Tách trà

1/02/2021 6:15
Nan-in, một thiền sư thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến để hỏi về Thiền.

Nan-in rót trà. Thiền sư rót đầy tách của giáo sư, và cứ tiếp tục rót.

Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Tràn ra ngoài rồi, không thêm được nữa!”

“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông nếu ông không đổ sạch tách của ông trước?”

Bình:
* Câu chuyện này không nhất thiết chỉ đúng cho học Thiền. Muốn tìm hiểu bất kỳ điều gì ờ đời–một tôn giáo, một người, một nhóm người, một nền văn hóa, một dân tộc, một lịch sử, một vụ kiện, v.v… chúng ta phải đổ sạch tách thành kiến, giả định, phỏng đoán và kết luận trong đầu–một cái tách trống rỗng, một tờ giấy trắng tinh–thì chúng ta mới có thể học hỏi được.

Bạn đang bắt đầu vào cuộc hành trình qua 101 Truyện Thiền để tìm hiểu Thiền là gì. Đây là truyện đầu tiên. Bạn cần đổ sạch tách của bạn, để bước vào và đi qua cuộc hành trình này.

Bạn đã nghe, đọc, biết và hiểu gì về Thiền trước kia? Xin bạn đổ sạch. Để tâm và trí trống rỗng cho cuộc hành trình.

Tâm rỗng lặng, nhớ nhé.

* Và đây là tinh yếu: Tâm rỗng lặng là tâm thiền.

Khi tâm bạn rỗng lặng hoàn toàn, không hề có một thành kiến, giả định, phỏng đoán và kết luận nào, thì đó chính là Thiền. Bạn đã đạt được Thiền.

Bài học đầu tiên cũng là bài học cuối cùng. Phương tiện (giữ tâm rỗng lặng để học) cũng là mục đích (đạt được tâm rỗng lặng).



Các tin tức khác

Back to top