Ca sĩ Đăng Khôi làm lễ cưới tại chùa
A. DẪN NHẬP
Lời dạy của Đức Phật không những giúp cho hàng đệ tử xuất gia giác ngộ giải thoát, viễn ly sinh tử mà còn giúp cho hàng tại gia xây dựng một nền tảng đạo đức, hạnh phúc gia đình. Trong hệ thống kinh điển Phật giáo, có rất nhiều bài kinh Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia. Trọng tâm của những lời dạy trên nhằm xây dựng đời sống hạnh phúc cho hàng cư sĩ. Trong đó, Đức Phật đề cập nhiều đến vấn đề hôn nhân gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu gia đình hạnh phúc thì xã hội an vui. Nếu gia đình đổ vỡ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Ngày nay, đời sống của con người được xem như là văn minh và hiện đại, thế nhưng tình trạng ly hôn, gia đình không hạnh phúc ngày càng gia tăng, đặc biệt là tình trạng ly hôn ở giới trẻ gia tăng. Đâu là nguyên nhân? Và giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng ấy như thế nào?. Sau đây, tôi xin trích dẫn vài lời dạy của Đức Phật về hôn nhân gia đình nhằm mục đích xây dựng nền tảng hạnh phúc gia đình cho tất cả hàng đệ tử cư sĩ tại gia nói riêng, cho tất cả mọi người nói chung?
B. NỘI DUNG
1. Tình trạng ly hôn hiện nay
Theo một số số liệu thống kê, những năm gần đây tỷ lệ ly hôn tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam tăng nhanh một cách đáng sợ khiến nhiều người không khỏi giật mình trước những con số này.
Khoảng 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn.
Theo các số liệu thống kê, những năm gần trở lại đây, số lượng và tỷ lệ ly hôn tại nước ta có dấu hiệu tăng đáng kể.
Thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ.
Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn, chỉ 8 năm.
2. Nguyên nhân ly hôn
Theo các nhà điều tra xã hội học, nguyên nhân chính gây ra những cuộc ly hôn như sau:
- Thứ nhất, vợ chồng kết hôn khi còn quá trẻ dẫn đến mâu thuẫn trong lối sống:
Các bạn trẻ trước khi bước vào cuộc sống gia đình chưa được chuẩn bị những kiến thức, hiểu biết cần thiết về cách tổ chức cuộc sống cho gia đình mới, quản lý chi tiêu, chăm sóc và nuôi dạy con cái; nhận thức về tình yêu còn hời hợt, nông cạn, thường chỉ thiên về hình thức bề ngoài, yêu theo cảm tính... và rồi trong cuộc sống chung đụng ở gia đình, giữa họ bắt đầu hình thành các mâu thuẫn, đây là yếu tố cơ bản hình thành nguyên nhân “tính tình không hợp nhau” dẫn đến mâu thuẫn.
- Thứ hai, do điều kiện kinh tế gia đình: Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định, sinh con sớm nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, dẫn đến mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn.
- Thứ ba, do ngoại tình: Ngoại tình là nguyên nhân ly hôn đang có xu hướng tăng trong các năm qua. Đa số những gia đình có chồng hoặc vợ ngoại tình đều đi đến tan vỡ.
- Thứ tư là vấn đề bạo lực gia đình, cờ bạc, rượu chè: Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có nhiều, song nguyên nhân cơ bản là do lạm dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma tuý, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn...
- Thứ năm, do mâu thuẫn trong quan hệ mẹ chồng- nàng dâu: Mẹ chồng và nàng dâu vốn là hai người ở hai thế hệ khác nên sẽ rất khó để dung hòa trong cách sống, lối suy nghĩ, bất đồng quan điểm trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ… và một khi mâu thuẫn ngày càng nhiều, người chồng không thể hoá giải được những mâu thuẫn đó cũng sẽ dẫn đến việc ly hôn. Những cặp vợ chồng ly hôn vì nguyên nhân này thường là sống chung với bố mẹ chồng, sau khi kết hôn được vài năm.
Ngoài những nguyên nhân cơ bản trên, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn tới việc ly hôn như: vợ chồng không có sự cảm thông chia sẻ với nhau, thiếu sự bình đẳng giữa vợ và chồng, không có thời gian quan tâm đến nhau...
Hôn nhân đổ vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
3. Gợi ý một số giải pháp
Kinh Thiện Sinh (Kinh Trung A Hàm, số 135) hay Kinh Giáo thọ Thi Ca la Việt (Trường bộ kinh, số 31) là bài kinh được xem như là quan điểm của Phật giáo về đạo đức xã hội, bổn phận và trách nhiệm của hàng đệ tử tại gia trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung của kinh này, Đức Phật nhấn mạnh đến sáu mối liên hệ xã hội căn bản của con người, đó là: mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; giữa thầy và trò; giữa vợ chồng; giữa bạn bè; giữa chủ tớ và đối với người đức hạnh (sa môn).
