Học Phật pháp để vượt khổ đau

18/02/2021 6:10

Học Phật đúng nghĩa là phải ứng dụng, hành trì. Về phương diện này, phần lớn Phật tử tại các nước tự xưng là Đại thừa, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên ít đạt được, vì bị ảnh hưởng quá mạnh của Phật giáo Trung Quốc. Những người mới bắt đầu xuất gia nghĩ rằng mình tu để được giải thoát, và việc giải thoát đó dễ như cho thìa cơm vào miệng, nhai một chút rồi nuốt là xong. Đồng thời, rất nhiều Phật tử ngộ nhận rằng người sống tại gia, có vợ có chồng, có tình yêu, có tính dục, có chấp trước, có nỗi khổ niềm đau vẫn có thể vãng sinh Tây phương. Từ đó họ thấy rằng tu dễ quá, giải thoát là chuyện có thể đạt được trong một kiếp người. Đó là mơ mộng, không có thật. Những người tu chân chính đôi lúc phải trải qua vài chục kiếp, vài trăm kiếp mới chứng đắc được sơ quả A la hán, nhập vào dòng thánh. Người tại gia còn dài lâu hơn. Trung Quốc có thói quen cường điệu “Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật”. Buông dao đồ tể giết người thì còn phải ngồi tù chung thân hoặc lĩnh án tử hình. Nhiều kiếp sau còn phải trả nghiệp ác. Làm sao thành Phật được? Cách khích lệ này tuy có mặt tích cực nhưng dễ khiến người ta ỷ lại, “tu nhất kiếp ngộ nhất thời”, không cần tinh tấn, thực hành miên mật, chỉ cần nỗ lực một hai ngày là ngộ đạo, là đắc đạo. Đó là cách nghĩ sai lầm về phương pháp tu. 

Trong một thúng gạo, sạn và thóc là thiểu số nhưng nếu không nhặt ra thì ăn cơm sẽ không ngon. Một sợi tóc nằm trên đầu là quá ít nhưng sợi tóc nằm trong tô canh hay chén cơm được xem là quá nhiều. Đối với các pháp môn do Trung Quốc sáng lập thì một bài kinh đến ba bài kinh là chuẩn, nhưng với đức Phật thì quá ít, ít đến độ không thể chấp nhận được. Chỉ khi nào chúng ta có nhu cầu thâm nhập kinh tạng thì trí tuệ mới như biển lớn. Người mới bắt đầu tu học phải học Phật đến nơi đến chốn. Đi theo đạo Phật pháp môn, dù là Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Pháp Hoa tông, Tam Luận tông, Duy Thức tông ta sẽ bị ngộ nhận rằng chỉ cần đọc hai, ba bài kinh là đủ, rồi có thể đi thẳng vào hành trì. Đó là một sai lầm lớn vì hiểu chưa thấu đáo. Hành trì như thế là thiếu kiến thức và không đưa tới kết quả. 

Kiến thức của 12 năm phổ thông là cơ sở căn bản. Thiếu đi vốn kiến thức này thì không thể có thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Để lập nghiệp được, ít nhất ta phải trải qua mười hai năm học phổ thông, bốn năm học cử nhân, tức là mười sáu năm. Muốn làm đạo, phải mất ít nhất từ mười đến hai mươi năm đào tạo trong các trường lớp Phật học. Rất nhiều pháp môn Trung Quốc đã bỏ qua việc này. Đi theo pháp môn quá dễ, chỉ có người đần độn lắm mới không hiểu được, chỉ cần bỏ ra ba ngày, mỗi ngày ba, bốn giờ đồng hồ là có thể nắm vững nội dung pháp môn vì chỉ có bai, ba bài kinh. Một pháp môn chỉ có nhiều nhất là mười bước thực tập.

“Thâm nhập kinh tạng” thì khác. Chúng ta phải học từng bước từ thấp đến cao. Không trải qua sơ cấp thì không thể nào có được kiến thức trung bình. Không trải qua trung cấp thì không có kiến thức để lên cao đẳng. Không qua cao đẳng thì không có kiến thức lên cử nhân và cứ như thế tiến xa.

Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên, Tây Tạng không phát triển bằng các nước Phật giáo Nam truyền vì trình độ tu sĩ quá thấp. Về phương diện này, ta phải học hỏi Công giáo. Để được là ứng cử viên tu sĩ của Công giáo, tín hữu đó phải có một bằng cử nhân. Vào trong Đại chủng viện, phải được đào tạo trung bình sáu năm, đậu cử nhân thần học mới được phân bổ về một giáo xứ làm phó tế của nhà thờ. Trung bình từ sáu tháng đến hai năm nếu đủ tiêu chuẩn về nhân cách và đạo đức thì mới được đề xuất để thụ phong linh mục. Như vậy, tuổi làm linh mục trung bình là 27 tuổi. Với sáu năm học trong Đại chủng viện như thế, các vị ứng cử viên linh mục nắm vững hết các bí tích quan trọng đối với một kiếp người. Trong khi đó, việc đào tạo các tu sĩ Phật giáo thì không nghiêm khắc và lâu dài như vậy. Một Phật tử bình thường sau trung bình năm năm tu là có thể trở thành một ông thầy tu, làm đại đức, làm sư cô mà đôi khi không cần trải qua trường lớp Phật học nào cả. Với một vốn kiến thức thấp như thế, các tu sĩ khi nhận làm trụ trì truyền bá mê tín dị đoan cho quần chúng, vì bản thân họ chưa được đào tạo đến nơi đến chốn. Nói việc này ra rất đau lòng, nhưng làm thinh thì cũng không thể được. 

