29/09/2020 7:56
Tôi mừng các Tăng Ni sinh nội trú Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM được thêm một tuổi hạ. Và cũng tán thán các Phật tử ngoại hộ đã đóng góp công lớn trong việc hỗ trợ đạo tràng chúng ta trong suốt ba tháng an cư, cúng dường tứ sự đầy đủ để Tăng Ni sinh có điều kiện thuận tiện tu hành trong Chánh pháp.
Nhân ngày Tự tứ hôm nay, các Phật tử cúng dường vào quỹ đời sống Tăng Ni, còn gởi cúng trên 3 tỷ đồng để xây dựng ngôi chánh điện tại Học viện. Với công đức lớn này, người quá vãng thân thương của quý Phật tử cũng được hoan hỷ và được tái sanh về thế giới an lành. Tôi cũng cầu nguyện cho các Phật tử hiện tiền luôn luôn tiếp tục con đường thiện lành này theo lời Phật dạy.
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng chia sẻ với Tăng Ni sinh Học viện - Ảnh: Ngộ Trí Thuận
Hôm nay là ngày kết thúc khóa an cư lần thứ 5 của Học viện Phật giáo VN tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng là lần an cư thứ 61 của tôi. Trải qua 61 mùa an cư, tôi có một số kinh nghiệm muốn chia sẻ cho Tăng Ni sinh làm hành trang trên bước đường hoằng pháp lợi sanh để tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của Đức Như Lai luôn tỏa sáng trên thế gian này.
Nhớ lại mùa an cư đầu tiên của tôi vào năm 1960 xảy ra nhiều biến động. Đó là biến động của xã hội về chính trị, quân sự và cũng là năm Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời. Chính phủ Ngô Đình Diệm cố gắng chặn đứng các phong trào, trong đó có phong trào bảo vệ Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử chúng ta.
Bấy giờ, trong Phật học đường Nam Việt, những người bạn đồng hành, đồng sự với tôi bị nhiều dao động vì chịu sự tác động của xã hội bên ngoài.
Phải nói mặc dù tu xuất thế, nhưng lúc bấy giờ mối quan hệ của tu sĩ và xã hội luôn bị tác động bởi một số vấn đề như sợ chính quyền bắt đi lính, hay một số người chịu ảnh hưởng của Mặt trận Giải phóng miền Nam muốn vào chiến khu tham gia kháng chiến. Vì vậy, Tăng sinh Phật học đường Nam Việt rơi vào tình trạng bất an.
Hòa thượng Thiện Hòa là Giám đốc Phật học đường mới dạy các thầy nên tìm bình an trong hoàn cảnh bất an. Ngài chỉ dạy chừng đó thôi. Các huynh đệ không thực tập lời ngài dạy, nên vẫn cảm thấy bất an dẫn đến hậu quả là họ rời bỏ cuộc sống tu hành và số chư Tăng còn ở lại tu học rất ít vào mùa hạ năm 1960.
Sự dao động bên ngoài như vậy làm cho xã hội bất an hơn nữa khiến cho đời sống tinh thần của người dân đi xuống thì đời sống vật chất cũng bị xuống dốc theo.
Nghe Hòa thượng dạy như vậy gợi tôi nhớ đến cũng trong một mùa an cư của Phật tại Kỳ Hoàn tịnh xá xảy ra việc ác không thể tưởng là ngoại đạo đã giết người rồi chôn xác ở phía sau tịnh thất của Phật để vu cáo rằng Phật hiếp dâm và giết người. Trước sự việc này, chư Tăng cũng dao động vì tu chưa có Chánh niệm, Chánh định nên dễ dao động theo hoàn cảnh xã hội. Nhưng với các Trưởng lão như Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất là những người thân cận Phật đã đi sâu vào Chánh định và giữ Chánh niệm, nên các ngài thấy xa, vẫn sống an nhiên trong cảnh bất an.