Ở đây, tôi chỉ đề cập đến mối liên hệ giữa vợ và chồng. Đức Phật dạy người chồng đối với vợ có năm bổn phận sau:
1. Luôn đối xử nhã nhặn và thanh cao (điều này có nghĩa là không bạo lực với người bạn tình)
Ngày nay bạo lực giữa vợ và chồng xảy ra phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Á. Chính bạo lực là một trong những nguyên nhân gây ra đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bạo lực gia đình thể hiện qua các loại hình sau:
Bạo lực về thân thể
Người chồng thường có thói quen “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” cho mình quyền buộc vợ con phải phục tùng mà không quan tâm đến cảm xúc của vợ. Do vậy, chồng trong tình huống này đã biến vợ trở thành nạn nhân trực tiếp của lòng sân chưa được chuyển hóa. Rất nhiều trường hợp người vợ bị chồng đánh đập, hành hạ, thậm chí có nhiều trường hợp bị thương tích nặng và có những tình huống gây tử vong.
Do đó, phòng chống bạo lực gia đình, người chồng phải thực tập lòng từ bi để chuyển hóa sân hận. Khi chuyển hóa được sân hận thì bạo lực về thân thể sẽ không có cơ hội phát sinh.
Bạo lực về ngôn ngữ
Nhiều người không đánh vợ con, nhưng ngược lại họ chửi bới khiến người nghe rơi vào tình trạng khủng hoảng, nếu kéo dài thêm thời gian nữa có thể bị trầm cảm hoặc tâm thần.
Vấn đề bạo lực về ngôn ngữ thuộc về lãnh vực của điều đạo đức thứ 4 (không nói dối). Người Phật tử cần phải thực tập điều giới này để chuyển hóa những lời nói khó nghe, gây đau khổ cho người khác.
Bạo lực về tinh thần
Bạo lực về thân thể và bạo lực qua lời nói đều có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng tinh thần, nhưng cũng có những loại hành động mặc dù không thể hiện bằng ngôn ngữ hoặc tay chân cụ thể, vẫn gián tiếp khiến nạn nhân cảm nhận và chịu đựng trong nỗi khổ niềm đau. Chẳng hạn khi giận vợ, người chồng chọn im lặng làm cách ứng xử trả thù. Tuyệt thông với vợ, không nói, không nhìn mặt, không ăn cơm chung, không ngủ chung, không giao tế và cấm đoán con cái không được thân cận với mẹ mặc dù mẹ nó không hẳn là người có lỗi. Cũng có những tình huống người vợ vô tình phạm lỗi không đáng kể, thay vì có thể hoá giải trong dăm ba phút bằng việc góp ý, nhưng những người chồng ích kỷ và độc ác lại thể hiện nó bằng cách hành hạ người thân của mình.
Bạo lực về tình dục
Đây là loại bạo lực tế nhị, nhiều người vì mặc cảm, nên cố giấu giếm việc mình đang trong nỗi khủng hoảng của bạo lực tình dục. Người chồng nặng tình dục thường quan niệm vợ mình là trò chơi phục vụ giải trí khi cần.
Một nhà tư tưởng phương Tây đã phát biểu: “Quan hệ vợ chồng nếu không có tình yêu thì đó chỉ là sự cưỡng hiếp”. Bộ luật gia đình khẳng định, ép khiêu dâm cũng là một bạo lực về tình dục vì nó hạ thấp hay chà đạp nhân phẩm người phụ nữ.
Hiện nay, phong trào đấu tranh quyền lợi phụ nữ được nâng cao thì bạo lực tình dục làm cho phụ nữ cảm thấy mình còn thua một con vật hay các món đồ chơi. Đó cũng là một kiểu hành hạ về tinh thần.
Để chuyển hóa hành vi bạo lực tình dục, người chồng, cần thực tập tiết hạnh, Bát quan trai để những người chồng nặng tính dục có cơ hội dừng bản năng và chuyển hóa bản năng đó thành tình thương yêu và sự chăm sóc.
2. Luôn tôn trọng vợ
Để cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người chồng phải luôn tôn trọng vợ, xem vợ như người bạn đồng hành, phải biết chăm sóc, giúp đỡ. Tôn trọng vợ chứ không phải là sợ vợ.
Luật Hôn nhân và gia đình, chương III, điều 21 quy định: vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín cho nhau; điều 22 quy định: vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
Hai điều luật này nói lên tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa vợ và chồng. Trong hôn nhân nếu thiếu sự tôn trọng chắc chắn dễ gây đổ vỡ. Hiện nay, nam nữ bình quyền, phụ nữ có thể tự lập, có thể kiếm tiền như nam giới. Do vậy, thiếu sự tôn trọng đối với người vợ cũng là nguyên nhân đưa đến ly hôn, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Như điều tra xã hội học cho thấy người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng, bởi vì hai yếu tố bạo lực và thiếu tôn trọng.
