Nằm thoai thoải ven dòng Mê Kông, trở thành thủ đô của Lào từ năm 1563 dưới triều đại vua Setthathirat, Viêng Chăn qua mấy trăm năm phát triển vẫn không màng tới những tòa nhà chọc trời, những khu thương mại rực sáng, những đại lộ rộng thênh thang. Thủ đô này vẫn bình yên với những công viên rợp bóng cây xanh, những con đường hiền hòa thấp thoáng bóng những nhà sư trẻ, những mái chùa ẩn hiện trong màu xanh của cây cối. Một nhịp sống yên bình, xa rời tất cả những sự phô trương bề bộn giữa thời đại này, sẽ là một điều thú vị khó tìm thấy ở một thủ đô nào khác.
Trên đại lộ Lane Xang, đại lộ lớn nhất Viêng Chăn là Khải hoàn môn Patuxay, một biểu tượng của thành phố bình yên này. Patuxay được xây dựng từ năm 1958, với lối kiến trúc bên ngoài được mô phỏng Khải hoàn môn của Paris. Bên trong của Tháp là những phù điêu, kiến trúc, biểu tượng của quốc gia Lào. Lần theo từng bậc thang bên trong tháp để lên đỉnh cao, bạn có thể nhìn ngắm nhiều biểu tượng Phật giáo, những ô cửa dễ thương hướng ra bên ngoài một không gian thoáng đãng. Trên tầng cao nhất, bạn có thể nhìn ngắm toàn bộ thành phố Viêng Chăn với cây cối xanh xanh, rất mực hiền hòa.
Pha That Luang, biểu tượng của văn hóa và tôn giáo của Quốc gia Lào
: Khải hoàn môn Patuxay, biểu tượng của thành phố thủ đô Viêng Chăn
Rời Khải hoàn môn, cách đó khoảng 2km là Pha That Luang, di sản văn hóa thế giới và là biểu tượng của quốc gia cũng như của tôn giáo trên vương quốc Lào. Công trình này được xây dựng từ năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Ấn Độ. Đây là tháp xá lị đẹp nhất và lớn nhất ở Lào, tương truyền rằng bên trong có chứa xá lợi là một sợi tóc của Đức Phật và nhiều vàng bạc châu báu. Bên ngoài tháp lóng lánh dát vàng, ngọn tháp vươn cao lên nền trời vời vợi, mang một vẻ uy nghiêm mà cũng rất hiền từ, khiến người xem choáng ngợp nhưng cũng thấy bình yên.
Trường Đại học Phật giáo ở Viêng Chăn, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp
Nhiều công trình kiến trúc của Viêng Chăn thường có cách trang trí đậm tính truyền thống của Lào, với những họa tiết đặc trưng
Lào là một quốc gia Phật giáo. Có khoảng 1.600 ngôi chùa trải rộng trên đất nước này, riêng Viêng Chăn đã sở hữu vài trăm ngôi chùa. Đến với Viêng Chăn, là đến với thành phố của những ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa là một vẻ đẹp, một nét bình yên. Nhưng có hai ngôi chùa quý giá bạn nhất định phải tìm đến, đó là chùa Phra Keo và chùa Sisaket.
Chùa Phra Keo là ngôi chùa cổ kính nhất và quan trọng nhất của Lào, chỉ đứng sau Pha That Luang. Chùa được vua Setthathirat xây dựng vào năm 1565 sau khi ông lên ngôi để bảo vệ bức tượng Phật ngọc và làm nơi cầu nguyện cho Hoàng tộc. Vì thế, ngôi chùa này hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều báu vật cổ của Hoàng tộc Lào, và còn được gọi là Chùa Hoàng gia.
Chùa Wat Phra Keo: ngôi chùa cổ kính và quan trọng nhất trên đất nước Lào, chỉ đứng sau Pha That Luang.
