Các nhà sinh học mới đại diện là Bruce Lipton, làm các cuộc thí nghiệm và thấy rằng di thể hay DNA không thể tự nó hoạt hóa (activate) để tạo ra các sinh hoạt trong đời sống con người mà chính là niềm tin. Họ nói: “Nếu lấy một cậu bé có di thể thông minh bỏ vào một môi trường thiếu học thì cậu bé ấy sẽ lớn lên không có sự thông minh nào. Như vậy, rõ ràng là sự thông minh của một con người không hoàn toàn do di thể quyết định mà còn tùy thuộc vào môi trường, đặc biệt là sức mạnh của niềm tin.” Họ nói tiếp: “Niềm tin phát xuất từ đâu? Niềm tin phát xuất từ nhận thức (perception) mà nhận thức nghĩa là sự giao cảm, sự tiếp xúc của tế bào và môi trường. Bruce nói mỗi tế bào đều có cái ăn - ten (antena) rà được tín hiệu của môi trường chung quanh.”
Các nhà sinh học mới nói rằng tế bào rất thông minh. Tới gần chất độc thì nó tự rút lui để tránh bị nhiễm độc, gần thức ăn thì nó tìm tới để được bồi dưỡng.
Nếu bạn căng thẳng thì tế bào co rúm trở lại nên cơ thể bạn không lưu thông, máu không đến được các bộ phận của cơ thể, vì thế căng thẳng tạo ra nhiều đau nhức, tật bệnh. Nếu bạn thư giãn thì tế bào thoải mái, vui chơi nên cơ thể lưu thông, máu huyết đi khắp mọi nơi giúp nuôi dưỡng, trị liệu làm cho cơ thể được mạnh khỏe. Sống thư giãn, bình an giúp cho các tế bào hạnh phúc, vui cười thì tự nhiên bạn được mạnh khỏe. Giống như thư giãn hay bình an, nếu tin rằng bạn sẽ mạnh khỏe thì cơ thể mạnh khỏe. Các tế bào, các hệ miễn dịch thông minh, nhạy cảm có thể tiếp nhận bất cứ tín hiệu gì của bạn gửi đến. Các nhà sinh học mới nói: “Nếu bạn suy nghĩ là bạn còn trẻ thì tự động tế bào khỏe mạnh nên bạn trẻ mãi. Ngược lại, nếu bạn suy nghĩ là bạn già rồi thì tự nhiên tế bào già yếu, teo đi cho nên bạn mất sức, già đi rất nhanh.”
Theo Duy Biểu học, nhận thức là sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu trần tạo ra cái thấy, cái nghe, cái ngửi, vị nếm, xúc chạm, ý thức. Con mắt thấy ngọn lá, đó là cái thấy. Lỗ tai nghe cơn mưa, đó là cái nghe. Lỗ mũi ngửi hương sen, đó là cái ngửi... Tuy nhiên, công năng của các căn được cấu tạo trong sự giới hạn nhỏ bé của cơ thể cho nên chúng chỉ tiếp xúc với thế giới hạn hẹp, chứ sự sống linh động, sâu sắc, bao la có nhiều hiện tượng như âm thanh, hình sắc, ba động, làn sóng, năng lượng ngoài khả năng cảm nhận của các căn. Cộng với cái nhận thức luôn đi ngang qua trung gian suy luận, so đo, phỏng đoán và bị ảnh hưởng sâu đậm về các loại tình cảm, ký ức, thành kiến trong tâm thức, bởi vậy cho nên nhận thức cũng bị nhiều hạn chế và thường sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng con rắn nên sợ quýnh lên. Nghe tiếng gió rì rào nơi lá rừng mà tưởng âm thanh của loài ma quỷ nào đó nên sợ đến nổi da gà... Vậy, nhận thức cần tu tập, xét nghiệm bằng sự quán chiếu của ánh sáng chánh niệm, thiền định mới có thể gạn lọc được sự hạn hẹp và sai lầm của nó. Vì thế, phần căn bản của vui buồn, thương ghét, khổ lạc, sức khỏe, tật bệnh đều phát sinh từ nhận thức. Tu tập để thay đổi nhận thức làm cho nó lành mạnh, sáng sủa, nhẹ nhàng là thang thuốc thần diệu nhất trong việc trị liệu.