Tôi thấy lời dạy của Hòa thượng Thiện Hòa giống với lời dạy của Phật rằng tâm phải bình an dù hoàn cảnh bất an. Nhờ thấm sâu lời chỉ dạy của Hòa thượng nên mùa hạ năm đó, tôi cảm thấy an lành trong Chánh niệm, Chánh định của mình, nhờ vậy tôi ảnh hưởng đến xã hội bên ngoài. Thật vậy, một số Phật tử thích thân cận tôi, học đạo với tôi.
Lúc bấy giờ, tuy tôi còn trẻ, nhưng trở thành giảng sư của Giáo hội Tăng-già Nam Việt. Hòa thượng Thiện Hoa bảo tôi lên vùng kinh tế mới giảng pháp. Lúc đi, tôi vẫn giữ Chánh niệm, Chánh định. Đường đi lên Đồng Xoài chỉ cách thành phố độ 100km, nhưng phải đi từ sáng đến tối mới tới. Và đi một ngày trời đến nơi bình an, tâm tôi vẫn giữ Chánh niệm, trụ Chánh định.
Có thể khẳng định rằng dù xã hội bất an, nhưng tâm mình an thì hoàn cảnh cũng an theo. Vì vậy, người tu chúng ta phải thực tập giáo pháp Phật mới thấy kết quả tốt đẹp vượt trên hiểu biết của con người, đó mới là đạo. Thực chất đạo Phật là đạo trí tuệ, chúng ta phải biết phát huy tinh ba của giáo pháp để có được trí tuệ của đạo.
Lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi nhưng nhờ sống trong niềm tin kiên cố với Phật và thực tập tinh tấn giáo pháp mà tiếp nhận được niềm an lạc vi diệu. Thật vậy, lên Đồng Xoài thuyết pháp, chỉ có mái tranh đơn sơ, không phải là chùa như bây giờ và thờ tượng Phật sơ sanh bằng tranh vẽ mộc mạc. Đơn giản chừng đó, nhưng với lòng thành kính và Chánh niệm của tôi mà tạo thành sức sống kỳ diệu ít nơi nào có được.
Nhờ vậy, tôi nhận ra trong cảnh khó khổ, người ta dễ nhiếp tâm tu hành. Còn sống trong hoàn cảnh tốt dễ rơi vào vọng niệm cuồng tâm, vì nó làm chúng ta buông lơi công phu tu tập, mải mê hưởng thụ đến chết cũng không hay. Trái lại, tôi thuyết pháp nơi vùng hẻo lánh giữa núi rừng, mà tình trạng an ninh ở đó phải nói cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng sự thanh tịnh của tôi an trụ trong giáo pháp cùng với niềm tin chất phác của đồng bào Phật tử hướng về Phật, về tôi đã tạo thành đạo tràng thanh tịnh mầu nhiệm giữa rừng núi hoang sơ. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm hành đạo quý báu của mùa an cư năm đó với quý huynh đệ.
Phải nói, sau thời pháp này, tôi đã gặt hái được kinh nghiệm tu vô giá và kết quả công phu của mình cực kỳ tốt đẹp. Không phải tôi nói hay, hiểu rộng, vì lúc đó tôi còn quá trẻ, nhưng tôi cảm nhận được đạo lý về tình người thông qua pháp Phật, thấy rõ niềm tin sâu sắc giữa Phật tử và tôi, một sợi chỉ vàng nối liền Phật, tôi và những cư sĩ đạo hữu nơi vùng hẻo lánh nghèo nàn. Trong Chánh niệm đó, nhờ lực kết nối được với Phật mà tiếp nhận được Phật lực gia bị khiến cho đạo tràng trở thành thanh tịnh, bình yên tỏa rộng.
Phật dạy những gì xảy ra, tồn tại và biến mất đều phải trải qua ba chu kỳ này. Trước nhất, với những gì xảy ra, chúng ta tu quan sát được nhân duyên xảy đến với mình. Thật vậy, tôi quan sát thấy rõ nghiệp duyên, nghiệp thức của con người. Nghiệp thức tuy vô hình nhưng nó nguy hiểm và cũng thiêng liêng. Nếu không thấy được như vậy, chúng ta sẽ bị nghiệp dập chết. Chết thân tứ đại là bình thường, nhưng chết luôn linh hồn, chết mất niềm tin mới đáng sợ.
