Chí Hiếu–một tiều phu ở miền kế cận, ngày ngày đem tấm thân gầy gò yếu đuối, lên núi kiếm củi bán lấy chút tiền mua rau cháo về phụng dưỡng mẫu thân.
Mẫu thân anh là một bà già hình vóc mảnh mai, tuổi ngoài sáu mươi và chỉ sinh hạ có một mình anh. Ít tháng nay, bà cụ bất hạnh bị đau mà nhà nghèo không có tiền thuốc thang chạy chữa nên dần dần hóa chứng tê bại nằm liệt trên giường, khiến cho Chí Hiếu ngày đêm nung nấu, phần thương mẹ bệnh hoạn, phần buồn cho mình số kiếp hẩm hiu không lo tròn bổn phận làm con.
Một tối kia, vừng trăng hiền lành từ từ nhô lên khỏi khu rừng và tỏa đầy ánh sáng vào gian nhà ọp ẹp của anh. Trên chiếc chõng tre, lúc này, anh đang kể chuyện hầu mẹ để mẹ khuây khỏa nỗi niềm đau khổ, bỗng anh thấy bà cụ im bặt không trả lời, nghe hơi thở của mẹ đều đều phát ra, anh đoán chắc hôm nay bệnh của mẹ anh có vẻ dễ chịu hơn, nên mẹ anh đã ngủ giấc ngon lành. Nghĩ như thế, anh thấy lòng anh tràn ngập hân hoan liền khe khẽ đứng dậy khép cửa phòng và nhẹ nhàng bước ra nhà ngoài, nơi có kê chiếc giường của anh nằm và cũng là cái bếp để thổi nấu.
Động tác đầu tiên của anh là mở toang cánh liếp chắn cửa cho ánh trăng thỏa sức chiếu vào, anh giương to lồng ngực hít lấy không khí thì ít mà hít lấy ánh trăng thì nhiều, anh cảm thấy khoan khoái quá bất giác thốt lên:
- Chà! Đêm nay trăng đẹp làm sao!
Nhất là khi nhìn đến mảnh vườn sạch sẽ trước sân đương tắm dưới ánh trăng vàng, khác nào như rải lên trên cảnh vật một tầng kim cương bảo thạch xem thấy vừa mát mẻ vừa mỹ lệ. Những giọt sương lấm tấm bám đọng vào ngọn cây lá cỏ lóng lánh như sao sa trông nào kém gì những hàng ngọc châu quý giá. Anh nghĩ: “Giá như mẹ ta được mục kích cảnh tuyệt mỹ này chắc người hoan hỷ lắm!”. Vừa nói anh vừa phóng tầm mắt nhìn về nẻo xa, bỗng có một đạo hào quang trắng xóa qua ánh trăng êm đềm và bắn thẳng về anh. Hào quang đó quay mấy vòng rồi rơi xuống ngay chỗ trước mặt anh đứng.
Chí Hiếu định thần nhìn ra thì chao ôi! Bạch hào quang là một vị lão Hòa thượng!
Vị lão Hòa thượng này xúng xính trong chiếc áo dài trắng tinh và điểm thêm một chòm râu phất phơ đến rún, trắng như bạc. Chí Hiếu hoảng sợ quá, tóc gáy dựng ngược và khắp mình gai ốc nổi đầy.
Anh run lên cầm cập lưỡi líu lại không nói được câu gì, chỉ biết trố mắt sợ hãi nhìn vị lão Hòa thượng.
Hòa thượng ôn tồn cất tiếng bảo rằng:
- Chí Hiếu! Con chớ có sợ hãi! Bần đạo là Hòa thượng núi Thiết Sơn lại đây với mục đích chữa bệnh cho mẫu thân con, vì lòng hiếu thảo của con đã cảm động đến ta, nhất là lòng ấy đã phát ra từ một người con nghèo nàn như con không tìm ra tiền thang thuốc cho mẹ già thì lại đáng thương đáng cứu lắm!
Chí Hiếu nghe xong trong lòng xiết bao hoan hỷ, liền quỳ xuống bái tạ vị Hòa thượng. Hòa thượng đỡ anh dậy và vui vẻ an ủi:
- Con khỏi lo ngại cho bệnh tật của mẹ già! Hãy mau lên đỉnh núi Thiết Sơn, tìm đến cây táo cổ thụ mà hái cho kỳ được một trái đem về dâng mẹ ăn thì bệnh chi cũng sẽ khỏi liền!
