Ngôi già lam Tuyết Đậu Tự cũng gọi là “Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự-雪竇資聖禪寺”, tọa lạc trung tâm Tuyết Đậu sơn, một trong những ngọn núi cao nhất của “Tú giáp Tứ minh-秀甲四明”, cách trấn Khê Khẩu 5km về phía tây bắc, thành phố Phụng Hoá (Chiết Giang, Trung Quốc)
Ngôi đại già lam Thiền tự này được bao bọc bởi các dãy núi xanh tươi, ngày đêm thác đổ, suối reo hòa điệu với tiếng chim hót thảnh thót, như bản nhạc hòa tấu bởi thiên nhiên tuyệt diệu. Danh lam thắng tích này được ca tụng: “Tứ phương núi xanh phủ kín, núi non khe suối uốn lượn quanh viện, thác đổ suối reo, chim hót như một hòa tấu hùng tráng, ca ngợi Thiền tông”
Trong “雪竇志-Tuyết Đậu chí” triều đại nhà Thanh ghi rằng: “Triều đại nhà Tấn có vị Ni cô kết am tu hành trên đỉnh Thiên Trượng Nham sơn, hiệu là “瀑布院-Viện Bộc Bố”.
Giữa thế kỷ thứ 9 (841), niên hiệu Đường Hội Xương nguyên niên, Viện Bộc Bố được di dời đến vị trí ngày nay, và đổi danh xưng “布觀音禪院- Bộc Bố Quan Âm Thiền viện”.
Năm 892, niên hiệu Đường Cảnh Phúc nguyên niên, ngôi già lam Phật địa được mở rộng với lối kiến trúc quy mô hoành tráng, diện tích 6.000m2, điền địa của chùa 90 hecta.
Năm 999, niên hiệu Tống Hàm Bình thứ hai, Hoàng đề Tống Chân Tông (Triệu Đức Xương -趙德昌) sắc tứ ban hiệu ngôi Già lam “Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự-雪竇資聖禪寺).
Năm 1037, niên hiệu Cảnh Hựu thứ tư, Hoàng đế Tống Nhân Tông (Triệu Thụ Ích-趙受益) mộng thấy vân du Tuyết Đậu sơn, liền sắc tứ ban hiệu “應夢道場-Ứng Mộng Đạo Tràng”.
Đời Nam Tống, Hoàng đế Tống Ninh Tông lấy niên hiệu Ninh Tông (1194-1224), khi Triều đình chế định đẳng cấp các ngôi Tự viện Phật giáo, Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự được liệt vào một trong Thập tự Cổ sát “五山十殺-Ngũ Sơn Thập Sát”.
Năm 1254, niên hiệu Thuần Hựu thứ năm, Hoàng đế Tống Lý Tông (Triệu Quý Thành -趙貴誠) sắc tứ ban hiệu “應夢茗山-Ứng Mộng Danh Sơn”, hương hỏa thịnh vượng. Trải qua bao thăng trầm cùng vận nước, hưng phế suy vong của đạo pháp, ngôi Già lam Cổ tự cũng không ngoài định luật chi phối của vô thường và nhiều lần trùng tu. Đầu triều đại nhà Thanh tái tạo lại Sơn môn, Đại Hùng Bảo điện, Thiên Vương điện, Pháp đường, Tàng Kinh các, Lầu chuông, Lầu trống, Tăng phòng, Thiền thất… cột sơn son trong tự viện vài trăm cây, Kinh sách chứa trong Tàng Kinh các hàng vạn quyển.
Đời Nam Tống (南宋, 1127-1279), ngôi Đại già lam Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự được nổi danh sánh cùng các ngôi già lam cổ tự Trứ danh cổ sát Giang Nam Linh Ẩn tự, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Thiên Thai Sơn Quốc Thanh Tự, huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, Thiên Đồng Thiền Tự, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Vạn Thọ Vĩnh Tô Thiền Tự, huyện Thiên Ninh, tỉnh Giang Tô. . . Thời Nhà Minh (1368-1644), Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự được liệt vào một trong những “Ngôi cổ Thiền Tông Vang Danh Thiên Hạ”.
