Mở rộng trái tim

30/11/2020 8:26
Tôi biết có một thanh niên trẻ rất giận cha và đã nói: “Con không có liên quan gì với cha cả”. Điều này cũng dễ hiểu. Anh ta nghĩ rằng tất cả những nỗi khổ đau của mình là do cha gây nên và anh ta không muốn dính líu gì đến cha cả. Anh ta muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu anh ta sẽ thấy rằng cho dù anh ta có giận cha mình đến tận xương tủy đi nữa thì người kia vẫn là cha mình, anh là sự tiếp nối của cha. Ghét cha tức là ghét mình. Không có cách nào khác hơn là chấp nhận cha. Nếu trái tim ta nhỏ bé thì ta không thể ôm ấp được người kia, vì vậy ta phải có trái tim rộng lớn hơn. Ta có thể làm mọi cách cho trái tim ta rộng lớn để có đủ không gian ôm ấp cha ta.

Nhìn sâu là sự thực tập duy nhất giúp cho trái tim rộng mở đến vô lượng, vô biên, không thể nào đo lường được. Một trái tim mà còn có thể đo lường được thì không phải là một trái tim lớn. Có bốn yếu tố để làm nên tình thương chân thật, gọi là tứ vô lượng tâm. Đó là từ (maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekṣā). Chúng ta thực tập bốn yếu tố này để biến trái tim ta thành vô lượng. Khi trái tim ta bắt đầu lớn rộng, chúng ta sẽ có khả năng dung chứa, chấp nhận bất kỳ loại khổ đau nào. Khi có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau trong lòng, ta sẽ không còn khổ đau nữa.

Đức Bụt ví trái tim rộng lớn giống như một dòng sông. Nếu có một chút bùn nhơ rơi vào ly nước thì ta không thể uống nước đó được mà ta phải đổ nó đi. Nhưng nếu ta thả chút bùn nhơ đó vào trong một dòng sông rộng lớn thì ta vẫn có thể sử dụng nước trong dòng sông ấy. Vì dòng sông lớn có khả năng chấp nhận chút bùn nhơ đó mà không ảnh hưởng đến dòng nước.

Khi trái tim ta bé nhỏ, ta không thể chịu đựng được nỗi khổ niềm đau do người khác và xã hội giáng xuống cho ta. Nhưng nếu trái tim ta rộng lớn thì ta có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau ấy và ta sẽ không khổ đau. Thực tập tứ vô lượng tâm là giúp cho trái tim ta rộng lớn như dòng sông.

Trích trong cuốn “Thiền sư và em bé 5 tuổi”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh


Các tin tức khác

Back to top