Ăn chay để thương vật
Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh, suốt đời Ngài khi giáo huấn, chia sẻ cho mọi người, từ người xuất gia cho đến cư sĩ tại gia, từ người già cho đến trẻ nhỏ, từ hàng trí thức cho đến người bình dân, thường chỉ nói một câu không khác: “Hãy cố gắng ăn chay, niệm Phật, thương người, thương vật”. Có nghĩa rằng chúng ta hãy dành tình yêu thương cho các loài vật giống như cho chính con người vậy vì người hay vật đều có sinh mệnh, đều cần và muốn được sống.
Thế nhưng không phải ai cũng thông suốt được những giáo lý của đạo Phật nên vẫn vô tình cướp đi sinh mạng của nhiều loài. Chẳng hạn như việc câu cá, đối với nhiều người đây chính là một trò tiêu khiển, giải trí...nhưng đối với những chú cá kia đó là cả một sinh mệnh.
Nếu quý vị nhìn thấy hình ảnh chú cá mất hết thân thể hay như hai chú cá đang mắc câu, cố giành giật lại sự sống kia, quý vị có nghĩ rằng nếu hoán đổi vị trí của mình, gia đình mình...với những chú cá thì liệu bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Và biết đâu trong một kiếp nào đó...kẻ thảm thương lại chính là mình...
Vạn vật trên đời vốn dĩ là bình đẳng
Bởi tâm chấp niệm mà luân hồi
Trước vì nghĩa hiếu sinh
Sau là tròn tâm đạo
Xin hãy dừng nghiệp sát
Oán hận được dứt trừ...
Con người chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống an bình, tươi đẹp, tất cả mọi người đều sống chan hòa với nhau, thế sao chúng ta không cùng nhau vun đắp cho những nhân thiện lành để có được quả thiện lành? Tập dần thói quen ăn chay là một trong những cách hữu hiệu để vun đắp cho nhân thiện lành.
Hãy ăn chay, nuôi dưỡng lòng từ bi
Ăn chay chính là nuôi dưỡng lòng từ bi với vạn vật xung quanh. Khi ăn chay, tâm tính ta sẽ điều hòa, cơ thể thanh sạch. Khi tiếp nhận những dưỡng chất thích hợp, cụ thể là những món chay, nhất định chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn người ăn thịt.
Ăn chay là ta không ăn thịt những loài động vật, nghĩa là chúng ta đã đang đoạn dần sợi dây oán thù bấy lâu nay. Mỗi người chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí các con vật bị sát hại sẽ hiểu sao không oán hận cho được khi sinh mạng mình bị giết chỉ để thỏa mãn vị giác con người trong một bữa ăn.
Trong kinh Lăng già, Phật nói “người ăn thịt mắc vô lượng tội”; kinh Lăng nghiêm, Phật dạy “người đời này ăn thịt, đời sau phải đem thân mạng đền trả”. Đến lúc đó, ta chết thì đã đành nhưng rồi còn lại những đứa con ta, gia đình chia ly phân tán, và rồi các con ta trong tương lai cũng chung số phận như ta. Họ xem ta chỉ là những lát thịt thơm lừng trong những tô phở, những vị thuốc đầy bổ dưỡng. Ta là ai, ta chỉ là những con bò, con heo, con gà hay chỉ là những con cá bé xíu, sinh ra chỉ muốn được thỏa mình trong dòng nước mát, những chú chim sẻ khao khát bay lượn dưới bầu trời xanh trong. Ta cũng có cha, có mẹ, cũng có mạng sống, quyền tự do tồn tại trên thế giới này.
Chúng ta nên nghĩ rằng chúng sanh là cha mẹ của ta vì vậy hãy nên yêu thương chúng như cha mẹ chúng ta.
Minh Châu