Những lưu ý khi đi chùa để tránh mắc sai lầm

18/09/2020 6:18
Đi chùa là một nét đẹp truyền thống của người Việt. Với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn cho bản thân và gia đình, nhiều người thường truyền tai nhau những quan niệm khi đến chùa như: Không đi cửa giữa, hay hứa đi chùa mà không đi sẽ phải tội,… Vậy những quan niệm trên có đúng chính kiến hay không?

Khi vào chùa có nên đi bằng cửa trung (cửa giữa) hay không?

Người dân Việt Nam thường có quan niệm, khi đến chùa chúng ta không đi qua cửa giữa tức cửa trung, mà phải vào bằng cửa giả (bên phải), đi ra bằng cửa không (bên trái), nếu không sẽ phải tội.

Đây là quan niệm không đúng, nhiều chùa mở cả 3 cửa để Phật tử, du khách tham quan, đi lại. Không phải chúng ta bước nhầm vào cửa này, cửa kia là chúng ta có tội. Điều đó không đúng. Cửa chỉ để đi thôi, bản chất nó là như vậy. Không có vì nó mà làm cho chúng ta có tội hay không có tội. Hay chúng ta giẫm vào bậu cửa là có tội cũng không phải.

Tiếp nữa, đối với việc đi qua cổng chùa, dân gian xưa cho rằng cửa trung chỉ dành cho bậc Thiên tử, bậc cao Tăng, khoa bảng ra vào chùa cho nên ngày thường nhiều chùa không mở cửa giữa. Vậy muốn thành cao Tăng thì phải từ chú tiểu. Muốn đỗ đạt thì cũng phải là anh học sinh. Và chúng ta đều sẽ là Phật tương lai. Cho nên chuyện mà đóng cửa giữa, chỉ cho đi hai cửa bên, điều đó hoàn toàn không hợp lý và cũng không đúng với giáo lý nhà Phật. Nhiều chùa mở hết cả ba cửa, không có bỏ cửa nào. 

Cho nên, các Phật tử cứ thoải mái, vào chùa đi cửa nào cũng được, nhà chùa mở cửa nào thì mình đi cửa đấy. Còn nếu một số chùa quan niệm phải đóng cửa giữa thì chúng ta đi cửa hai bên. Cũng không nhất thiết phải nhớ đi bên nào, bên trái hay bên phải. Việc này đối với Phật tử là chúng ta rất thoải mái, không có hạn cuộc trong những quan niệm này.

Đi chùa là một nét đẹp truyền thống của người Việt. Với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn cho bản thân và gia đình.

Đi chùa cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông có đúng không?

Người ta thường thấy rằng một số chùa ở ban Phật thì cúng đồ chay. Tuy nhiên, ban của Đức Ông lại cúng đồ mặn, rượu thịt. Vậy quan niệm trên có đúng chính kiến hay không?

Nếu mà xét theo lịch sử Phật giáo thì Đức Ông chính là ngài Cấp Cô Độc, một vị cư sĩ Hộ Pháp rất lớn thời Đức Phật còn tại thế, có công lao rất lớn. Chúng ta biết, ông Cấp Cô Độc đã hiến cả gia sản của mình, bao nhiêu tiền vàng để mua đất, mua vườn thượng uyển để cất tinh xá Kỳ Hoàn. Cho nên ngài Cấp Cô Độc xứng là một vị đại Hộ Pháp ở trong chùa.

Thường người bảo vệ thì trông mặt cũng phải dữ, cũng phải đỏ; tức là thể hiện nhiệt huyết, quyết liệt. Cho nên trông mặt Ngài cũng rất dữ, nghiêm. Như vậy mới hộ trì Phật Pháp.

Chúng ta biết trong năm giới, thì có giới cấm uống rượu, Phật cấm uống rượu. Thế tại sao chúng ta lại mang rượu đến cúng cho Ngài. Ngài là Phật tử thuận thành, Ngài cũng vào Thánh quả. Thế thì chúng ta không thể đem rượu đến cúng Ngài, Ngài là Phật tử nên chúng ta cúng đồ chay tịnh cũng rất hợp lý. Việc này là do chúng ta hiểu lầm Đức Ông mặt đỏ là do rượu, cho nên cúng rượu, cúng thịt cho Ngài. Điều đó không đúng, Thầy mong tất cả các Phật tử từ này hiểu rõ điều này, chúng ta không bày những đồ cúng lên ban Đức Ông vì không hợp đạo lý, không lợi ích.

Cho nên, chúng ta thấy rằng quan niệm cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông là không đúng và nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo.

Quan niệm cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông là không đúng và nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo.

Đầu năm đi đền, chùa vay lộc Thánh sẽ giúp làm ăn thuận lợi, may mắn?

Trong dân gian có lưu truyền quan niệm: “Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, người dân thường đến các đền, phủ, hay đi chùa để xin lộc dịp đầu xuân, năm mới và cầu mong kinh doanh phát đạt, buôn bán thành công. Rồi đến cuối năm, những người đã đi xin lộc sẽ đến để làm lễ tạ chư Phật, các vị thần linh đã phù hộ trong suốt năm qua.

Điều này trong Phật Pháp thì hoàn toàn mê tín. Các Ngài không có tiền cho mình vay. Tượng Phật, tượng các vị Thánh Hiền cũng thế, các Ngài là tượng. Mình có thấy Phật hiện ra để cho mình tiền vay đâu. Thế thì không cần đến ngân hàng nữa. Cho nên việc này không hợp lý, đi vay bằng tiền âm phủ, mang về đặt lên ban thờ. Đấy cũng không gọi là vay. Điều này là một quan niệm sai lầm, rất mê tín.

Hạnh Ngân - GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top