Thời Dân Quốc về sau, ngôi già lam cổ tự này dần suy giảm theo thăng trầm thế cuộc. Năm 1968, phải tháo dỡ do thiệt hại bởi mối mọt. Kiến trúc Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự hiện nay bởi lần tái tạo vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Trước ngôi già lam cổ tự có hai cây cổ thụ Ngân Hạnh, phía sau có hai Đại thụ Nam Mộc bao bọc xung quanh được Tướng quân Trương Học Lương (3/6/1901 - 14/10/2001) trồng, đến nay vẫn còn xanh tươi.
Năm 1987, cư sĩ Triệu Phác Sơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc khi đến thị sát núi Tuyết Đậu và nói rằng: "Tuyết Đậu là nơi ứng hóa của Bồ tát Di Lặc, nên xây dựng điện Di Lặc riêng cho Ngài, đặc biệt là phụng thờ một mình Ngài", và gọi Tuyết Đậu là một trong Ngũ Đại Danh Sơn. Hiện nay chùa này đã xây cất điện Di Lặc, chư tăng khi vào điện, nhiễu quanh tượng Di Lặc xướng niệm thánh hiệu Di Lặc Tôn Phật, cho nên gọi là Đạo tràng Di Lặc.
Ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự quy mô hoành tráng, Phạm Cung thâm thúy, tổng diện tích 85.847,4 m2, diện tích xây dựng 19.873,4 m2. Theo trục trung tâm từ ngoài nhìn vào, thứ tự là Sơn môn, Phóng Sinh trì (ao phóng sinh), Chiếu bích (bức tường bình phong), Thiên Vương điện, Di Lặc điện, Đại Hùng Bảo Điện, Nhũ Phong tuyền, Pháp Đường... kiến trúc dựa bên núi, tầng tầng lớp lớp từ thấp lên cao. Trong đó, bảo điện Di Lặc được sáng tạo một cách độc đáo, tổng diện tích xây dựng 1218 m2, mái hiên đôi, lợp ngói lưu ly màu vàng.
Giữa điện tôn trí tượng Hòa thượng Bố Đại, cao 5m, ngồi trên tòa Tu Di theo đồ án chín rồng được điêu khắc bằng đá Thanh Điền (một trong những loại đá "Tứ đại Ấn Chương Thạch" truyền thống Trung Quốc, sản xuất tại huyện Thanh Điền - tỉnh Triết Giang, thường dùng đá này khắc ngọc tỷ cho Hoàng đế), bụng to chứa đầy sự bao dung, ngồi co gối dáng bình thản, nét mặt tươi cười hoan hỷ. Hai bức tường trong điện được đắp một nghìn tôn tượng Di Lặc nhỏ với nhiều tư thế khác nhau, lấy ngũ đại danh sơn Trung Quốc làm bối cảnh, sáng tạo hình thức mới, khiến cho người tham quan ngắm xem luôn có cảm giác mới mẻ.
Ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự có lịch sử rất lâu đời, tông phong được truyền bá rộng rãi. Hoàng đế trong các triều đại, đã tứ ban rất nhiều văn vật, hiện nay vẫn còn như: Ngự tứ Ngọc ấn御賜玉印, ngự tứ Ngọc Phật-御賜玉佛, Đại Thanh Long Tạng-大清龍藏, ngự tứ Long bát-御賜龍缽, long bào và ca sa-龍袍和袈裟v.v...
Hàng nghìn năm nay, Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự đã năm lần bị phá hủy, trải qua mấy lần trùng hưng, bao lần biến thiên.
Từ những thời Dân Quốc, dưới sự kết hợp nhân duyên giữa gia đình Tổng thống Tưởng Giới Thạch (31/10/1887 - 5/4/1975) và ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự, lão cư sĩ Tưởng Ngọc Biểu - Tổ phụ của Tưởng Giới Thạch rất kiền thành tin Phật, tuổi về già lão ông dốc chí tu hành. Lão nữ cư sĩ Vương Thái Ngọc, mẫu thân của cư sĩ Tưởng Giới Thạch, sau khi người chồng trước qua đời, bà đã đến ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự, phát nguyện xuất gia ba năm.