Nhiều bạn nói với tôi rằng chết tới nơi là chính quyền sắp đàn áp Phật giáo, nguy hiểm quá, nên sợ, không dám mặc áo tu và không tu nữa. Nhưng sau này, tôi thấy các thầy sợ vậy là chết cái tâm trước, chết niềm tin trước, rồi sau cùng lần lượt họ cũng chết thật.
Tôi nói sợ cũng chết, nhưng mình là con Phật không nên sợ để giữ Chánh niệm thì may ra Phật hộ niệm mình còn sống được. Tôi sống đến nay trên 80 tuổi nhờ giữ vững hai pháp này trong đời tu. Còn người sợ chết thì cũng chết rồi.
Tôi không sợ, giữ Chánh niệm, trụ Chánh định nên vượt qua tất cả hiểm nguy, khó khăn. Đó là kinh nghiệm tu mà tôi trải qua có được thành quả, không phải chỉ học lý thuyết để nói hay, để hơn thua phải trái. Học giáo pháp và thực tập đạt kết quả mới quan trọng.
Chúng ta có Chánh niệm, quang cảnh tại Học viện được trang nghiêm thanh tịnh lần, đời sống đạo lý tỏa ra - Ảnh: Ngộ Trí Thuận
Trở lại an cư lần thứ 61 năm nay có điều lạ là khởi đầu an cư, đất nước chúng ta xảy ra dịch bệnh Covid-19. Một số người lo không biết mình cấm túc an cư được không và có học được không, tu được không. Nếu ở Học viện mà không học được, không tu được thì ở chùa cho yên. Và ở đây tu học, nhưng bị cách ly, đàn việt không cúng dường thì sống được không. Nếu tu với tâm niệm như vậy là nghĩ đến cơm áo gạo tiền thì nghèo khổ suốt đời.
Có hoàn cảnh khó khổ, chúng ta mới có lực bứt phá. Vì vậy, tôi quyết định tổ chức an cư ở Học viện này với trên 800 Tăng Ni sinh. Tôi khuyên quý huynh đệ không cần lo đời sống vật chất. Phật lo tốt hơn mình nhiều. Nói cách nào đó, các thầy cô khỏi lo, để tôi lo, vừa lo đời sống chư Tăng Ni và lo việc học cho quý vị, lại vừa lo kinh phí xây dựng ngôi chùa ở đây. Vì hiện nay, chúng ta sử dụng chỗ này vừa là chánh điện, vừa là giảng đường, vừa là nhà ăn thì thật ra chúng ta chưa vui.
Tôi hạ quyết tâm xây dựng chùa, từ lúc khởi công đến nay đã sử dụng trên... tỷ đồng. Biết bao lo lắng buồn vui mong đợi của mọi người tôi thấy rõ.
Mùa an cư năm nay, ngoài giờ học, Tăng Ni sinh đã thực hiện rất tốt việc dọn sạch cỏ hoang, trồng nhiều cây hoa tạo cảnh đẹp trang nghiêm rất lạ. Vì mùa hạ này có nhiều khó khăn, nên Tăng Ni đã phát huy được nội lực, trước nhất là xua đuổi được trần lao nghiệp chướng phiền não.
Chúng ta nghe nói nhiều về con siêu vi, nhưng không ai thấy được mặt mũi nó ra sao. Nhớ lại câu Phật dạy người tu phải quán tưởng trong bát nước có vô số vi trùng. Ngày xưa nghe vậy khó tin, nhưng ngày nay chúng ta biết đến siêu vi không thấy bằng mắt, nhưng nếu có Chánh niệm, Chánh định thì huệ sanh và bằng mắt huệ thấy được siêu vi.
