Trong nhà của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc luôn luôn có năm trăm Tỷ-kheo được cấp dưỡng. Ngôi nhà thường vẫn giống như là một chỗ nghỉ ngơi dành cho chúng Tỷ-kheo rực rỡ màu sắc của các y vàng và ngào ngạt hương thơm thánh thiện.
Một hôm vua tham dự một cuộc diễn hành quanh thành phố, trông thấy chúng Tỷ-kheo trong nhà của Trưởng giả liền tự nghĩ: “Ta sẽ cúng dường đều đặn cho hội chúng Thánh nhân này”. Vua đến Tinh xá và sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, liền đặt vấn đề cúng dường thường trực cho năm trăm Tỷ-kheo. Từ đó trong cung vua luôn luôn có cuộc bố thí, thức ăn hảo hạng, cơm gạo thơm tho, nhưng lại chẳng có ai tự tay trao tặng vật với vẻ trìu mến thương yêu. Các vị quan cứ việc phân phát thức ăn và các Tỷ-kheo cũng chẳng muốn ngồi đó để ăn, mà lại lấy các thức ăn ngon đủ loại rồi mỗi vị đến từng nhà thủ hộ riêng của mình, cho họ các thức ăn ấy và ăn các thức ăn do chủ nhà dọn cho, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Một hôm người ta mang đến dâng cho vua nhiều trái cây rừng. Vua bảo:
– Hãy mang cho hội chúng các Tỷ-kheo.
Họ mang trái đến phạn đường và trở về tâu vua:
– Không có một Tỷ-kheo nào ở đó.
– Sao? Chưa đúng giờ thọ thực ư? Vua hỏi.
– Tâu, đúng giờ đấy ạ, – họ đáp – nhưng các Tỷ-kheo lấy thức ăn ở đây rồi mang đến nhà các thị giả trung tín của các vị, và cho họ thức ăn, còn chính các vị ấy dùng bất cứ thức ăn gì được dọn ra, không kể đạm bạc hay cao sang gì cả.
Vua bảo:
– Thức ăn của ta thì cao sang. Thế mà tại sao trên đời này có người nhận lấy thức ăn từ chúng ta để rồi ăn thức khác?
Ròi vua tự nghĩ: “Ta sẽ hỏi bậc Ðạo Sư”.
Rồi vua đến Tinh xá và hỏi Ngài.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thức ăn tốt nhất là thức ăn được cho với tình yêu thương. Vì thiếu những người tạo mối thân tình bằng cách bố thí với niềm yêu thương nên các Tỷ-kheo đã lấy thức ăn ở đó và mang đến ăn tại các nhà thân hữu của họ. Tâu Ðại vương, không có vị ngọt nào bằng vị ngọt của tình thương. Thứ gì được cho mà không tình thương thì dù nó gồm bốn thứ ngon ngọt cũng không xứng bằng gạo rừng được cho với tình thương. Các giá trị ngày xưa, khi họ bị bệnh dù vua cùng với năm gia đình ngự y chữa trị thuốc men, nếu bệnh vẫn không giảm, thì họ đến với các bằng hữu thân tình. Rồi nhờ ăn cháo gạo rừng và hạt cỏ không có muối, và ngay cả rau cũng không muối, chỉ đổ nước vào thôi, thế mà họ được lành bệnh.
Nói xong, do yêu cầu của mọi người, bậc Ðạo Sư kể một câu chuyện ngày xưa.
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kàsi, người ta gọi ngài là Nam tử Kappa. Khi lớn lên, ngài hoàn tất mọi học nghệ tại Takkasilà và sau đó sống đời tu hành.
Bấy giờ có một nhà tu khổ hạnh tên là Kesava được năm trăm nhà tu hành khác theo hầu, rồi trở thành sư trưởng của một đám môn đệ và trú trong dãy Tuyết Sơn. Bồ-tát đến với ông rồi trở nên môn trưởng của năm trăm đồ đệ, trú tại đó và tỏ ra trìu mến thương yêu Kesava. Sau đó hai người trở nên đôi tri kỷ.