Tại Kim Trúc Am, Lão nữ cư sĩ Vương Thái Ngọc đảnh lễ Thiền sư Quả Như Phương trượng Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự làm thầy Bổn sư. Ba năm sau, bà trở về cuộc sống thế tục và kết hôn với họ Tưởng sinh ra Giới Thạch.
Năm 1932, niên hiệu Dân Quốc thứ thứ 21, thời gian Đại sư Thái Hư (1890-1947) đương kim Phương trượng Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự, Họ Tưởng đã từng cung thỉnh Đại sư Thái Hư giảng giải "Bát Nhã Tâm Kinh-般若心經" cho Phu nhân Mao Phúc Mai - nguyên phối của ông.
Thịnh suy hưng phế là một quy luật tất yếu như một vòng tuần hoàn khép kín. Đại cách mạng văn hóa – 文化大革命) được Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo từ ngày 16 tháng 05 năm 1966, là một giai đoạn hỗn loạn toàn bộ xã hội Trung Quốc diễn ra trong 10 năm từ năm 1966-1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội Trung Quốc.
Ngoài ra, cuộc Cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện. Tệ hại hơn, trong suốt cuộc Cách mạng này, tất cả những gì liên quan đến các tôn giáo đều bị Hồng vệ binh tàn phá thẳng tay. Nhiều công trình Tôn giáo như cơ sở tự viện Phật giáo, Nhà thờ, tu viện của các tôn giáo khác và cả các nghĩa trang đều bị đóng cửa, bị cướp phá hoặc bị đập bỏ. Trong đó, ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự cũng chung số phận phải chịu cảnh tàn phá của những người cộng sản vô thần cực đoan tàn ác.
Điều khủng khiếp nhất của chiến dịch là việc sử dụng bừa bãi hình thức tra tấn, giết chóc những người vô tội, trong đó có các bậc Thánh tăng Hiền triết Phật giáo, dẫn đến các vụ tự tử do nạn nhân không chịu được tra tấn và nhục nhã. Riêng Phật giáo Trung Quốc trải qua 10 năm đại nạn “Đại cách mạng văn hóa” (文化大革命) Phật giáo đứng mũi chịu sào, cơ sở tự viện bị chiếm, Phật tượng bị đập phá, tăng ni bị trục xuất khỏi chùa.
Những thập niên 50, Mao Trạch Đông, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc xua quân vào Tây Tạng giết sư, đốt chùa và gây ra hằng hà sa số tội ác với một dân tộc Tây Tạng hiền lành chịu đựng.
Thật khủng khiếp cho những người Cộng sản vô thần cực đoan, đã gây ra vô số tội ác với dân tộc đất nước Trung Quốc và các nước lâng bang.
Vào thập niên 80, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc thực hiện Chính sách cải cách đổi mới, bắt đầu toàn diện quán triệt thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở tự viện Phật giáo lần lượt khôi phục sinh hoạt, tăng ni xuất gia càng ngày càng đông, nhưng tăng tài của Phật giáo thì lại quá giới hạn.
Năm 1968, chùa Tuyết Đậu bị phá hủy lần thứ năm, chỉ còn lại tăng phòng phía đông lang, đến năm 1985, chính quyền thành phố Phụng Hóa và Hiệp hội Phật giáo thành phố Ninh Ba thành lập "Hội Ủy viên trù bị trùng tu ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự-修復雪竇資聖禪寺籌委會", suy cử Pháp sư Quang Đức, Phó Hội trưởng Thường vụ Hiệp hội Phật giáo thành phố Ninh Ba kế nhiệm Phương trượng trụ trì ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự, chủ trì các công tác giáo vụ, đặt kế hoạch xây dựng Đại Hùng Bảo Điện, Di Lặc Bảo Điện, dãy tăng phòng đông lang, tây lang, lầu Phương trượng, dưới sự ủng hộ của chính quyềm địa phương, sự tài trợ của Phật giáo đồ trong và ngoài nước, và làm lễ lạc thành dự án của giai đoạn đầu vào tháng 08 năm 1987.
