Hang Maha Pasana Guha - nơi kết tập kinh điển lần thứ 6

23/09/2017 2:46
Đến với xứ sở Myanmar huyền bí, đất nước bình yên với nhiều công trình Phật giáo độc đáo và hoành tráng, trong số đó phải kể đến ngôi chùa Kaba Aye, ngôi chùa Hòa bình Thế giới, cùng với hang Maha pasana Guha, đồi núi Nghệ Cố, phía Bắc Yan Goon, nơi diễn ra đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6 vào dịp đại lễ Phật Đản, nhằm ngày 15 tháng 04 năm Giáp Ngọ (17/05/1954). Mục đích lần kết tập này là nhằm đoàn kết Phật giáo đồ, chấn hưng Phật giáo Thượng tọa bộ, và đề cao địa vị độc lập của quốc gia Phật giáo Myanmar.

 

 
Chùa Kaba Aye hay còn được biết đến là chùa Hòa bình Thế giới. Là một ngôi chùa tương đối mới ở thành phố Yangon. Ngôi chùa liền kề trong hang động Maha Pasana Guha xây dựng những năm 1952 do đệ nhất Thủ tướng Chính phủ Myanmar U Nu (Tại vị 1948-1956) đăng cai tổ chức đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6. Người dân Myanmar nói chung và người dân địa phương Yangoon luôn dành sự thành kính đến nền Phật giáo Nguyên thủy, biểu hiện qua ngôi chùa Hòa bình này. Chùa Hòa bình Thế giới (Kaba Aye) đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, đặc biệt vào mùa hành hương.
 
Bảo tháp chính có chiều cao 36m, chu vi 34m xung quanh, có mái vòm bằng vàng, chóp cảnh có hình dạng xòe ô. Chùa con nhỏ hơn cao tầm 2,4m.
 
Với nền tảng tròn xung quanh chùa chính được đính kèm theo cách thức của một hang động. Các hang động lần lượt cao 139 mét rộng 110 mét. Hang động bên trong cao 67 mét và rộng 43 mét.
 
Công trình kiến trúc Phật giáo này được thiết kế cực kỳ công phu, các hoa văn, họa tiết, chạm khắc bên ngoài tỉ mỉ và công phu, 5 cửa dẫn đi vào tòa bảo tháp chính đều đặt các bức tượng và có mái vòm trang trí ấn tượng theo phong cách truyền thống với biểu tượng hoa sen, búp sen và các mô típ chữ Vạn trong vữa khắc.
 
Trụ cột khổng lồ giữa ngôi chùa hình tròn, rỗng với nhiều màu sắc là một bức bích họa tuyệt đẹp, trung tâm với cửa ra vào là lối giữa, đường dẫn đến bức tượng Phật ngồi trung tâm. Phía xung quanh trụ cột này là những hình bằng vàng của 4 vị Phật hiền kiếp xuất hiện, trong đó có 3 vị Phật quá khứ là đức Phật Câu Lâu Tôn (Kakusandha), đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Konagamana), đức Phật Ca Diếp (Kassapa), vị Phật hiện tại là Thích Ca Mâu Ni (Gautama).
 
Trước đây, ngôi chùa Kaba Aye từng bị đánh bom, và từng có liên quan trong việc giam nhốt tù nhân trong thời chiến tranh, cũng chính vì vậy mà ngôi chùa Kaba Aye mang tên Hòa bình Thế giới, là lời cảnh tỉnh và nhắc nhở về sự gìn giữ và phát huy nền hòa bình ở khắp nơi theo như lời Phật dạy.
 
 
Đệ nhất Thủ tướng Chính phủ Myanmar U Nu quyết định kiến tạo ngôi chùa Hòa bình Thế giới (Kaba Aye), cùng với hang Maha pasana Guha vào năm 1952, để chuẩn bị cho đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6, ngài đã chủ trì và triệu tập khẩn trương trong phật sự trọng đại này kéo dài thời gian hai năm (1952-1954). Sự trùng hợp với ngày kỷ niệm Phật đản Phật lịch 2500. 
 
Quốc gia Phật giáo Myanamr, theo truyền thống quá khứ các vương triều đều kiến tạo cơ sở tự viện Phật giáo để vinh danh họ như một di tích của chế độ họ. Ví dụ, Ne Win (một chính khách và tướng lĩnh Myanmar. Ông là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanamr từ năm 1962 đến 1988) đã xây dựng chùa Maha Wizaya để tôn vinh ông. Dưới thời thủ tướng Ne Win, Phật giáo tại Myanmar từng được đưa vào Hiến pháp là quốc đạo, nhưng các chính quyền quân sự Myanmar tiếp theo đã xóa bỏ điều khoản này để đảm bảo công bằng về tôn giáo.
 
Việc xây dựng chùa và hang động là một phần của nỗ lực của Đệ nhất Thủ tướng Chính phủ Myanmar U Nu trong việc xây dựng Phật giáo như một tôn giáo chính thức của Myanmar, qua đó tạo ra một nhà nước Phật giáo.
 
Theo lịch sử Kết tập Tam tạng lần thứ 6, Đại hội kết tập pháp tạng lần này được tổ chức tại Myanmar, cách lần kết tập pháp tạng thứ 5 đúng 83 năm. Phật giáo Myanamr vốn được Chính phủ tán trợ, đã long trọng cử hành đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6 vào dịp đại lễ Phật Đản, nhằm ngày 17 tháng 5 (Visàkha Day), năm 1954. Mục đích lần kết tập này là nhằm đoàn kết Phật giáo đồ, chấn hưng Phật giáo Thượng tọa bộ, và đề cao địa vị độc lập của nước Myanmar. Địa điểm kết tập đặt tại phía Bắc Yangoon trên đồi núi Nghệ Cố; cách tổ chức rập khuôn theo lần kết tập thứ nhất tại hang Thất Diệp, nước Ấn Độ. 
 
Lần kết tập này dùng những bản văn đã khắc trên 729 khối đá của lần kết tập thứ 5 làm căn cứ, và thu thập rộng rãi các bản văn Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Hiệp hội Pàli Thánh điển ở Luân Đôn và những bản văn Pàli tại Myanmar, rồi đem ra khảo đính một cách kỹ lưỡng. Sau khi kết tập hoàn thành, Giáo hội bèn đem in để lưu truyền. 
 
Lần kết tập này có mời Chư tôn đức Tăng già thuộc những quốc gia Phật giáo Nam truyền tham dự. Đồng thời, Chư tôn đức Tăng già của những quốc gia Phật giáo Bắc truyền cũng được mời đến dự khán. Thời gian kết tập trải qua hơn 2 năm, đến Phật Đản 1956 (Phật lịch 2500) mới hoàn thành.

Kỷ niệm chuyến vân du Myanmar tháng 09/2017

Vân Tuyền

Các tin tức khác

Back to top