Tôi cảm giác không chỉ có một con siêu vi Covid-19 làm khủng hoảng cả thế giới, mà còn có nhiều con siêu vi khác đang xếp hàng tiến lên. Nó từ đâu ra. Từ tâm tưởng vọng niệm tham sân si của con người hình thành những con siêu vi, tức những chất độc hại tàn phá cơ thể con người, tàn phá xã hội chúng ta.
Thiết nghĩ xã hội loài người cần có tuệ giác để nhận ra được và khắc phục được những vấn nạn mà chúng ta đối diện, trong đó có dịch Covid-19 đang làm nhức nhối toàn cầu. Theo tôi, đáp số cho tất cả vấn đề đều phát khởi từ sự tu hành của chúng ta.
Thật vậy, mùa an cư lần thứ nhất của Học viện là khóa XI, tâm hồn Tăng Ni bất an cộng thêm trụ xứ bất an, vì chúng ta mới xây dựng trường, nên thiếu thốn đủ thứ, nước không sạch, muỗi mòng rắn rít nhiều và đằng sau giảng đường còn có kiến ba khoang rất độc tấn công. Những con này chúng ta thấy bằng mắt và cũng có những con siêu vi không thấy bằng mắt. Tôi nghĩ những côn trùng độc hại, rắn rít cộng thêm những con siêu vi đã làm Tăng Ni mất Chánh niệm gọi là cuồng tâm, vọng tưởng, điên đảo và từ những thứ này tác động vào cuộc sống Tăng Ni bất an thêm.
Vì vậy, lúc đó mới vô hạ, thầy Nhật Từ làm quản viện cho biết nhiều bệnh đã xảy ra. Có thể nói những bệnh hoạn đó phần nhiều phát xuất từ những con siêu vi tinh thần là chất độc tinh thần của Tăng Ni sinh năm thứ nhất đã khiến thầy Nhật Từ khổ tâm lo lắng đến ngã bệnh.
Điều này cho thấy người mất Chánh niệm, Chánh định thì dễ ngã bệnh, dễ chết. Riêng tôi sống thọ đến nay nhờ giữ Chánh niệm, trụ Chánh định. Càng khó khăn tôi càng cố gắng giữ Chánh niệm để biết nguyên nhân từ đâu và khắc phục cách nào để vượt qua chướng ngại.
Tôi nhận thấy điều thực sự quan trọng nhất là các thầy cô có Chánh niệm, Chánh định sẽ tỏa ra từ trường bên ngoài tạo thành sức sống kỳ diệu. Thực tế là kiến rắn đã đi hết và tu tốt, tâm an lạc tỏa ra nếp sống an nhiên giải thoát khiến cho Phật tử thăm viếng, cúng dường cũng được an lạc. Nhờ tiếp nhận được lực an nhiên của người tu học ở đây giúp cho tâm hồn và sức khỏe họ theo đó phấn chấn và trở về làm việc cũng có kết quả vui tươi. Phải thấy sự thật đó trong thực tế cuộc sống.
Đối trước nhiều bế tắc ở giai đoạn mùa hạ đầu tiên của Học viện, nhưng lòng tôi vẫn giữ niềm tin tuyệt đối ở Phật hộ niệm, nên tôi vẫn tiếp tục làm và chỉ đạo các công tác không ngừng.
Bất ngờ là khi tôi ra Hà Nội thăm Đức Pháp chủ, tôi đã gặp vị đại thí chủ hỏi Hòa thượng xây chùa tới đâu. Tôi nói được đến đó thôi. Bà thí chủ mới nói Hòa thượng yên tâm, con sẽ tùy hỷ công đức với việc xây dựng chùa. Thực sự chưa nghe lời hứa này, tôi cũng yên tâm rồi. Trên bước đường hành đạo, nếu nghe lời phỉ báng mà bất an, nghe người cúng dường thì an. Cả hai khởi tâm như vậy đều bị đọa, vì mất Chánh niệm.