Chùa Sisaket nằm trên đường Setthathirat, được xây dựng từ năm 1818 dưới triều vua Chao Anou. Ngôi chùa linh thiêng này còn được xem là một bảo tàng quốc gia vĩ đại bởi nơi đây hiện lưu giữ đến 6.840 bức tượng đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và vô cùng quý hiếm. Chỉ riêng khu vực hành lang của ngôi chùa đã có đến 2.000 tượng Phật bằng nhiều nguyên vật liệu khác nhau như đồng, mạ vàng, mạ bạc, gốm sứ.
Hành lang tượng Phật trong chùa Wat Sisaket.
Chùa Wat Sisaket, còn là bảo tàng với hàng ngàn tượng Phật quý hiếm.
Sau khi thăm các ngôi chùa, bạn có thể gọi một chiếc xe tuk tuk để đi đến Vườn Tượng Phật, cách Viêng Chăn khoảng 25km. Tuk tuk ở Lào rất hiền, có bảng giá treo ở xe, người chở sẽ sẵn lòng chờ bạn tham quan xong để chở bạn về lại thủ đô, rất dễ chịu. Vườn Tượng Phật là một điểm đến vô cùng độc đáo, bởi trên một quang cảnh rộng, nằm ở phía Đông Nam Viêng Chăn, có đến hàng trăm bức tượng Phật độc đáo làm bằng bê tông, dáng nằm ngồi khác nhau, xen lẫn với các nhân vật trong Hindu giáo, và những bức tượng thần linh, động vật, quỷ thần.. Giữa khu vườn là một căn hầm nhỏ giống hình quả bí ngô, bên trong mô phỏng ba tầng Thiên đường, trần gian và địa ngục.
Phong cảnh bình yên thường thấy ở các ngôi chùa trong thành phố.
Các biểu tượng Phật giáo xuất hiện ở những ngôi chùa khác nhau trong thành phố.
Một con đường có tên “Sài Gòn” ở thủ đô Viêng Chăn, ghi dấu tình cảm giữa Viêng Chăn và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở về Viêng Chăn, bạn đừng quên ghé chợ Talat Sao, còn gọi là chợ Sáng, ngôi chợ trung tâm của thành phố, mở cửa từ 7h30 sáng đến 4 giờ chiều. Là một ngôi chợ sầm uất nhưng chợ Sáng vẫn mang phong cách của người Lào: hiền lành, nhỏ nhẹ, thân thiện.
Nơi đây bạn có thể chọn mua cho mình một bức tượng gỗ, một món đồ nhỏ biểu tượng của Viêng Chăn, của Lào để khi ra về, thỉnh thoảng sẽ nhìn ngắm để nhớ về một thành phố thủ đô dịu dàng hiếm có, một thành phố xanh yên bình, nhẹ nhàng, với con người nơi này thật đôn hậu, dễ thương.
Huỳnh Thu Dung (Theo motthegioi.vn)
Các tin tức khác
- Tỷ phú người HongKong xây tu viện Phật giáo ( 7/05/2015 12:33)
- Những nhà sư tại Đại học Harvard ( 6/05/2015 5:15)
- Ngắm đất Phật Nepal và thành phố tâm linh Kathmandu trước khi bị động đất ‘hủy diệt’ (29/04/2015 11:51)
- TP.HCM: BTS PG Q.10 triển khai Phật đản và An cư (29/04/2015 3:02)
- Inamori Kazuo, nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản quyết định xuất gia (27/04/2015 5:00)
- Nghĩ về cái chết - cách tận hưởng niềm vui ở Bhutan (26/04/2015 12:00)
- Choáng ngợp hàng nghìn tượng Phật thiêng xuyên núi (25/04/2015 11:58)
- Công Vinh quy y tam bảo (22/04/2015 4:34)
- Những điều không thể kỳ diệu hơn tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (22/04/2015 4:27)
- Ngôi làng của 40.000 nhà sư ở Trung Quốc (20/04/2015 11:30)