Thiền và ngoại ngữ

24/02/2013 6:07
Gần trường Đại Học Sân Khấu ở đường Mai Dịch có một lớp học rất đặc biệt. Vào các sáng chủ nhật hằng tuần, trên căn phòng 403 khu A17, chung cư Đồng Xa thầy Lê Khánh Bằng vẫn thường xuyên tổ chức những khoá học về tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung….

Gần mười năm nay, rất nhiều người đủ mọi thành phần tuổi tác đã đến với ngôi nhà bé nhỏ này. Vị thầy ấy có gì hay mà đã thu hút đông đảo học viên như vậy? Bí mật là phương pháp giảng dạy. Người Chủ nhiệm bộ môn Lý Luận dạy học (Khoa tâm lý giáo dục Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội) đã có một cách thức độc đáo: Dạy ngoại ngữ kết hợp với phương pháp thở. Trước mỗi buổi học, học viên được yêu cầu phải ngồi thật tĩnh lặng.

Thở vào – ý thức hơi thở vào.
Thở ra – ý thức hơi thở ra.

Thở vào – tôi thấy bụng tôi phồng lên
Thở ra – tôi thấy bụng tôi đang xẹp xuống.

Giáo án của ông áp dụng đã tạo ra những kết quả hết sức khả quan. Nhiều người cho biết là họ chưa từng thấy một cách học ngoại ngữ nào chỉ trong một thời gian ngắn mà lại có hiệu quả cao như vậy. Một nhà văn đã nói được rành rọt tiếng Pháp chỉ trong vòng vài tháng. Một cô sinh viên đã thông thạo tiếng Anh để đi du học. Một công chức vượt qua được sự sợ hãi khi học thêm một ngôn ngữ mới. Và rất nhiều những trường hợp thành công khác… Phương pháp của giáo sư Lê Khánh Bằng là một sự kết hợp giữa những kinh nghiệm cá nhân của một người có thể nói được sáu thứ tiếng và những cách thức giáo dục tiên tiến trên thế giới như kỹ năng đọc nhanh, đọc chụp, lập bản đồ tư duy…Bên cạnh việc luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập một vùng ngoại ngữ trong vỏ não của người học, ông luôn khuyến khích học trò nghiên cứu kỹ các tài liệu về Thiền trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Và ông còn khuyến khích mọi người không nên chỉ ngồi thiền mà hãy đem thiền tập áp dụng vào những công tác hằng ngày. Và để minh chứng cho điều này, giáo sư Bằng có đề nghị mọi người đọc thêm tác phẩm Thiền Hành Yếu Chỉ của tác giả Nhất Hạnh…

Khi nghe được một tin tức như vậy, thì thật là vui phải không chị. Mình thấy một sự giao thoa, một sự gặp gỡ và đối thoại giữa hai thế giới. Một người sử dụng phương pháp điều phục hơi thở vốn được hình thành và khai triển tại Ấn Độ - một xứ xở ở miền Nam - để có thể đọc hiểu một thứ tiếng của phương Bắc. Ta dùng một thanh kiếm đã được rèn đúc ở đất Á để có thể khám phá thực tại ở trời Âu. Đông và Tây đã có thể liên lạc được với nhau. Ngôn ngữ là một con đường hữu hiệu để cho ta có thể đi sâu vào một nền văn hoá. Và khi hàng rào ngôn ngữ đã được gỡ bỏ thì cũng là lúc bao nhiêu hiểu lầm được hoá giải, vô vàn những thành kiến phải vỡ tan…

Em đã được gặp thầy Lê Khánh Bằng. Giáo sư đã đề tặng em cuốn sách của thầy. Cuốn sách hướng dẫn thiền trong việc học ngoại ngữ. Thầy có nói với em một câu rằng: Nếu con hiểu được và áp dụng phương pháp học này thành công thì con nên giới thiệu nó cho nhiều người khác.

Lời nhắn gửi ấy như một tiếng chuông lay động. Em bắt đầu tự vấn: Nếu ai cũng có thể biết kỹ năng vẽ bản đồ tư duy, thực hành nhuần nhuyễn Kinh An Ban Thủ Ý thì nhân loại sẽ như thế nào? Hành tinh xanh của chúng ta phải chăng sẽ có thêm những chàng trai cô gái như Siddhartha như Albert Einstein như Teresa như Marie Curie?  Chị ơi, đó chẳng phải là điều tuyệt vời nhất hay sao? Em muốn loan báo, truyền đi Tin Lành này….

Trưa hôm nay, em về lại góc phố thân quen. Mặt trời đã đứng bóng và phía dưới con đường vẫn còn là những cơn gió bụi. Nhưng trái tim em đã trở nên dịu ngọt, trong mát tự bao giờ. Mùa thu đang đi những bước khẽ khàng vào lòng em. Và không biết từ lúc nào trên những lối đi ngã rẽ khu vườn tâm thức, bao nhiêu hoa lá đã rụng rơi… khuất lấp…đầy tràn…..

 

Trích từ bài viết "Vẽ một chữ Tâm giữa trời" - Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top