Phải giữ Chánh niệm, thí chủ thấy vậy mới kính trọng, tin tưởng và hỗ trợ. Nếu nghe họ hứa cúng, mình khởi tâm an vui thì bị lệ thuộc họ và họ sẽ thay đổi về sau. Thực tế có người đến thưa rằng muốn làm chùa, tháp thì có người đến hứa ủng hộ, nhưng khởi công xây dựng thì tìm đến, họ lại không muốn tiếp mình nữa, nên công việc phải dừng lại, rồi đổ lỗi tại chính quyền không cho phép, tại hết tiền… Không phải vậy, mà tại mất Chánh niệm thì chỉ còn cái thân là thầy tu thôi, cái hồn của thầy tu không còn.
Vì vậy, hễ khởi niệm, tức rời Chánh niệm, mọi việc theo vọng tưởng điên đảo mà hư mất. Tôi trải qua 61 mùa an cư có kinh nghiệm rằng người vững niềm tin ở Phật, ở giáo pháp và luôn giữ Chánh niệm, cuộc đời tu luôn sáng thêm, Phật sự thành tựu dễ dàng.
Nếu các thầy giữ Chánh niệm, chưa có giấy phép nhưng chính quyền bảo cứ xây rồi họ cấp phép sau. Nhưng mất Chánh niệm thì họ không cấp giấy phép nữa.
Mùa an cư năm nay, hoàn cảnh của chúng ta rất khó khăn, hạn chế đến mức nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng nhờ khó khăn này, Tăng Ni không còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực tu.
Chúng ta có Chánh niệm, quang cảnh tại Học viện được trang nghiêm thanh tịnh lần, đời sống đạo lý tỏa ra, thu hút nhiều người tới, tức từ trường của chúng ta đã đi xa. Nếu các thầy cô giữ Chánh niệm cao hơn nữa thì từ trường sẽ đi ra khỏi thành phố này và ra đến thế giới. Nhiều người nghĩ đến chúng ta mà nhận được lực an lành. Cho đến nỗ lực tu, từ trường tới được chư Phật mười phương, chúng ta sẽ nhận được lực gia bị của các Ngài, chắc chắn không còn khó khăn nào ngăn trở được chúng ta.
Tôi có niềm tin như vậy, mong Tăng Ni rút kinh nghiệm tu, năm nay vượt qua mọi khó khăn và làm được nhiều việc hơn. Trước mắt, cố chặn con siêu vi Covid-19 và sau đó, nhờ Chánh niệm, Chánh định mà từ trường của chúng ta xua đuổi được những con siêu vi khác tự động rời bỏ chỗ này, đi nơi khác.
Nếu vọng tâm, cuồng tâm là thức ăn của siêu vi, hay buồn giận lo sợ là miếng mồi ngon cho siêu vi tấn công thì nhất định phải bệnh chết. Nếu giữ Chánh niệm, trụ Chánh định suốt cuộc đời, cho đến mạng chung cũng vẫn có Chánh niệm, Chánh định, nhất định thần thức sẽ đi đến thế giới thánh thiện nào đều được sở cầu như ý.
Cầu nguyện cho tất cả Tăng Ni và Phật tử được an lạc trong Chánh pháp.
HT.Thích Trí Quảng / Báo Giác Ngộ
Các tin tức khác
- Hai loại quả báo hiện tại và vị lai (29/09/2020 7:48)
- Chúng ta sẽ trở thành thứ mà chúng ta chú trọng (28/09/2020 7:58)
- Thế nào là tự nhiên (28/09/2020 7:55)
- Chỗ dựa (28/09/2020 7:52)
- Muốn thấy Phật phải trút bỏ phàm tình (28/09/2020 7:47)
- Kinh Nhật tụng - Sư bà Hải Triều Âm: Tụng Chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh (27/09/2020 6:02)
- Thiền Vipassana chính xác là gì? (27/09/2020 5:58)
- Công đức xây chùa dựng tượng là không thể nghĩ bàn (26/09/2020 6:11)
- 2 quy tắc vàng rèn đức kiên nhẫn không thể bỏ qua (26/09/2020 6:08)
- Ta sẽ làm gì khi cận kề cái chết? (25/09/2020 6:14)