Hơi bán tín bán nghi, anh ấp úng một hồi rồi cung kính thưa cùng Hòa thượng:
- Bạch Hòa thượng, cây táo này đã từ bao đời chưa hề có một quả nào thì ngày nay có chi để hái?
Hòa thượng hồn nhiên nhắc lại:
- Không, hãy nghe lời bần Tăng, đừng nghi ngờ gì cả!
Chí Hiếu với bản tính chất phác chậm hiểu nên vẫn còn hồ nghi, liền hỏi lại Hòa thượng:
- Thật có trái táo như lời Hòa thượng vừa nói không? Nếu vậy thì sung sướng quá!
Hòa thượng vẫn vui vẻ xác nhận:
- Bần đạo đâu có nói dối ai bao giờ! Cây táo đó sở dĩ lần này có trái là vì cảm thông lòng hiếu của con đối với mẹ già. Vậy con nên mau mau hái trái táo về chữa cho mẫu thân đi!
Chí Hiếu cuống quýt, thụp lạy Hòa thượng hai ba lần không ngớt, khi ngẩng đầu lên thì Hòa thượng đã biến đi đâu mất.
Đêm đó, anh hồi hộp quá không sao ngủ được, mặc dầu anh đã cố nhắm mắt hằng giờ. Khi gà gáy sáng lượt đầu, như chiếc máy, anh bật nhổm dậy, nhảy xuống khỏi giường rồi xăm xăm mở cửa, đi một mạch lên đỉnh núi Thiết Sơn, nơi có cây táo “bất quả thọ” xem có trái nào chín đó như lời Hòa thượng đã mách báo đêm qua?
Khi tới chân núi, anh sực nhớ lúc đi đã quên không sang xin phép mẹ và nói để mẹ hay câu chuyện Hòa thượng hiện hình, anh chỉ sợ mẹ anh ở nhà, lúc thức dậy, không thấy anh thì sốt ruột sinh ra lo ngại. Tuy nhiên, việc đã lỡ rồi, anh đành cố mau chân đến đỉnh núi để hái táo mang về.
Phong cảnh núi Thiết Sơn lúc này sương lam còn phủ kín dầy đặc, vạn vật như ngừng lại trong vũ trụ im lìm.
Mặc dầu trời chưa sáng rõ nhưng đôi chân Chí Hiếu, với nhịp bước không ngừng, vẫn xuyên qua đèo ngang, rồi đến khe dọc, kế đến ghềnh đá, tới khi mặt trời vượt khỏi đỉnh núi âm u, tỏa ánh dịu hiền và huy hoàng lên non sông, thì anh đã leo đến lưng chừng sườn núi. Anh chỉ còn nỗ lực một phen nữa là tới đỉnh tức là nơi có cây táo: “Bất quả thọ” đang chờ đón anh theo như lời Hòa thượng đêm qua.
Ngặt vì khoảnh núi này ghềnh đá cheo leo, cây mọc rậm rạp, anh cố leo hết những phiến đá nhô ra như tai mèo, thì vấp phải những tấm quái thạch sừng sửng như vách dựng. Nhưng với tâm thành và một chí nguyện hăng hái, anh cũng đã leo được đến đỉnh núi. Lúc đó, mặt trời vừa đứng giữa đầu.
Anh ngửa mặt lên cây táo, quả nhiên là một cây cổ thọ rườm rà, trong đám lá xanh, lộ ra một trái táo to bằng vóc tay và chín đỏ như son, chẳng khác gì vừng thái dương mọc ở giữa từng mây dày đặc.
Anh reo lên:
- A ha! Quả táo đây rồi. Hòa thượng quả nhiên không nói gạt ta! Trăm lạy Hòa thượng, người thật đã vì kẻ khổ, kẻ bệnh, kẻ nghèo mà mở đường cứu vớt!
Anh vừa nói vừa tán dương công đức Hòa thượng thì trên cành cây táo, bỗng nhiên thấy nhiều quả táo xuất hiện đồng thời, và chỉ trong phút chốc quả nào quả nấy cũng vừa to vừa chín đỏ làm cho cành cây nặng trĩu phải rũ xuống thấp lè tè.
