh tâm thần có thể xảy ra khi ta không làm chủ được dòng suy nghĩ lo âu.
Khi để tâm tĩnh lặng, ta không khơi động những suy nghĩ lo âu. Ta nhìn ra cái giá trị thật của chúng là ảo tưởng. Vì thế suy nghĩ hiện ra rồi biến mất. Lúc đó là lúc ta từ chối không cho tư tưởng của quá khứ liên kết với những mạch thần kinh của sợ hãi. Hệ thống limbic (tình cảm) không bị khởi động, ta cảm thấy những bắp thịt thư giãn. Ta không lo âu nên sự chăm chú nhận ra hiện thực càng ngày càng mạnh (trí tuệ). Hệ thống vỏ não không tạo ra những ảo tưởng hay thành kiến nữa nên có thể lắng nghe (hay điều hòa) với hệ thống limbic.
Sự điều hòa càng nhiều thì năng lượng thần kinh được dùng càng ít đi. Một sự nhẹ nhàng thật khó tả trải rộng ra trong tâm hồn. Ðó là cảm giác khi ta tập tâm tĩnh lặng. Khi đi sâu vào tâm tĩnh lặng, khi hòa hợp nhiều hơn với hệ thống limbic (thế giới của tình cảm và giấc mơ) thì ta sẽ có cảm nhận hòa hợp với nhân loại và vũ trụ. Lúc đó ta mới thấu hiểu được cái nghịch lý của “trong một có tất cả”. Tâm tĩnh lặng có thể nói là chìa khóa mở cửa vào thế giới của sự hài hòa vui vẻ và hạnh phúc vững bền.
Thái Minh Dung (TTM)
Các tin tức khác
- Tôn giáo nào tốt nhất ( 6/01/2014 6:31)
- Doanh nghiệp sẽ thành công nếu 'đủ duyên' ( 3/01/2014 12:53)
- Mở thư viện Phật giáo điện tử gồm 5 ngôn ngữ ( 1/01/2014 2:41)
- Các chùa Q.10 ủng hộ từ thiện gần 6 tỷ đồng (31/12/2013 6:03)
- Chùm Ảnh Lễ Lạc Thành Tại Chùa Phước Sơn Q. Tân Phú (21/12/2013 3:42)
- Lễ rửa mặt Phật ở chùa Mahamuni (18/12/2013 5:24)
- Lễ xuất gia cho 27 cây Đoàn (Linden tree) (15/12/2013 3:35)
- Trường tiểu học Phật pháp duy nhất ở châu Âu ( 6/12/2013 4:29)
- Thiền chánh niệm với biên tập viên truyền hình ( 3/12/2013 6:05)
- HVPGVN tại Tp HCM với chủ đề "Mênh Mông Tình Thầy" (21/11/2013 12:10)