Những lời hay ý đẹp của Đức Đạt Lai Lạt Ma được lưu truyền cho đến muôn đời sau:
1. Phật Giáo dạy rằng những giây phút trước khi lìa đời thật hệ trọng, bởi vì đấy là dịp may cuối cùng giúp mình chuẩn bị cho sự hiện hữu của mình trong giai đoạn trung ấm (bardo) - tức là thế giới chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh - khởi sự hiện ra sau hơi thở cuối cùng.
Nếu muốn được sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng ấy, thì người tu tập phải chuẩn bị suốt cả đời mình, và ngay trong những giây phút cuối cùng ấy phải tập trung tâm thức hướng vào một cảm tính nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối dây tình cảm giữa người thầy và môn đệ, hoặc là vào Tánh Không và Vô Thường, hầu giúp mình tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn.
Những giây phút trước khi lâm chung thật hết sức quan trọng vì đấy là lúc mà chúng ta có thể chủ động được thể dạng mà mình sẽ tái sinh.
Khi đã hiểu được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì chúng ta nên hiểu rằng mình phải sống một cách thật trọn vẹn trong từng giây phút một, và chết trong an bình.
2. Đừng đánh mất thì giờ vì ganh tị hay cãi vã. Hãy suy tư về cuộc sống vô thường để ý thức được giá trị của sự sống. Nếu muốn tạo ra sự an bình trong tâm thức và con tim mình thì phải thay đổi các thói quen tâm thần. Nếu không muốn hóa điên vào lúc bắt buộc phải rời bỏ thế giới này, thì quý vị phải tu tập ngay từ bây giờ để hiểu rằng không nên bám víu vào mọi sự vật và đừng mơ tưởng rằng đấy là những thứ mà rồi đây mình có thể mang theo khi chết.
3. Không thể nào nắm bắt được hiện tại. Không có gì tồn tại mãi trong thế giới này, không có bất cứ gì tự chúng có thể hiện hữu được. Vậy thì cố gắng nắm bắt và chiếm giữ các đối tượng giác cảm mà quý vị cảm nhận được trong hiện tại để mà làm gì?
Tự nơi chúng, chúng không hàm chứa một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của vô số nguyên nhân và điều kiện đã tạo tác ra chúng. Chúng không sinh ra để mà tồn tại, chẳng qua cũng vì chúng luôn biến đổi trong từng giây phút một. Vì thế quý vị không nên nắm bắt bất cứ một thứ gì cả.
4. Sự thèm muốn không kiềm chế được sẽ biến tâm thức con người trở thành nô lệ và nó sẽ không bao giờ để cho tâm thức được yên vì nó luôn thúc đẩy tạo ra vô số các cảnh huống trong sự sinh hoạt hằng ngày, nhằm giúp nó đuổi theo các đối tượng của sự thèm muốn mà nó chưa đạt được.
Kiềm chế và khắc phục được sự thèm muốn sẽ giải thoát con người ra khỏi mọi cảnh huống xảy ra, dù đấy là hạnh phúc hay khổ đau, và sẽ mang lại sự an bình cho con tim và tâm thức mình.
5. Bám víu vào các đối tượng của giác cảm sẽ làm cho tâm thức thèm thuồng và bệnh hoạn. Gom góp được thật nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho mình suốt đời, thế nhưng họ vẫn sống trong tình trạng âu lo, buồn khổ, bất toại nguyện và khép kín.
Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ mang lại một niềm hân hoan to lớn nhất. Họ cũng không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười hầu giúp cho kẻ khác được sung sướng.
Các tiện nghi vật chất của họ thật dồi dào, thế nhưng chúng không hề mang lại cho họ được một mảy may hạnh phúc nào, bởi vì chỉ có một cách duy nhất trong số tất cả các phương tiện mà chúng ta có thể có được nhằm giúp cải thiện cuộc sống nội tâm của mình: đấy là sự tu sửa tâm linh.
6. Cuộc sống vô thường và cũng chính nhờ đó mà chúng ta mới có thể biến cải được tâm thức và các xúc cảm bấn loạn làm xao động tâm thức mình. Chẳng hạn như sự phát lộ của các xúc cảm hận thù và giận dữ đều phải lệ thuộc vào các cảnh huống xảy ra.
Tự nơi chúng, chúng không hề hàm chứa một sự hiện thực nào, cũng không hiện hữu một cách thường xuyên trong tâm thức mình, và cũng chính nhờ thế mà chúng ta mới có thể khắc phục, biến cải và loại trừ được chúng.
Nếu muốn thực hiện được việc ấy thì nhất thiết phải đặt chúng vào các bối cảnh mà chúng phát sinh và phân tích xem chúng bộc phát trong các tình huống như thế nào, hầu giúp mình tìm hiểu chúng. Thực hiện được một thể dạng phúc hạnh lâu bền có nghĩa là loại trừ ra khỏi tâm thức những xúc cảm tiêu cực.