Anh mừng quá, hai tay ôm chặt lấy thân cây và đôi chân ngoành ra đằng trước lấy sức đẩy mạnh người lên trên cao như con nhái bầu ôm sát bụng vào cọc tre leo lên giàn. Khắp người anh mồ hôi nhễ nhại tuôn ra, làm ướt cả áo quần. Cũng may, cây mọc ở trên cao nên có khí trời trong gió mát, nhờ đó làm giảm được sự trèo leo vất vả của anh.
Khi anh trèo được lên cây rồi, lòng tham lam bắt đầu mở rộng, anh trẩy hết cành này đến cành khác, tích được một số khá nhiều, anh liền cởi áo buộc lấy, rồi thoăn thoắt đi thẳng một mạch về nhà, vào ngay phòng mẹ nằm, đặt bọc táo trước mặt mẹ và cười cười nói nói:
- Mẹ! (anh vừa nói vừa giở áo ra) Mẹ ăn đi! Ăn rồi sẽ khỏi hết mọi bệnh, mẹ ạ!
Mẹ anh mở to mắt nhìn thẳng những quả táo và hỏi:
- Ồ! Ở đâu có của quý hóa thế này con? Ai cho con? Hay con đi hái trộm của người ta?Mẹ chắc con không làm gì có tiền để mua được nhiều táo quý đến thế!
- Mẹ ăn đi! Rồi con sẽ kể lai lịch để mẹ nghe!
- Không! Mẹ sẽ không ăn nếu chưa biết rõ những quả này từ đâu có. Nếu là của phi nghĩa thì không nên ăn con ạ!
- Con đã nói là mẹ cứ ăn đi, con cam đoan không phải là của ăn trộm ăn cắp đâu mà sợ!
- Vậy con kể mẹ nghe mau lên! Sao sáng nay con tự nhiên bỏ nhà đi, mẹ gọi mãi không thấy con, làm mẹ lo hết vía.
Chí Hiếu liền đem các chuyện xảy ra kể lể: nào vị Hòa thượng cây táo Thiết Sơn hiển hiện ra như thế nào, cùng chuyện đi lấy táo trên cây “bất quả thọ” ra sao, nhất nhất nói cho mẹ nghe một lượt. Mẹ anh nghe rồi hết sức ngạc nhiên, hai tay cứ chấp lại vái lạy và miệng thì luôn luôn niệm Phật.
Bà cụ tạ ơn Phật, tạ ơn vị Hòa thượng trên núi Thiết Sơn, rồi cầm quả táo đưa lên miệng thấy một mùi hương ngào ngạt xông lên, khi miếng táo vào miệng rồi thì bỗng tiết ra một thứ nước cam lồ vừa mát vừa ngọt, tưởng chừng như nước đó chạy khắp cơ thể đem theo một thần lực thấm nhuần các cơ quan trong người, chỉ trong phút chốc bà mẹ của anh nằm liệt giường hằng mấy tháng, bỗng nhiên ngồi nhỏm dậy và tập tễnh từng bước nhỏ lê được ra đến cửa ngoài.
Tin này đồn đi, trong vài ngày khắp vùng đều biết tiếng. Cả đến những thị trấn lân cận cũng lũ lượt kéo nhau đến nhà Chí Hiếu xin cứu giúp cho. Người đem cha mẹ lại, người đem anh chị hay vợ con lại, tấp nập đầy nhà, mà toàn là những bệnh kinh niên hiểm nghèo, mười phần khó sống được một. Chí Hiếu liền đem một phần số táo chia cho mọi người, quả nhiên ai ăn xong cũng đều khỏi bệnh.
Từ đây, nhà Chí Hiếu hết toán này đến toán khác vào. Anh nghĩ bụng: “Tại sao ta không bắt bệnh nhân mỗi người phải đóng một phần tiền phí tổn về công phu của ta đi hái táo? Thiết tưởng làm như vậy cũng hợp lý chứ có sao đâu?”. Nghĩ rồi, anh liền yêu cầu mọi người phải trả tiền thì anh mới cho táo. Thế mà số người đến mua vẫn đông, cứ vài ngày anh lại bí mật lấy táo về bán.
Chí Hiếu nhờ đó, thu vào rất nhiều tiền, tiền càng vào thì anh càng mở rộng thêm lòng dục vọng. Trước còn thu gấp đôi gấp ba giá đã định, sau thu gấp năm gấp sáu, rồi đến gấp chín, gấp mười. Lúc này để chóng làm giàu, chứ không dòm ngó chi đến cảnh ngộ của người bệnh nghèo túng. Và thấm thoát chỉ trong vòng mấy tháng, một anh tiều phu nghèo nàn bỗng nhiên trở thành một vị giàu có nhất vùng, khiến cho nhiều người phải kinh ngạc.
