Bị sĩ nhục không oán hờn là khó

22/07/2019 8:19
Nhục là những hành vi lăng mạ của người khác làm cho ta cảm thấy bức rức khó chịu. Nó phát xuất từ tâm lý ganh ghét hay tật đố bằng sự nóng giận do không kìm chế được bản thân.
Nhục, nếu thể hiện bằng lời nói, là những lời bôi nhọ xuyên tạc, bằng cách nguyền rủa, chửi thề mắng nhiếc một cách căm thù tột độ làm cho người bị lăng mạ đau khổ, xót xa như cắt đứt từng khúc ruột mình. Nếu thể hiện bằng hành động của thân, có thể dùng tay chân đấm đá để gây thương tích cho đối tượng. Nếu thể hiện bằng ý thức, là sự ngấm ngầm hãm hại người đó một cách trắng trợn và công khai bất chấp mọi hậu quả của nó. Cả ba đều đem lại cho người khác tâm lý lo âu, sợ sệt và khổ đau bởi trạng thái tức tối, giận hờn và thù địch.

Đứng trước hoàn cảnh bị người khác nhục mạ như vậy, người ta thường hay oán giận thù hằn, đôi lúc phản kháng trở lại bằng cách trả đũa quyết liệt với những ngôn từ không văn hoá tí nào hay nặng hơn là đánh đập hoặc giết hại.

Chỉ có những ai đã thật sự tu tập chuyển hoá mới thấu hiểu được sự tác hại của nó, nên không chống trả đối đầu lại mà dùng tâm từ để làm lắng dịu sự xung đột đó. Nếu lấy hận thù diệt hận thù, thì hận thù càng thêm chồng chất. Chỉ lấy tình thương mới chuyển hoá được hận thù. Bị vu oan huỷ nhục về một việc làm xấu nào đó, ta cảm thấy bị chạm tự ái vì sĩ diện với mọi người, ta tức tối, ta hờn giận và cảm thấy đau khổ vô cùng.

Ngày xưa có một vị cao Tăng đức độ nuôi dạy gần năm trăm đồ chúng, đến khi tuổi già sức yếu, bệnh hoạn mà chưa chọn được người kế thừa. Để tìm kiếm bậc pháp khí trong nhà thiền, vị cao Tăng này mới bày ra kế điệu hổ ly sơn mà tung tin bị mất trộm tiền của Tam bảo, làm cho trong chúng ai cũng hoang mang nghi ngờ lẫn nhau. Một hôm chúng đang ngủ trong giờ trưa, vị cao Tăng la lớn:
“ Ăn trộm, ăn trộm.”

Mọi người hoảng hốt chạy theo tiếng la, một vị đệ tử lớn chạy vào, vị cao Tăng liền thộp cổ áo mà nói rằng, bắt được tên trộm rồi.

Chú đệ tử nói: “ Dạ thưa thầy không ạ, con không phải là tên ăn trộm, con nghe la ăn trộm, con chạy vô để phụ thầy bắt ăn trộm.”

Bằng chứng sờ sờ trước mắt không ai có thể chối cãi được, chư huynh đệ pháp lữ trong chúng, ai cũng thấy rõ ràng thầy mình tay thộp cổ áo sư huynh mà la ăn trộm, ăn trộm.

Cho nên vị đệ tử lớn bị khai trừ ra khỏi chùa ngay liền tức khắc, không được giải bày minh oan gì cả. Đuổi xong, thầy còn viết giấy truyền cho các chùa khác không được chứa chấp thầy, vì cái tội ăn trộm đồ của Tam bảo. Vị đệ tử này xưa nay được Tăng chúng tín nhiệm chức thượng thủ trong chùa, còn là người mô phạm dạy dỗ chúng Tăng. Đột nhiên bữa nay bị mang danh nghĩa là tên trộm, đích thân bị thầy mình viết giấy khai trừ và tuyên bố trước mặt đại chúng. Chỉ trong thoáng chốc bao nhiêu tiếng xấu đổ dồn vào vị sư huynh và bị mọi người khinh chê coi thường vì tội ăn trộm.

Ai nằm trong hoàn cảnh đó mới thật tội nghiệp cho vị sư huynh, đường đường cũng là một vị tăng tướng dung mạo trang nghiêm, có chức sắc trong chùa mà giờ đây đành chịu nuốt lệ đau thương ngậm ngùi cay đắng, trước một sự thật không thể ngờ.

Bị ông thầy hủy nhục như vậy trước mặt đại chúng, bao nhiêu uy tín từ xưa đến nay bỗng phút chốc tan tành theo mây khói. Nhưng chú đệ tử lớn này không hề có một chút buồn giận nào thể hiện ra nét mặt hoặc là tỏ thái độ oán ghét ông thầy. Chú ta vẫn một lòng cung kính và tôn trọng, xin thầy mình hãy từ bi cho ngủ đỡ ngoài cổng tam quan cũng được, để mỗi ngày còn được học hỏi và phụ giúp chúng Tăng làm việc, nhưng ông thầy cũng không chịu mà nói rằng nếu ở đó thì phải chịu, trả tiền ngủ nhờ.

Dù bị thầy hủy nhục hành hạ làm khó dễ đủ điều nhưng chú ta vẫn một lòng tôn kính thầy mà siêng năng tinh tấn tu hành. Thời gian như vậy kéo dài gần ba tháng chú đệ tử vẫn một lòng tín tâm, không một lời than vản hay trách móc một điều gì.

Cuối cùng vị cao Tăng cũng tìm ra được bậc chân truyền, hôm đó ông ta chính thức tuyên bố trước đại chúng. Ta bây giờ đã tìm được người kế thừa, mong đại chúng sau này khi ta viên tịch rồi, hãy nghe theo lời chỉ dạy của sư huynh các ngươi. Nói xong ông thầy từ giã đại chúng, rồi an nhiên ra đi.

Trong lịch sử nhân loại từ xưa nay biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, hiền Thánh vẫn thường bị vu oan giá họa nhưng các Ngài vẫn bình tĩnh an nhiên chứng minh cho đời sự trong sạch của mình, bằng chất liệu của từ bi và vô ngã vị tha. Vị đệ tử đó nếu không gặp hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, thì ông thầy làm sao biết đệ tử của mình đã vượt qua tám gió thật sự và để tất cả đại chúng có đủ niềm tin mà nương tựa học hỏi tu hành. Nếu gặp thầy nào còn quá yếu, khi bị vu oan giá họa như vậy, chắc có lẽ sẽ oán hận ông thầy của mình suốt cả đời.

Nhờ đó, ông thầy biết rõ người đệ tử của mình qua được tám gió, được mất, khen chê, danh thơm tiếng xấu và khổ vui. Nghịch cảnh hay chướng duyên đối với người trí chỉ là thử thách, cho nên họ vẫn bình thản an nhiên khi bị hủy nhục sai sự thật trước mặt mọi người. Giả sử như lúc đó, chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh này, có lẽ tôi sẽ đùng đùng nỗi giận mà oán ghét ông thầy của mình, rồi bỏ ra đi không một lời từ giã. 

Đức Phật dạy: “Bị sĩ nhục không sân là khó”. Ai chịu đựng được những hoàn cảnh trái ngang như vậy mà không sân giận hay tỏ ra oán ghét thì coi như đã thành tựu đạo pháp.

 

Trích Phật Dạy 20 Điều Khó - Thích Đạt Ma Phổ Giác


Các tin tức khác

Back to top