“Ví như, này các Tỷ-kheo, có người chặt các cành cỏ, khúc cây, nhành cây, nhành lá trong cõi Diêm-phù-đề này, chất chúng thành một đống, làm chúng thành những que đặt theo hình các ô vuông, cắm từng que đặt xuống đất và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là mẹ của mẹ tôi”, và không thể cùng tận, này các Tỷ-kheo, là các bà mẹ, mẹ của người ấy. Những nhành cỏ, khúc cây, nhành cây, nhành lá trong cõi Diêm-phù-đề này có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt”.
Và trong một bài kinh khác:
- Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn? Dòng nước mắt tuôn chảy do các ông than vãn, khóc lóc khi phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng, cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy… chớ không phải nước trong bốn biển lớn.
- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Lành thay, này các Tỷ-kheo, các ông đã hiểu pháp do Ta dạy.
- Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các ông phải chịu đựng mẹ chết, con trai chết, con gái chết, tai họa về bà con, tai họa về tiền của, tai họa của bệnh tật.
Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành”.
(Trích kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, chương 4, Tương Ưng Vô Thỉ).
Luân hồi là sự xoay vòng, lặp lại, luân chuyển. Theo như trong kinh nói thì vòng luân hồi là vô thỉ, vô chung. Chúng sanh trong sáu cõi đều bị xoay vần trong cái vòng luân hồi nghiệt ngã này mà không biết đến ngày nào mới thoát ra được. Nghe vậy không biết quý vị đã ngán chưa, chứ riêng bản thân tôi, tôi ngao ngán lắm rồi. Ngán thì ngán chứ vẫn còn nằm trong đó, chưa thoát ra được.
Khi còn trong vòng xoáy này, có người khổ ít, có người khổ nhiều, có người giàu sang, có người nghèo khó, có người đẹp, người xấu… tất cả đều do biệt nghiệp của từng người, nghĩa là do những nhân mà mình đã tạo ra bằng thân, khẩu, ý, thiện hay bất thiện.
Các vị đệ tử Phật, nhất là hàng xuất gia, họ thấy rõ các đau khổ ở thế gian này, thấy được sự khổ, nhàm chán, sợ hãi vòng luân hồi sanh tử, nên với cùng một chí nguyện, họ tinh tấn, chuyên tâm muốn vượt thoát khỏi vòng sanh tử này. Họ hướng tới ly tham, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Người học theo hạnh Phật, tu theo hạnh Phật luôn biết tích tạo phước đức và công đức. Để chi? Để gieo các hạt giống Phật, hạt giống giác ngộ, giải thoát. Và nếu như công đức của mình chưa đủ để giác ngộ trong kiếp sống này, thì ít ra trong các kiếp sống sau này, mình tránh được các hiểm nạn tam đồ ác đạo, và các đau khổ do ác nghiệp mang lại, ít vất vả, đau khổ hơn so với những người không biết Phật pháp, không biết làm lành lánh dữ, bởi do có phước báo nâng đỡ. Này gọi là tư lương, tư lương gởi ở ngân hàng nhân quả trong chuyến đi sanh tử luân hồi.
Là Phật tử thì mình nên quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, vì ngũ giới giúp mình ngăn ngừa các việc ác, là ruộng phước để cho các hạt giống lành, công đức nảy nở trên đó và cũng là nhân để được sanh làm người. Thường hành các việc bố thí và tham thiền.
Không một sự thành tựu tốt đẹp nào mà tự nhiên lại có cả, nó phải cần đến rất nhiều nhân duyên hỗ trợ và phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tâm huyết nữa. Trong đạo thì gọi đây là sự tinh tấn. Tinh tấn nhưng phải làm đúng chứ không phải làm sai, đó gọi là Chánh tinh tấn. Sự tinh tấn này là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình học pháp và hành pháp của người con Phật. Có sự tinh tấn này thì mọi mục đích, hay chí nguyện gì không sớm thì muộn, cũng sẽ được thành tựu.
Tâm Hoạch
Các tin tức khác
- Bài học nhắn nhủ từ vị bác sĩ (23/09/2019 8:12)
- Tinh thần bất an là từ đâu? (21/09/2019 8:17)
- Buông bỏ những oán hận chất chứa trong lòng (21/09/2019 5:58)
- Luôn nhìn thấy lỗi ở người khác (20/09/2019 6:19)
- Ai là bạn chân thật (19/09/2019 6:10)
- Ý nghĩa của việc làm công đức (18/09/2019 6:14)
- Tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống (17/09/2019 6:21)
- Quan điểm của đạo Phật về việc ly hôn (16/09/2019 9:01)
- Hạnh phúc là biết bằng lòng với cuộc sống (14/09/2019 8:12)
- Niệm Phật phải đặt trọn niềm tin vào lời Phật dạy (14/09/2019 6:07)