Nét đẹp của chùa Song Lâm cổ tự ở Singapore

27/11/2016 1:40
Ngôi Liên Sơn Song Lâm Thiền Tự (蓮山双林禅寺) được Chính phủ Nước Cộng hoà Singapore công nhận Di tích Quốc gia vào năm 1980.
Ngôi Già lam Cổ tự đã mở cửa cho du khách thập phương hành hương chiêm bái vào hôm thứ Sáu ngày 11/11/2016. 

Đây là hạng mục cuối cùng để hoàn thành công việc phục chế và tái thiết kéo dài 25 năm, trong đó có sự phối hợp cách kiến trúc phản ảnh đa dạng của những người nhập cư từ Trung Quốc đến Singapore.

Ý tưởng phục chế tòa nhà có Pháp Điện này được đưa ra bàn luận vào năm 2003, một năm sau khi hoàn thành việc phục chế có kinh phí 30 triệu đô la Singapore.

Ngôi Liên Sơn Song Lâm Thiền Tự (蓮山双林禅寺) tọa lạc tại 184, Jalan Toa Payoh, Singapore 319944, thành lập vào năm 1898, toàn danh Liên Sơn Song Lâm Thiền Tự, là một công trình kiến trúc Phật giáo tối cổ của đất nước Singapor, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
 
Sự phát khởi kiến tạo ngôi Già lam Phật địa này là Cư sĩ Lưu Kim Bảng, một đại thương gia, cung tiến đất và liên hiệp cộng đồng Phật giáo đồ đồng sáng lập.

Song Lâm Tự được xây dựng là để kỷ niệm ngày Đản sinh và ngày nhập Niết bàn của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. “Song Lâm” đại biểu Niết bàn Đại thừa “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, và “Liên Sơn” biểu thị Tăng già lam, chốn Tùng lâm, xứng đáng được thế nhân tôn sùng kính ngưỡng.

Nêu danh Song Lâm, đánh dấu kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn tại thành Câu Thi Na, nơi giữa hai cây Sa La song thọ, Đông, Tây, Nam, Bắc tứ phương đều có Sa la song thọ, Phật nhập diệt nhất khô, nhất vinh, tiêu biểu liễu nghĩa Niết Bàn Đại thừa lịch đại phồn vinh.

Cây tươi tốt vinh hoa biểu tượng bốn đặc tính của chân ngã Phật tính “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, cây khô héo điêu tàn biểu hiện tứ điên đảo “Vô thường, Vô lạc, Vô ngã, Bất tịnh”. Tám cảnh giới Như lai Thế tôn nhập diệt, không phải khô, không phải vinh, không phải là giả, không phải là vô ích.
 
Ngôi Cổ tự này với kiến trúc truyền thống và phong cách Mân Nam, Đài Loan, ngôi Cổ tự được thiết kế phản ảnh kiến trúc đặc sắc của Liễu Phúc Châu, Tuyền Châu và Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cấu trúc xây dựng dựa trên các bố trí và bố cục theo chốn Tùng lâm Thiền tông, sau khi sửa chữa và xây dựng hoàn chỉnh khu bảo tồn kiến trúc tùng lâm Phật giáo với những Hữu bài lâu, Chiếu bích, Bán nguyệt trì, Sơn môn, Thiên Vương điện, Đại Hùng bảo điện, Pháp đường, Long Quang Bảo Tháp.

Lối vào ngôi Cổ tự được trang trí rất công phu, đi qua một cây cầu dẫn vào một khoảng sân nhỏ. Từng bước chân an lạc, nhẹ gót một vòng quanh sân để chiêm ngưỡng vô số bức tượng Phật chạm trổ tuyệt đẹp được trưng bày tại đây.

Cổng ra vào ngôi Cổ tự được trang trí tuyệt mỹ, đi qua một cây cầu và băng qua Sơn môn (thường gọi là cổng tam quan) sẽ dẫn đến khuôn viên ngôi Cổ tự. Liên Sơn Song Lâm Thiền Tự hình chữ nhật rất tao nhã, phía trước là Hồ bán nguyệt có 9 rồng phun nước.

Khi vào Điện Thiên Vương, chính giữa điện thờ Phật Di Lặc, hai bên có Tứ đại Thiên Vương thếp thân vàng sáng rực, ngoài ra còn có nhiều bức long hổ thạch đồ được đúc từ năm 1905.

Ngôi Cổ tự có hai ngôi Bảo tháp cao, trong đó có cột khắc kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni cao 7,5 mét. Tại 8 góc của thạch trụ được khắc kinh bằng tiếng Phạn và tiếng Hán, trên dưới có đường vân hình long thiên, lực sĩ và nhị long hý châu (hình hai rồng đùa giỡn ngọc).
 
Long quang Bảo tháp gần cổng ra vào ngôi Cổ tự, bên trong Bảo tháp thờ xá lợi, bên ngoài có 7 tầng với chất liệu bằng đá mới cao 29 mét thật đẹp. Bảo tháp được cách tân bằng những nét phù điêu (chạm nổi) phân bố ở 8 góc, miêu tả về cuộc đời đức Phật. Ngoài ra, quanh tháp còn khắc hình hai con rồng ngậm ngọc, hình hoa sen, hình bàn tay Phật, hình sư tử, nét vân, hình phi thiên nhạc kỹ, hình bát đại lực sĩ giống những bậc chân nhân được chạm trổ rất sinh động, giàu mỹ cảm.

Đương kim Phương trượng Trụ trì Liên Sơn Song Lâm Thiền Tự, Pháp sư Duy Nghiễm, Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Singapore.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Vân Tuyền 
(Nguồn: The Straits Times)

Các tin tức khác

Back to top