Trong Duy Biểu học, nhận thức là nền tảng đưa tới trí tuệ, tình thương, và cố nhiên là đưa tới niềm tin. Niềm tin sâu sắc hay cạn cợt đều tùy thuộc vào phẩm chất của nhận thức. Khi nhận thức có trí tuệ hoặc gần với trí tuệ thì niềm tin ấy là sự thật, là sức mạnh, tạo ra sự cảm thông, tin yêu, bao dung, hạnh phúc, lành mạnh. Ngược lại, khi nhận thức có nhiều sai lầm, u mê, kỳ thị thì niềm tin ấy tạo ra chia rẽ, hận thù, đố kỵ, bệnh hoạn, khổ đau. Vậy, khổ đau hay hạnh phúc, khỏe mạnh hay tật bệnh đều phát xuất từ nhận thức, nền tảng cho niềm tin.
Bạn có niềm tin nơi Bụt, bởi bạn thấy được tượng Bụt, nghe nói về Bụt, học về giáo lý của Bụt và thực hành theo lời Bụt dạy. Bạn đã nếm được phần nào pháp lạc của thiền tập. Bạn có kinh nghiệm về sự thật khổ đau, thấy được nguyên nhân khổ đau và có con đường vượt thắng khổ đau nên bạn không sợ khổ đau. Gặp khổ đau, bạn biết cách thực tập chấp nhận để chuyển hóa mà không la mắng, không đánh trả, không giận hờn... Trái lại, bạn có thể phát khởi lòng xót thương đối với người làm khổ bạn, vì thế bạn khôi phục lại niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Đó là sức mạnh tâm linh do niềm tin đem lại. Niềm tin của bạn không ai có thể lung lạc được. Đó là chánh tín.
Một người khác cũng có niềm tin nơi Bụt nhưng người này chưa nghe nói về Bụt, có ít cơ hội học hỏi giáo lý của Bụt và chưa từng thực tập theo giáo Pháp ngày nào cả. Vì không tu tập nên người này không nếm một chút gì an lạc của giáo pháp. Người này chưa biết gì về Tứ Diệu Đế, không biết sự thật khổ đau, không thấy nguyên nhân khổ đau, không biết con đường chuyển hóa khổ đau. Gặp khổ đau, người này chỉ biết la mắng, giận hờn, đánh trả, than trời, trách đất. Gặp bất bình, người này dễ nổi giận... Nên người này mang trong tâm nhiều nỗi bất an, giận hờn, phiền não, vì thế đời sống của người này ít có hạnh phúc, thiếu mất tình thương.
Niềm tin của người này có thể do thấy qua tượng Bụt hoặc tin theo cha mẹ... Thấy Bụt như là một hình tượng bằng xi măng, đá hoa, vàng, ngọc thì cái thấy ấy còn cạn, và nếu tin Bụt qua hình tượng có thể gọi là tà tín. Nó không dính líu gì về giáo lý và bản chất của Bụt. Niềm tin này dễ bị lung lạc và có thể đưa tới mê tín, dị đoan.
Cũng đều là niềm tin nhưng hai niềm tin trên hoàn toàn khác nhau. Một bên biết chấp nhận khổ đau để quán chiếu mà chuyến hóa để đưa tới hạnh phúc, tha thứ, xót thương. Một bên không biết gì về Tứ Diệu Đế, không chấp nhận khổ đau, chỉ biết đánh trả, trách móc, hơn thua, đưa tới thêm nhiều cay đắng. Vậy, niềm tin có nhiều cấp bậc. Niềm tin làm bằng trí tuệ có thể đưa tới hạnh phúc, khỏe mạnh, giải thoát. Niềm tin làm bằng mù quáng, mê tín, cố chấp chắc chắn đem lại đau khổ, não phiền, buộc ràng.