7. Mọi vật thể cấu hợp chỉ rồi để tan biến mà thôi, chúng đều vô thường, tạm thời và có tính cách giai đoạn. Thân xác chúng ta cũng thế, nhưng tiếc thay chúng ta lại thường hay quên đi điều ấy, chẳng qua là vì chúng ta bám víu vào thân xác mình một cách quá đáng. Đối với một số người mỗi khi nghĩ đến sự thật ấy thì họ cảm thấy khổ đau vô ngần.
Nhận biết được thế nào là bản thể đích thật của mọi sự vật sẽ giúp chúng ta chấp nhận dễ dàng hơn là chẳng có gì tự chúng hiện hữu cả, và bản chất của khổ đau cũng thế, cũng phù du, nhất thời và không hiện hữu một cách tự tại.
Sự hiểu biết ấy giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều mỗi khi gặp phải những cảnh huống khó khăn và bực dọc trong cuộc sống, hoặc phải đối phó với một số thử thách nào đó.
8. Mỗi con người đều có một bản chất riêng và các xu hướng khác nhau, vì thế thật khó để bảo rằng một thứ gì đó lại có thể mang tính cách lợi ích chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cũng có thể khuyên tất cả mọi người hãy trau dồi tinh thần giác ngộ, đấy là tình thương người và lòng quyết tâm tự cải thiện chính mình hầu có thể giúp đỡ kẻ khác, và giúp mình biết suy tư về cuộc sống vô thường dưới tất cả các khía cạnh khác nhau.
9. Một vài khát vọng hay ước mong nào đó cũng có thể chấp nhận được trên bước đường tu tập tâm linh. Chẳng hạn như đối với một người tu tập Đạo Pháp thì đấy là niềm ước mong khắc phục được tâm thức mình, và đối với những người tin có Trời thì niềm ước mong của họ là làm sao cho Trời được vui lòng. Những ước mong ấy đều chính đáng.
Trái lại, những thứ ham muốn hướng vào các đối tượng bên ngoài chỉ tạo ra sự bám víu và các xúc cảm tiêu cực trong tâm thức mình mà thôi, các thứ ham muốn này quả thật không chính đáng một chút nào cả. Thật hết sức quan trọng là phải giới hạn các thứ thèm muốn và trói buộc ấy. Quả chỉ là một ảo giác khi tin rằng thế giới bên ngoài một ngày nào đó sẽ có thể làm thoả mãn được các khát vọng của mình.
10. Vô thường dưới các góc cạnh "thô thiển" và dễ nhận thấy sẽ hiện ra qua các thể dạng vật chất của sự hiện hữu; vô thường "tinh tế" hơn hiện ra trong từng giây phút một đối với con người của mình, đối với bối cảnh chung quanh và cả bên trong tâm thức mình. Thiền định về vô thường sẽ giúp hiểu được bản chất đích thật của khổ đau là gì. Sự hiểu biết về bản chất ấy sẽ giúp mình tránh khỏi những điều kiện và nguyên nhân làm phát sinh ra các hậu quả tiêu cực trong các kiếp sống của mình, và cũng sẽ giúp mang lại sự an bình trong tâm thức mình.
11. Không thể nào tìm thấy được hạnh phúc nếu chúng ta không nhìn vào hiện thực mà chỉ biết đuổi theo ảo giác. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa gì cả. Vạn vật là như thế, không thể nào đúng với ý mình mong muốn là phải như thế. Quán thấy và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chiếc chìa khoá mang lại hạnh phúc.
12. Chớ bỏ mặc tấm thân này, nhưng cũng đừng quan tâm đến nó một cách quá đáng, mà phải kính trọng nó, chăm sóc nó như một thứ dụng cụ quý giá và cần thiết hầu giúp cho tâm thức mình đạt được Giác Ngộ.
St
Các tin tức khác
- Angela Phương Trinh kể chuyện ăn chay trường (15/11/2020 6:13)
- Hạnh phúc chính là con đường mà ta đi (15/11/2020 6:12)
- Quét sạch phiền não (15/11/2020 6:09)
- Họa, phước trong nhà Phật (14/11/2020 6:09)
- Kinh Phật nói ân nặng của cha mẹ khó báo đáp (14/11/2020 6:07)
- Dây trói bền chắc nhất (14/11/2020 6:05)
- Chớ để mất thân người (13/11/2020 6:13)
- Cách chọn bạn tốt theo Phật giáo (13/11/2020 6:10)
- Lược truyện Đức Phật Thích Ca: Dự lễ cày ruộng đầu năm (13/11/2020 6:08)
- Hiểu sâu là bản chất của thương yêu (13/11/2020 6:06)