Năm 1993, sau khi Pháp sư Quang Đức viên tịch, Pháp sư Nguyệt Chiếu - Hội trưởng Hiệp hội thành phố Phụng Hóa, phát tâm kế thừa túc nguyện của Pháp sư Quang Đức, tiếp tục công trình trùng tu đang bỏ dở. Hơn một năm trôi qua, ngôi cổ sát Tuyết Đậu dưới sự chủ trì của Pháp sư Nguyệt Chiếu sửa chữa hoàn toàn mới mẻ, sừng sững giữa những ngọn núi bao quanh. Như: Sơn môn, Thiên Vương điện, Tàng kinh lâu, Pháp đường, lầu chung cổ, ao phóng sinh, lầu hoằng pháp, phòng trai soạn, vườn hoa cảnh, tháp viện Pháp sư Quang Đức, khách đường tân quán... Ngoài ra, Pháp sư Nguyệt Chiếu còn thành lập một số đạo tràng học tu song vận, đạo tràng giáo dục văn hóa Phật giáo, đạo tràng liên kết Phật giáo đồ trong và ngoài nước... Tuân giữ lời Phật dạy mỗi năm từ 15/4 đến 15/7 âm lịch, tổ chức an cư kiết hạ cho tăng chúng, do Sư Nguyệt Chiếu chủ giảng "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa", "Giới bổn Tứ phần Tỳ Kheo" và Tham thiền..
Ngày 23/9/ đến 29/9/1994 (18 tháng Tám Âm lịch), ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự long trọng tổ chức đại lễ khai quang Bồ tát Đại từ Di Lặc và một nghìn tượng Bồ Tát Di Lặc nhỏ tại Bảo điện Di Lặc. Đồng thời cung thỉnh chư sơn trưởng lão, các Pháp sư khởi kiến đại đàn tràng Thủy Lục Không Hành, phổ thí Du già Diễm khẩu. Một thời cực thịnh.
Danh lam thắng cảnh ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự chủ yếu có: Ngự Thư đình-御书亭 “Ứng Mộng Danh sơn-應夢名山”, Ứng Mộng Dan sơn Ngự Thư đình, Thiên Trượng Nham-千丈岩 "Phi Bộc Như Lôi-飛瀑如雷" (thác nước đổ như sấm); Diệu Cao Đài -妙高台 "Tỵ thử thắng địa-避暑勝地" (khu nghỉ mát mùa hè); Thương Lượng Cương-商量岗 "Đệ nhị Lô Sơn-第二廬山" (núi Lô Sơn thứ hai); Đại thụ Nam Mộc Tướng Quân do Trương Học Lương - vị tướng lãnh kháng Nhật nổi tiếng tự tay trồng...
Ngoài ra còn có những thắng cảnh: Nhũ Phong Tuyền-乳峰泉; Ẩn Đàm-隐潭; Từ Phù Nham-徐凫岩... thêm vào đó là sự kết hợp với lịch sử nhân văn mà được vang danh khắp trong nội ngoại quốc. quốc gia hưng thịnh thì Phật sự hưng thịnh, mang lại triển vọng tương lai. Ngôi Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự Phật Quang phổ chiếu, tiền đồ sáng lạn cho đến ngày nay.
Vân Tuyền (Nguồn: 鳳凰网佛教) - Theo GHPGVN
Các tin tức khác
- Tp. HCM: Bổ nhiệm trụ trì tu viện Linh Thứu huyện Củ Chi (29/11/2016 9:40)
- Ảnh: Núi Tuyết Mai Lí (29/11/2016 1:59)
- Trung Quốc: Danh lam thắng tích Trùng Nguyên Cổ Tự miền Giang Nam (28/11/2016 1:34)
- Nét đẹp của chùa Song Lâm cổ tự ở Singapore (27/11/2016 1:40)
- TP.HCM: Tưởng niệm 708 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. (26/11/2016 11:19)
- Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2017 diễn ra ngày nào? (25/11/2016 1:46)
- Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng (23/11/2016 1:33)
- Gần 600 Tăng Ni tham gia khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2016 (22/11/2016 2:38)
- Huyền bí cung điện khổng lồ trên đất Tây Tạng (21/11/2016 1:33)
- Những ngôi chùa “Bánh Xèo” (19/11/2016 12:21)