Quan điểm của đạo Phật về việc ly hôn

16/09/2019 9:01
Việc ly hôn hay ly dị không phải bị cấm đoán trong đạo Phật. Đạo Phật đề cao đời sống chung thủy một vợ một chồng và sự kiêng cữ phạm giới tà dâm không có nghĩa là cấm việc ly hôn, vì hai vấn đề đạo đức này là hoàn toàn khác nhau.

Hai người vợ chồng đều có quyền tự do thực hiện việc ly hôn, nếu đời sống quan hệ vợ chồng của hai người đã và đang không mang lại hạnh phúc mà chỉ làm cho hai người càng thêm bất hạnh. Ly hôn là giải pháp tốt nhất và công bằng nhất để hai người không còn ràng buộc với nhau về mặt pháp lý, danh phận và những nghĩa vụ khác, và để họ có cơ hội mới tạo ra những sự an tâm và hạnh phúc khác.


Để phân biệt ý nghĩa của hành vi thỏa thuận ly hôn và ý nghĩa của giới hạnh “Không tà dâm”, chúng ta nên hiểu: “Nếu đời sống vợ chồng (và con cái) là đang ấm êm, hạnh phúc, không có gì bất hạnh hay đổ vỡ đến mức độ phải ly hôn, thì người vợ hay chồng nên giữ giới hạnh đạo đức “Không tà dâm” để sống chung thủy với nhau, bởi vì họ đang còn trong hôn nhân, đang còn những ràng buộc tình cảm, đạo đức, gia đình và những nghĩa vụ pháp lý khác”. Đạo Phật không hề can thiệp hay đưa ra những điều gì quy định về việc tại sao và thế nào của việc ly hôn. Đó hoàn toàn là việc riêng tư của cá nhân vợ chồng và việc ly hôn là hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự thỏa thuận của họ.


Đức Phật có khuyên dạy một ý, trong kinh “Nguyên Nhân Suy Đồi” (Parabhava Sutta), là những người đàn ông lớn tuổi không nên quan hệ hay lấy một người vợ quá trẻ tuổi, vì sự chêch lệch tuổi tác luôn gây ra những vấn đề bất hạnh, và sẽ làm cho người đàn ông đó trở nên suy đồi, sa đọa. Người đời cũng ít ai đồng tình với việc người già đi lại hay quan hệ nam nữ với con gái đáng tuổi con cháu của mình. Một xã hội phát triển thông qua “mạng lưới” những mối quan hệ tương quan và kết nối lẫn nhau về gia đình, hôn nhân, họ hàng... Mỗi mối quan hệ như hôn nhân là một cam kết hết lòng, một cam kết lớn, góp phần vào trật tự và hạnh phúc và đạo đức của những gia đình lớn và nhỏ. Hôn nhân đóng một vai trò quan trọng, được tạo nên bằng sự tìm hiểu nghiêm túc, bằng tình cảm, thương yêu và cảm thông nhau trước khi tiến tới hôn nhân. Hôn nhân cũng là nhân duyên của hai người trong nhiều kiếp gần xa.


Hôn nhân là sự tương hợp trước sự chứng kiến của gia đình và họ hàng các bên, và có sự công nhận pháp lý. Vì vậy, hôn nhân là mối quan hệ gia đình cần nên được xây dựng thường xuyên hơn là để hay tạo cho cơ hội làm cho nó sứt mẻ, phân ly. Mỗi người vợ hay chồng phải nên hy sinh cho nhau, quan trọng nhất là “nhường nhịn” lẫn nhau trong nhiều vấn đề, cho đến từng lời ăn tiếng nói. Nhiều thế hệ trước đây cũng đã tìm thấy rằng, chính đức tính “nhường nhịn” trong hôn nhân là quan trọng nhất để gìn giữ hôn nhân hạnh phúc. Những sự bất đồng, chán nản, rồi lâu ngày thành thù ghét nhau, đều xuất phát từ lời ăn tiếng nói và thái độ không nhường nhịn nhau, từ thái độ coi thường nhau mà dẫn đến những lý do trực tiếp khác gây ra ly hôn.


Cho nên, nếu mọi người cũng cùng lúc giữ gìn những giới hạnh khác (như giữ chánh ngữ, ái ngữ, không nói dối, không nói lời nhục mạ, không nói lời gây gỗ khích bác, không uống rượu bia say xỉn, không cờ bạc, không làm nghề bất chính bất lương, không sống trong môi trường văn hóa xấu ác lạc hậu và không giao lưu với bạn bè bất hảo, bất thiện....) thì cũng góp phần lớn trong từng hành động để bảo vệ hôn nhân và hạnh phúc gia đình.


Nếu một người chồng làm nghề giết mổ hung hăng trong môi trường làm việc ở lò mổ hay một người nghiện rượu luôn say xỉn trước khi về nhà thì khó mà có được tính tình và lời nói nhường nhịn dịu dàng đối với vợ con và mọi người; một người vợ luôn luôn hỗn láo, không tôn trọng chồng và cha mẹ người thân của chồng; hoặc luôn luôn tụ tập cờ bạc, đua đòi chạy theo bè bạn, hoặc làm nghề cho vay nặng lãi,... luôn tiếp xúc với bạn bè bất thiện, thì không thể nào nói mình là người vợ có đức hạnh để có một hôn nhân hạnh phúc và trong sạch.


Vì vậy, việc giữ giới là vô cùng quan trọng để giữ những giá trị đạo đức khác cũng như hôn nhân gia đình. Chuyện ly hôn là ngoài vấn đề của đạo, tuy nhiên hôn nhân hoàn toàn có thể gìn giữ nếu mọi người đều có ý thức sống tuân theo những giới hạnh đạo đức của đạo Phật vốn rất phù hợp, hữu tình, hữu lý và hữu ích với đời sống và văn minh của loài người. Còn vấn đề phải đi đến ly hôn thì đã là vấn đề đường cùng, nhưng là điều thiết thực nên làm (dù cho có thể một trong hai người phải đau lòng sụp đổ khi phải ly hôn), bởi vì nếu còn tiếp tục quan hệ với nhau chỉ mang lại đau khổ và bất hạnh nhiều hơn cho nhau. Còn những vấn đề phân chia con cái, tài sản...là vấn đề của những luật lệ địa phương của đời sống thế tục quy định, không phải của đạo Phật.


Tuy nhiên, đạo Phật có thể ủng hộ ý tưởng là hai người nên “nhường nhịn” nhau lần cuối ở tòa án vì quyền lợi và hạnh phúc của con cái và danh dự của gia đình cha mẹ. Cảm giác nhẹ nhàng khi ly hôn sẽ là một sự xoa dịu bước đầu cho cả hai người trên hai con đường mới, không nên mang mặc cảm hận thù kéo dài sau khi ly hôn.


Minh Chính (TH)

Các tin tức khác

Back to top