Chẳng bao lâu, Kesava cùng với các nhà tu hành ấy đến Ba-la-nại để kiếm muối, giấm và trú trong vườn cây của vua. Hôm sau họ vào thành và đến cổng cung vua. Vua trông thấy đoàn tu sĩ liền mời họ dùng bữa tại cung vua, hứa hẹn với họ, cho họ ở trong vườn cây của vua. Thế rồi khi mùa mưa chấm dứt, Kesava từ giã nhà vua. Vua bảo:
– Thưa Trưởng lão, ngài đã già rồi, ngài nên ở gần chúng tôi và để các tu sĩ trẻ kia về Tuyết Sơn.
Kesava chấp thuận bảo đoàn tu sĩ cùng người trưởng môn về Tuyết Sơn và trú ở đó với các tu sĩ kia. Kesava đau khổ vì bị tách khỏi hội chúng của Kappa, ông cứ mong mỏi gặp Kappa nên không ngủ được. Vì mất ngủ, ông ăn không tiêu, ông bị chứng đi tiêu ra máu đau đớn vô cùng. Nhà vua cùng năm gia đình ngự y săn sóc vị ẩn sĩ, nhưng bệnh của ông không bớt được. Vị ẩn sĩ hỏi vua:
– Tâu Ðại vương, ngài muốn tôi chết đi hay lành bệnh?
Vua đáp:
– Thưa, tôi muốn ngài được lành bệnh.
– Thế thì hãy cho tôi về dãy Tuyết Sơn. Ông nói.
– Vâng, vua đáp.
Rồi vua sai một đại thần tên gọi Nàrada, bảo ông ta đi cùng với một số thợ rừng đưa vị tu sĩ ấy về Tuyết Sơn. Nàradađưa Kesava đến đó rồi quay về. Kesava chỉ mới trông thấy Kappa, tâm bệnh của ông liền dứt và nỗi khổ đau lắng xuống ngay. Thế rồi Kappa dâng cho ông cháo nấu bằng hạt cỏ và gạo rừng trộn chung với rau rồi đổ nước vào. Không muối, không gia vị, ngay lúc dùng thứ ấy, bệnh kiết lỵ của ông thuyên giảm liền.
Vua lại gọi Nàrada đến và bảo:
– Hãy đi hỏi thăm tin tức của ẩn sĩ Kesava.
Nàrada đến nơi, thấy Kesava đã lành bệnh liền bảo:
– Thưa Trưởng lão, đức vua Ba-la-nại cùng với năm gia đình ngự y chữa trị ngài mà vẫn không thể chữa lành bệnh của ngài. Kappa đã chữa trị ngài như thế nào vậy? Rồi ông đọc bài kệ đầu:
Ngài vừa sống cùng hàng vương giả
Lều Kap-pa có gì hay
Mọi thứ đây, tràn trề yêu mến,
Lời Kap-pa, hỷ lạc đầy
Quen gạo tinh nấu pha với thịt,
Làm sao hạt cỏ, gạo hoang,
Thức ăn có thể là ngon, dở,
Nhưng ăn đầy đủ thương yêu,
Thương yêu, nước chấm tuyệt chiêu được tìm.
Nàrada nghe thế liền quay về kể cho vua nghe:
– Kesava nói như thế, như thế…
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận Tiền thân:
– Bấy giờ, vua là Ànanda, Nàrada là Sàriputta, Kesava là Bakabrahmà, và Kappa chính là Ta vậy.
Kinh Bổn Sanh (Chuyện Tiền Thân Đức Phật) Jàtaka Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch
Các tin tức khác
- Triết lý vô thường gói gọn trong cánh hoa Anh Đào (20/01/2021 7:50)
- Hãy Nghĩ Rằng Mọi Thứ Đều Có Thể Buông Bỏ Được (20/01/2021 7:46)
- Danh ngôn lời vàng Phật dạy về 4 hạng người (19/01/2021 8:19)
- Đa phần người giàu thường khó tu (19/01/2021 8:03)
- Năng lượng từ tâm (19/01/2021 8:00)
- ‘Con vào dạ mạ đi tu’ dưới cái nhìn của bác sĩ (18/01/2021 8:05)
- Ai là người giàu có và hạnh phúc nhất trên đời? (18/01/2021 8:01)
- NSND Lệ Thủy, ca sĩ Dương Đình Trí & tâm Từ lan tỏa... (18/01/2021 7:59)
- Hãy ăn chay vì sự sống của muôn loài (17/01/2021 8:01)
- Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (17/01/2021 7:59)