Một hôm có người con gái tiến vào quỳ mọp dưới đất cầu khẩn van lơn anh, mỗi lời nói là một hàng lệ giàn giụa:
- Trăm lạy ông! Ngàn lạy ông! Xin ông bố thí cho tôi một trái táo thần để về dâng mẹ, mẹ tôi bệnh đang hấp hối, chỉ còn trông đợi ở táo thần của ông cứu mạng mẹ tôi!
Chí Hiếu giả đạo đức, chậm rãi nói:
- Nghe lời nói của cô tôi cũng thấy thương. Chỉ vì lâu nay táo ít quả quá, nếu cô không trả tiền thì khó lòng mà bố thí cho cô được! Nói xong, anh cất bước đi vào nhà trong, mặc cho thiếu nữ nức nỡ khóc than kêu cầu, nước mắt cứ chảy như mưa, nhưng trước sau anh vẫn giữ một mực không có tiền là không có táo. Thiếu nữ không biết làm sao được đành thất vọng đứng lên đi về.
Đêm hôm đó, trên đỉnh Thiết Sơn, dưới bóng trăng soi vằng vặc tạo nên quang cảnh rất nên thơ, tân phú ông Chí Hiếu đứng dưới gốc cây táo thần, ngửa đầu lên ngắm nghía tàn cây xanh tươi, bất giác bật lên giọng cười khanh khách tỏ ra vẻ đắc ý, bỗng có một đạo hào quang vút qua rồi hiện sừng sửng trước mặt anh: vị Hòa thượng áo trắng râu bạc ngày trước! Nhưng vị Hòa thượng lần này không còn tươi cười mà trái lại hiện ra với sắc mặt nghiêm nghị bảo anh:
- Hỡi Chí Hiếu! Người thiếu nữ đến nhà ngươi ngày hôm qua thật có hoàn cảnh đáng thương! Sao ngươi không thỏa mãn lời ai cầu của kẻ nghèo nàn mà cứ nhất định đòi nhiều tiền mới bán táo cho?
Như vậy ngươi quả là người không có tâm từ mẫn mà chỉ muốn mở rộng lòng tham lam dục vọng thôi! Từ nay, cây táo này không cấp quả cho ngươi nữa và bao nhiêu những gì ngươi đã hưởng từ trước, nhất nhất phải thu về!
Nói xong, vị Hòa thượng lấy tay rút cây táo lên khỏi mặt đất và ném thẳng ra bể Đông.
Chí Hiếu sợ hãi quá, lủi thủi ra về, trong lòng tuy buồn nhưng yên trí rằng nhà đã giàu có, dù có mất cây táo cũng không sợ. Kịp khi về đến nhà thì bỗng lạ thay! Cửa nhà đã hiện nguyên hình là một túp lều tranh với mái lá bẹp nát y nguyên như khi trước, còn những tòa nhà mới xây cất tráng lệ thì không biết biến đi đâu mà tuyệt nhiên chẳng còn lưu lại một vết tích gì cả! Ngay chiếc áo cẩm đoạn bằng thứ vóc đắt tiền mà anh đang mặc trên mình lúc này cũng chỉ còn là một cái áo vừa rách vừa vá của anh vẫn mặc khi xưa! Anh đứng ngẫm nghĩ cơ nghiệp đã mất mà đành chùi nước mắt, hối hận cho tâm tham lam và buồn cho cuộc đời trở lại nghèo nàn.
Theo Hoa Vô Ưu
Các tin tức khác
- Mười tờ giấy cuộc đời ( 5/01/2015 11:55)
- Đối cảnh tâm không lay động là khó ( 1/01/2015 4:28)
- Công Vinh - Thủy Tiên làm lễ cưới trang trọng ở chùa (28/12/2014 3:22)
- Diệu dụng của thiền (26/12/2014 11:17)
- Lưới ái (26/12/2014 12:51)
- Thế nào cho phải đạo (21/12/2014 1:44)
- Sự sống quý giá của con người (18/12/2014 2:13)
- Mong cầu ( 9/12/2014 11:58)
- Những câu hỏi ... ( 8/12/2014 5:45)
- Tu trong lúc đi học ( 7/12/2014 12:19)