Gặp lúc khó khăn, bạn suy nghĩ và tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua khó khăn này thì cơ thể bạn sẽ tạo ra kích thích tố, đẩy mạnh hệ miễn dịch, biến thành năng lượng giúp bạn tiếp tục chiến đấu để vượt qua khó khăn ấy. Học hành cũng thế! Nếu bạn quyết tâm thành công ngành y khoa thì bạn có sức mạnh chú tâm học hết tất cả các môn chuyên ngành dù khó cách mấy để trở thành một bác sĩ. Ngược lại không có niềm tin, bạn chẳng học hành hay làm được việc gì cả. Vậy, niềm tin cực kỳ quan trọng. Niềm tin là sức mạnh. Có niềm tin, bạn có năng lượng có thể làm tất cả mọi việc khó làm.
Niềm tin là một thần dược giúp mình đang điều trị được ung thư. Lúc ấy, mình không nghĩ là mình đang mang bệnh nặng, chỉ biết sống vui, mỉm cười, thảnh thơi, vô tư từng giây từng phút. Mình thường nghĩ thế nào mình cũng mạnh khỏe. Niềm tin tích cực ấy là do cái cảm nhận về sự phục hồi trong cơ thể và sự thiền tập hàng ngày đưa tới. Mình không tin mù quáng đâu, bởi có một nguồn năng lượng, một sức sống đang tràn dâng trong cơ thể.
Hơn nữa, bao nhiêu năm quán chiếu về sự mong manh của kiếp người nên mình có khả năng buông bỏ mọi vương vấn, nhất là bỏ được hạt giống sợ chết. Mình không suy nghĩ, không lo sợ gì cả và sẵn sàng chấp nhận cái tình trạng sức khỏe đang có với trái tim nhẹ nhàng và tâm hồn bình thản. Bụt đã dạy rõ về sinh tử, và mình đã quán chiếu về giáo lý “một là tất cả”. Mình là nắng mai, là cây, là lá, là cơn mưa, là đại địa, là dòng sông, là cha mẹ, ông bà, tổ tiên... bằng hình ảnh thai nhi nối liền với nhiều bà mẹ qua những cuống nhau vô hình thì có gì phải sợ.
Có lẽ các tế bào trong cơ thể của mình tiếp nhận năng lượng niềm tin mạnh khỏe và niềm vui sống nên nó hồi phục thật nhanh. Chỉ trong vòng ba tháng, mình cảm thấy cơ thể trở lại mạnh khỏe hẳn trở lại như trước. Cố nhiên sự hồi phục này cũng nhờ thuốc men, thức ăn, sự quan tâm, sự cầu nguyện và tình thương của nhiều người.
Mình xin hết lòng cám ơn Thầy, các tăng thân, gia đình, bạn bè, các bác sĩ và bà con làng xóm giúp mình vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo. Có thể, mình sẽ sống lâu lắm. Phải nói “không có lẽ” gì hết mà chắc chắn là như thế. Mình phải dùng tâm lực và suy tư lành mạnh để sống mạnh khỏe như sự khám phá về “niềm tin” của các nhà sinh học mới. Bạn và mình hãy cứ vui tươi, yêu đời, tha thứ, bình an, thanh thản. Tại sao không? Bởi vì, bạn và mình đang còn sống mạnh khỏe, còn niềm vui nào bằng.
Sự sống đẹp lạ thường
Xin trả về thiên nhiên
Những dòng suối yêu thương
Đổi trao từ vô thỉ
Sự sống đẹp lạ thường
Xin trả về quê hương
Tấm thân cát bụi này
Chết như thay chiếc áo
Sống thương yêu mỗi ngày.
