Tinh thần bất an là từ đâu?

21/09/2019 8:17
Chúng ta đang sống trong thời đại hỗn loạn, căng thẳng và vội vàng, làm cho tinh thần con người luôn bất an; cho nên hiểu được và làm thế nào để kiểm soát tinh thần bất an là điều rất quan trọng.

Phương pháp đơn giản nhất là trong cuộc sống thường ngày, chúng ta không nên đưa ra những vấn đề gây tranh cãi khi tinh thần bất an. Chúng ta có thể tranh thủ đi bộ thư giãn hay nhâm nhi tách trà, nghe nhạc trữ tình; hoặc tìm bạn bè tán gẫu cho tinh thần thoải mái. Phương pháp cao hơn là quán sát ý nghĩ của mình khởi lên từ đâu? Chúng ta cần biết ý nghĩ được khởi lên thế nào, khởi lên từ đâu. Nếu chúng ta không biết rốt cuộc vì nguyên nhân gì gây ra tinh thần bất an thì không cần để ý nó, vì bỏ mặc nó thì tự nhiên không xảy ra việc bực mình.


Cho dù có việc gì xảy ra thì cũng qua đi, cần gì phải tức giận? Khi tinh thần bất an, chẳng những vô ích mà còn làm cho tâm mình loạn động. Nếu như trong lúc tức giận nói năng vô lễ, hay hành động thô bạo, làm cho tinh thần bấn loạn, thật là làm tổn hại thân, tâm mình. Một khi chúng ta đã biết nguyên nhân gây nên tinh thần bất an thì hãy quán sát sự sinh diệt của tình cảm và hiểu rõ ảnh hưởng tinh thần đối với sức khỏe; đây là phương thức xử lý rất trí tuệ. Trí tuệ này là biết rõ manh mối sự sinh diệt của tinh thần bất an. Sau khi chúng ta biết cần phải xử lý như thế nào thì hãy tuỳ duyên mà hành xử.


Nếu mọi vấn đề đã rõ ràng thì tự mình không còn vướng bận việc gì, đã không còn vướng bận thì tinh thần sẽ an ổn. Ngoài ra, còn có một phương pháp cao hơn là không cần để ý đến sự việc, cho dù manh mối của sự việc như thế nào? nguyên nhân là gì, xảy ra tranh cãi thế nào. Chúng ta phải thấy, xem xét ý nghĩ mình có tốt không? Là ý nghĩ trí tuệ, hay là ý nghĩ phiền não? Nếu là ý nghĩ phiền não thì tự mình không vượt qua được chính mình là không có trí tuệ. .


Sở dĩ, người được mọi người thương yêu, quý trọng là vì họ có trí tuệ. Không có người nào muốn mình là kẻ ngu. Mỗi khi chúng ta đối diện sự bất an chỉ thấy ý nghĩ là tốt hay xấu cũng mặc nó; hoặc sinh khởi như thế nào thì ngay lúc đó liền dừng lại ý nghĩ. Vì thế, Phật giáo gọi phiền não là nhiệt não, não là phiền não, nhiệt là hỏa nhiệt. Mặc dù chúng ta không ở địa ngục, nhưng thân chịu nỗi đau khổ chẳng khác nào ở địa ngục Hỏa Nhiệt. Tự đầy mình vào địa ngục, đúng là việc làm của kẻ ngu xuẩn.


Ngay lúc đó, chúng ta phải lập tức dừng ngay ý nghĩ phiền não khởi lên. Nhưng muốn làm được điều này theo tuần tự là rất khó, cho nên phải làm từ bước thứ hai, cũng chính là từ việc hiểu rõ ý nghĩ sinh khởi, nỗ lực tu tập. Đợi đến khi công phu thành thục thì mới có thể tiến thêm bước nữa là phát hiện ý nghĩ vừa khởi liền dứt trừ. Người nào có khả năng đạt đến bước này thì chúng ta gọi họ là Hiền giả, nhưng Hiền giả không phải không có phiền não mà là họ làm chủ được mình, không bị phiền não làm đau khổ, cũng không làm tổn thương người khác; đây là giai đoạn tự tu tập rất quan trọng.


Minh Chính (TH)



Các tin tức khác

Back to top