3. Luôn chung thủy với vợ
Chung thủy là một trong những yếu tố quyết định cho hạnh phúc gia đình. Khi vợ chồng chung thủy sẽ tạo sự tin tưởng, dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc đời. Trái ngược với sự chung thủy là ngoại tình. Ngoại tình là nguyên nhân ly hôn đang có xu hướng tăng trong những năm qua. Đa số những gia đình có chồng hoặc vợ ngoại tình đều đi đến tan vỡ, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho con cái.
Đức Phật thiết lập điều đạo đức thứ ba (không được tà dâm) để tôn trọng hạnh phúc của mọi người, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và gia đình người khác. Về phương diện luân lý, điều đạo đức này nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm, tạo sự tín cẩn lẫn nhau và siết chặt tình nghĩa giữa vợ và chồng. Về mặt đạo đức, giới này giúp làm giảm thiểu sự lan rộng của dục vọng.
Trong xã hội hiện đại, người Phật tử phải sống chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ bất chánh với bất kỳ người nào, hay đối tượng nào thì sẽ giảm thiểu tối đa tệ nạn mại dâm, tránh nguy cơ lây lan HIV...gia đình sẽ thuận hòa, hạnh phúc.
Điều 19, Khoản 1 của luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc; giúp đỡ nhau cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
4. Giao quyền hành cho vợ (tin tưởng)
Khi tin tưởng, chung thủy với nhau, người chồng cần giao quyền hành quản lý gia đình cho người vợ. Bản tánh của người phụ nữ là cẩn thận, chu đáo, cần cù, quán xuyến chuyện con cái, gia đình, tạo điều kiện tốt cho người chồng làm ăn, tạo dựng sự nghiệp. Có một câu nói rất nổi tiếng:“Phía sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của một người đàn bà. Phía sau những bi kịch của một người đàn ông có bóng dáng của nhiều người đàn bà”.
5. Mua sắm trang sức cho vợ (quan tâm nhu cầu nữ tính)
Mua sắm trang sức cho vợ có ý nghĩa đối lớn đối với đời sống vợ chồng. Người nữ, phần lớn sống cảm tính hơn lý tính cho nên rất dễ hạnh phúc, xúc động và cảm thấy tự hào, gắn bó với chồng hơn khi được người chồng quan tâm bằng những phần quà, đồ trang sức, mặc dù nó chẳng đáng bao nhiêu tiền.
Đến ngày sinh nhật, nếu người vợ được nhận những đóa hoa hồng tươi đẹp và đặc biệt là món quà gợi nhắc lại kỷ niệm thời gian còn yêu nhau thì người vợ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Phụ nữ có thói quen để ý xem chồng mình có nhớ những ngày kỷ niệm hạnh phúc của mình không. Người chồng nào không nhớ ngày sinh của vợ thì làm sao vợ có thể cảm nhận tình cảm thực sự từ chồng. Quà thường rất đơn giản như hoa tươi, thiệp chúc mừng hay những món nữ trang giản dị hoặc có thể lâu lâu cho tiền vợ đi shopping, mua sắm.
Người vợ đối với chồng có 5 bổn phận:
1. Luôn làm tròn phận sự trong nhà (làm vợ, nội tướng)
Vai trò của người vợ phải quán xuyến gia đình, thu xếp mọi việc trong nhà, chăm sóc và nuôi dạy con cái (làm vợ ở phương đông thiệt thòi hơn ở phương tây).
2. Vui vẻ, tử tế với quyến thuộc, bạn bè của chồng (sang nhờ vợ):
Đây thuộc vấn đề giao tế, người vợ cần phải chu đáo, vui vẻ với quyến thuộc và bạn bè của chồng. Nếu thể hiện tốt, người chồng sẽ cảm kích và thương yêu vợ nhiều hơn.
3. Luôn chung thủy với chồng: (như trên)
4. Giữ gìn tiền bạc và của cải trong nhà (vai trò quản lý, giữ gìn):
Quản lý tài sản của chồng kiếm được, chi tiêu trong gia đình hợp lý, tránh tiêu xài phung phí.
5. Luôn siêng năng và tháo vát trong công việc (Vai trò điều phối, để người chồng yên tâm):
Khi người vợ làm tốt mọi công việc trong gia đình, người chồng sẽ yên tâm làm ăn, tạo dựng sự nghiệp.
