Làng Ecomé, tuy chỉ cách Jerusalem chừng khoảng mười cây số, nhưng đã ở ngay trong vùng sa mạc, không xa Biển Chết lắm. Ngôi làng được dựng ngay trên một ngã tư đường, là một nơi mở ngỏ cho những người Israel và Palestin có thể gặp nhau. Vì thế mà có rất nhiều xe hơi lưu thông quanh làng cho dù nơi đây tất cả mọi người đều đi chân trần và những cấu trúc xây dựng đều bằng đất nung, vải và lá cọ... tuy vậy, rất đẹp và đặc biệt đơn giản. Người ta gọi đây là một ngôi làng sinh thái, vì ở đó có một cộng đồng người trẻ đang sống với những quan tâm hàng đầu của họ là làm thế nào để góp phần chăm sóc và bảo vệ môi trường. Họ thực hiện điều đó bằng việc sử dụng những nhà vệ sinh không dùng nước (toilette sèche, dry-toilet), tạo những hố rác tự phân hủy và nhà vườn dùng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, mối quan tâm thứ hai của họ là việc gặp gỡ và đối thoại giữa những văn hóa, những dân tộc và những tôn giáo sống rất gần nhau nhưng thường xuyên xảy ra xung đột.
Làng EcoMe đây rồi
Vào ngày đầu tiên, chúng tôi đem theo thức ăn sáng và khởi hành sớm để bắt đầu cho một buổi thiền hành im lặng trên sa mạc với tất cả những người trẻ trong làng. Chúng tôi có cả thảy khoảng 50 người, bao gồm những người trẻ Israel, Palestin và cả những nước khác; những người khách tình cờ ghé ngang hay những người chính thức tham dự khóa tu.
Sa mạc. Yên lặng. Tập hợp. Hoa anh túc. Bình an. Sỏi. Bụi. Dân du mục Ả Rập. Tâm kinh. Tuổi Trẻ. Lắng nghe. Liên kết. Hy vọng... Tất cả như những hạt cát hòa quyện với nhau cùng gợi lên buổi thiền hành tuyệt đẹp này.
Buổi thiền hành, như một cuộc đối thoại vượt lên trên mọi ngôn ngữ, mang chúng tôi lại với nhau trong sự bình an trong sáng và tuyệt đẹp. Tất cả tạo thành một phong cảnh bao bọc lấy chúng tôi trong suốt buổi.
Thiền hành trên sa mạc
Trong suốt khóa tu ngắn ngủi này, những người trẻ đã chia sẻ một cách hăng say và chân thực, trái tim cũng như những ước muốn sâu sắc nhất của họ gắn liền với những đau khổ, xung đột, chiến tranh và những khó khăn to lớn trong việc truyền thông giữa những tôn giáo và những quốc gia hiện đang có mặt ở vùng đất này. Hoàn toàn không có chuyện tán dóc bởi vì ở đây ý thức về khổ đau có mặt một cách rõ ràng và chúng tôi chỉ có thể đi thẳng vào những câu hỏi thiết thực nhất như: Làm sao để ra khỏi những cuộc xung đột? Thực sự có hy vọng hay không? Sự thực tập có thể đáp ứng được những vấn đề quá lớn và liên hệ đến chính trị như vậy hay không? Hòa bình trong tự thân, hòa bình toàn cầu, có đủ hay không? Chúng ta muốn thay đổi, nhưng làm thế nào để thay đổi bằng sự thực tập?...
Vào buổi chiều của ngày thứ hai, chúng tôi đã có một buổi chia sẻ rất dễ thương, và cũng là buổi cuối cùng, với toàn nhóm. Sau đó là thiền ôm để kết thúc với rất nhiều biết ơn và thân thương. Đây là một số từ ngữ những người trẻ đã dùng mà tôi đã viết xuống từ từ trong suốt buổi chia sẻ này: “Những người bạn, tình bạn. Thở. Hát và múa với những khổ đau của mình, được yểm trợ để tự giải phóng mình ra khỏi mạng lưới trong lòng. Không khí sa mạc qua ống sáo, trống châu Phi và những thầy tu Hồi giáo nhảy múa. Chúng ta như những chiếc lá trên cùng một cây. Chúng ta là một! Vững như đất! Đàn harpe, vòng tròn đồng thanh hát ca ngợi Chúa (Alléluila). Nam mô Amitabaya, Bouddhaya, Dharmaya, Sanghaya! Alléluia!”…
Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một khóa tu rất đẹp, phong phú và cô đọng, thỉnh thoảng cũng có đôi chút thử thách. Sau vài giờ đầu tiên hơi rụt rè, khóa tu cũng đã khởi đầu tốt đẹp, sau đó diễn ra trong một niềm bao dung tương ái, và nhất là ngày thứ hai và ba đã kết thúc rất vui vẻ.
Chúng tôi đã cùng chứng thực một điều, đó là sống an lạc chung với nhau.
Sư cô Sứ Nghiêm và các bạn trẻ đang chia sẻ
Vào hai buổi sáng tinh mơ, chúng tôi đã có cơ hội sống trong vòng tay của sa mạc, tận hưởng sự yên lặng bao la và tuyệt diệu dưới một bầu trời đầy sao. Thêm nữa, thật là quá hạnh phúc khi vừa mở mắt, vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi đã được ngắm một con lạc đà đang thản nhiên gặm cỏ ngay trước lều của mình.
Sau cùng, tôi thấy rằng, sa mạc thì luôn khô, nóng. Dù vậy, đó vẫn là một suối nguồn tâm linh sống động tuôn trào. Liệu nó có thể tưới tắm cho những người trẻ làng Ecomé của chúng ta hay không khi mà những người đó đang chứng tỏ một sự dũng cảm lớn lao và một quyết tâm sâu sắc hiến tặng cuộc đời họ cho cuộc đối thoại và hòa giải giữa những dân tộc của họ.
Sư cô Sứ Nghiêm là một sư cô trẻ người Pháp. Sư cô xuất gia năm 2008 tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng. Sư cô hiện đang sống và thực tập tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, Làng Mai.
Theo Làng Mai
Các tin tức khác
- Sĩ tử vào chùa nghe tư vấn chọn trường thi ĐH (18/04/2013 1:23)
- Cái nhìn đúng về tục đốt vàng mã (17/04/2013 12:33)
- Tuyển 410 TNV chương trình Tiếp sức mùa thi 2013 (15/04/2013 5:07)
- Khóa tu Mùa Xuân tại Làng Mai (29.03.2013 - 24.05.2013) (14/04/2013 3:35)
- Tổng thống Nga Vladimir Putin lên chùa và cam kết ủng hộ Phật Giáo (13/04/2013 3:42)
- Giác ngộ trong từng nét bút (13/04/2013 12:35)
- Độc đáo nghi lễ tắm Phật trà xanh Nhật Bản (12/04/2013 1:56)
- Tại sao thiền & thở 'ăn khách' tại Anh? (10/04/2013 6:06)
- Hội hoa Thủy Tiên - Làng Mai ( 9/04/2013 11:45)
- Thiết trí thiền đường ở nơi làm việc ( 8/04/2013 5:54)