Bài thơ này diễn tả về cái mong manh của kiếp người. Đây là một phép quán quan trọng cho các thầy, các sư cô lúc Bụt còn tại thế.
Bạn không thể nào giữ được tâm bình thản trước cái đau nhức khủng khiếp lúc xác thân này tan rã, chỉ có những người có chuẩn bị tinh thần bằng phép thực tập làm quen và nhìn sâu vào cái chết. Bạn phải tập chết mỗi ngày. Bạn không nên tin rằng “chết” là điềm chẳng lành, đừng bị người ta lừa rằng nó là một việc cấm kỵ. Không! Chết là một nghệ thuật tuyệt vời, cao nhất của một kiếp người. Bạn phải tập chết cho thật đẹp, an, lành. Người Tây Tạng để hết cả cuộc đời quán chiếu, tu luyện, học hỏi về bản chất của cái chết, do vậy họ có một nếp sống rất bình thản.
Sự thật, biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang chết trong từng giây từng phút và đồng thời biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang sinh sôi nẩy nở mỗi ngày. Từ đó, bạn thấy rõ sống chết là chuyện bình thường đang xảy ra ngay trong cơ thể bạn. Sống chết lưu chuyển, trao đổi với nhau làm cho sự sống thêm linh động như ngày qua đêm, mưa rồi nắng, xuân tới hạ...
Bạn nhớ đừng sống hững hờ với những gì mầu nhiệm đang có mặt trong sự sống và đừng tự che mắt trước sự thật mong manh của mọi sự, mọi vật. Có cái thấy này, bao nhiêu việc khác trở nên không còn quan trọng nữa. Biết đói, bạn mới nếm được cái hạnh phúc khi được ăn no. Biết đau nhức, bạn mới cảm được cái hạnh phúc khi không còn đau nhức. Biết chết, bạn mới thấy được cái hạnh phúc khi được sống thật sự. Hãy sống vui tươi, hạnh phúc và yêu thương ngay đi bạn! Đừng đợi niềm vui, hạnh phúc ở ngày mai hoặc nơi nào khác vì nó có thể muộn màng.
Bạn thử tập nhìn sự sống của bạn có ở trong thân tứ đại, đồng thời nó cũng có mặt ngoài thân tứ đại. Hãy tập làm quen rằng: Thân này là mảnh vườn, máu này là dòng sông, hơi thở này là không khí, nhiệt lượng này là ánh nắng buổi sớm, trái tim này là mặt trời... Mỗi giây mỗi phút, sự sống bạn liên tục gắn liền, đổi trao mật thiết với nhiều yếu tố khác trong sự sống. Uống nước, bạn là mạch nước từ lòng đất sâu, bạn là con suối nhỏ, bạn là đám mây bay... Ăn cơm, bạn là cánh đồng lúa vàng đang hát vi vu trong cơn gió. Thở không khí, bạn trở thành không gian bao la... Nghe dòng sông vỗ vào bờ, bạn nghe được tiếng gọi từ bản thể uyên nguyên của chính mình. Thấy ruộng vườn, núi sông, bạn thấy được tấm thân mênh mông của bạn...Bạn là tất cả vũ trụ bao la. Nhìn đâu, bạn cũng thấy được mặt mũi chân hình.
Bạn hãy tập chết để biết trân quý sự sống và sống sâu sắc từng giây phút hàng ngày. Chết như thay chiếc áo nên bạn tập sống yêu thương mỗi ngày. Sự sống tuyệt vời như vậy đó! Sao bạn cứ mãi nhốt tâm hồn trong ngục tù cô đơn, buồn tủi, giận hờn. Hãy trả về thiên nhiên những dòng suối yêu thương. Hãy trả về quê hương tấm thân cát bụi này. Quê hương sẽ ôm ấp, chở che cho bạn. Bạn sẽ ngủ yên trong lòng đất. Tâm hồn bạn sẽ đi về nơi quê xưa chốn cũ.