Ngoài ra, Đức Phật dạy, một người vợ lý tưởng (hay người chồng lý tưởng) là người vợ thể hiện tình yêu thương của mình trong bốn vai trò đối với người chồng:
1. Vợ như là người mẹ:
Người mẹ thương yêu con cái không giới hạn, trải lòng bao dung, hy sinh tất cả cho con. Người chồng không phải khi nào cũng mạnh mẽ, có lúc có quá nhiều những khó khăn trắc trở người đàn ông cũng suy sụp tinh thần lẫn thể xác. Lúc ấy, vai trò người vợ phải thay đổi qua vai trò người mẹ, hy sinh quên mình, lo lắng an ủi chồng.
2. Vợ như là người em gái:
Người em gái luôn kính trọng anh, lắng nghe và phục vụ với thái độ ôn hòa, coi trọng những ý muốn của anh. Người vợ lúc nầy đóng vai một người cộng sự biết chia sẻ và hợp tác, làm cho người chồng cảm thấy an tâm và tin tưởng.
3. Vợ như là một bạn tình:
Nghĩa là vui vẻ hân hoan đối với chồng, thể hiện sự duyên dáng dịu hiền và một chút tình tứ làm cho người chồng cảm thấy cảm hứng và yêu đời.
4. Vợ như là người đầy tớ:
Người vợ gặp lúc người chồng mất bình tỉnh có thể la mắng nặng lời, có thể vũ phu, người vợ vẫn không xúc động, không phản ứng cũng không sợ hãi, chịu đựng tất cả, giữ lòng thanh khiết, chờ cơn giận hoặc trường hợp bất ổn của chồng qua đi. Người chồng nào cũng có lúc rơi vào tình huống tệ hại, nếu có người vợ đủ kham nhẫn gánh cái gánh nặng nhất thời này thì người chồng ấy có phúc lớn. Một người vợ biết tùy thuận và đáp ứng mọi tình huống như vậy gọi là người vợ lý tưởng.
Có thể nói ngược lại, một người chồng tốt cũng có thể đóng các vai trò khác nhau như: Chồng như cha, chồng như anh trai, chồng như người bạn tình, chồng như người đầy tớ. Nếu được như vậy sẽ giúp cho người vợ vượt qua những khó khăn và sẽ có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc thật sự. (Xem 7 loại vợ trong kinh Tăng Chi, chương 7 pháp).
Bên cạnh ấy, tôi xin gợi ý giải pháp giải quyết những nguyên nhân ly hôn trên:
“Yêu nhanh, cưới vội, sớm… ra tòa” là thực trạng đáng buồn của nhiều cặp vợ chồng trẻ, mà nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu kỹ năng sống trước khi bước vào hôn nhân.
Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình quy định: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Đây là giai đoạn trưởng thành của nam và nữ. Tuy nhiên chúng ta cần phải trang bị cho con cái chúng ta những kỹ năng sống, giáo dục đạo đức (giúp con cái quy y tam bảo, tham dự những khóa tu dành cho Phật tử…), định hướng cho con cái khi lập gia đình. Nếu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo hoặc nghề nghiệp chưa ổn định thì chưa vội kết hôn, hoặc sinh con sớm. Đối với phụ nữ khi kết hôn sống chung với mẹ chồng (có nhiều khi mẹ chồng khác tôn giáo) phải khéo léo hóa giải những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu (như chuyện Visakha, Phật hóa cả gia đình chồng).
C. KẾT LUẬN
Hiện nay, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, hạnh phúc gia đình không bền vững. Lời dạy của Đức Phật vừa được trình bày là những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ được an vui. Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, chúng ta cần phải giáo dục đạo đức cho từng cá nhân trong gia đình. Giáo dục đạo đức cá nhân hữu hiệu nhất là quy y Tam bảo, thực tập lời Phật dạy để chuyển hóa những xung đột bên trong (tham, sân và si). Khi chuyển hóa những xung đột bên trong thành những năng lượng yêu thương, khi ấy hạnh phúc gia đình sẽ bền vững.
HT Thích Minh Thiện - Theo PGVN
Các tin tức khác
- Lời khuyên cuộc sống của người thành công ( 7/12/2015 3:45)
- Câu chuyện về đất nước không một bóng người già ( 3/12/2015 2:24)
- Chàng trai nghèo lấy được vợ nhờ tấm lòng nhân hậu (27/11/2015 2:41)
- Trào lưu sống tối giản thu hút giới trẻ Nhật Bản (26/11/2015 4:02)
- Công ơn cha mẹ không dễ đền đáp (25/11/2015 3:07)
- Kiềm chế bản thân, tuân theo lễ nghĩa (23/11/2015 3:10)
- Không dám đứng trước thiên hạ (19/11/2015 1:28)
- Làm việc không phải chỉ để kiếm tiền (19/11/2015 1:09)
- Bài học về đạo nghĩa vợ chồng của người xưa (18/11/2015 3:49)
- Thế nào là đẹp, thế nào là xấu (16/11/2015 3:22)