Tu theo pháp môn thì quá dễ, chỉ có một, hai bài kinh thôi. Nghe giảng vài buổi là hết. Đạo Phật pháp môn có giảng năm mươi năm thì cũng có chừng đó vấn đề. Tịnh độ tông thì có Tín, Hạnh, Nguyện. Thiền Công án và Thoại đầu thì chỉ có Từ bỏ tìm hiểu biết, Từ bỏ tùy duyên biết, Đập vỡ thùng sơn đen, Kiến tánh thành Phật. Chỉ có mấy bước. Không có gì nhiều để học. Do vậy, kiến thức Phật pháp ở những người đi theo pháp môn kiểu Trung Quốc là rất thấp và rất cực đoan. Họ đả phá những người đi học, trong khi mình không có kiến thức vững mà nói tu thì tu gì? Giống như không có bản đồ mà cứ nhắm mắt đi thì có thể đi mãi, đi lòng vòng mà không đến đích,mất thời giờ và rủi ro cao hơn. 

Để có một vốn kiến thức Phật pháp chuẩn, phải học những bài kinh đức Phật dạy cho người tại gia từ thấp đến cao, bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan,đạo đức quan, xã hội quan, chính trị quan, tu tập quan, giải thoát quan. Nếu không nắm vững những bài kinh này thì hầu như ta không biết đức Phật dạy gì. Kinh A Di Đà không nói những điều đó. Bát Nhã Tâm Kinh, các bài kinh thần chú không nói về những điều đó, cho nên người tu theo pháp môn trở nên rất thiển cận. Tuy nhiên cũng phải tránh tình trạng học để lấy bằng cấp, tức chỉ đặt nặng bằng cấp mà không đặt ra mục đích ứng dụng đạo Phật vào trong đời sống thực tiễn để phụng sự nhân sinh. 

Dù sao đi nữa, những người học vẫn có tiến bộ hơn những người không học. Đức Phật sở dĩ làm đạo thành công là vì ngoài trí tuệ vô sư, khi còn là thái tử, Ngài đã học rộng hiểu nhiều. Sách sử mô tả rằng thái tử Tất Đạt Đa thông minh đến nỗi các thầy dạy đều cáo lui sau vài tuần lễ vì không còn gì để dạy nữa. Nhờ các dữ liệu thế học đó, bằng trí tuệ sau khi giác ngộ, đức Phật đã biến những hình ảnh rất bình thường như con bò, con trâu, cái cày, con rắn, chiếc bè thành chủ đề của những bài pháp có triết lý sâu sắc. Vì thấy rõ rằng phải có trí tuệ mới giải quyết được khổ đau, đức Phật đã tận tâm hoằng pháp suốt hơn bốn mươi năm, để lại cho chúng ta gần ba mươi ngàn bài kinh khác nhau. Vậy mà rất nhiều người không chịu học kinh mà cứ tự tin đi truyền bá đạo Phật. Hành nghề mà không học để lấy kiến thức là phạm pháp vì không đủ chuẩn. Ví dụ, một luật sư phải trải qua mấy năm học luật, cộng với thời gian thực tập từ một đến hai năm tại các văn phòng luật sư thì mới đủ tư cách để làm việc. 

Hy vọng rằng Giáo hội sẽ có những cải cách trong việc giáo dục, để tu sĩ phải được đào luyện tối thiểu thành cử nhân Phật học thì mới cho thọ giới tỳ kheo, tỳ kheo ni. Chỉ khi được học hành đàng hoàng thì tu sĩ mới đủ sức hướng dẫn Phật pháp cho người tại gia, tránh gieo rắc mê tín dị đoan và bóp méo đạo Phật. Giới trí thức trong tu sĩ Phật giáo quá ít, ít đến độ không đủ sức gánh vàc tất cả Phật sự. Vì thế các Phật tử giỏi, nhiều tài năng và đức hạnh nên phát nguyện đi tu để dùng kiến thức và đức hạnh của mình làm rạng danh đạo Phật.

Muốn như thế ta cần trải qua những trường lớp được huấn luyện bài bản. Lĩnh vực nào cũng phải trải qua huấn luyện, nhưng các pháp môn đạo Phật lại bỏ qua các giai đoạn đó. Đó là sai lầm về phương pháp luận. 

Bảy cách học vừa nêu nhằm giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách để có được hạnh phúc bây giờ và tại đây. Muốn sống hạnh phúc thì phải áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Việc tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền chỉ là những công cụ chuyển hóa thân, tâm chứ không phải là duy nhất. Chuyển hóa rốt ráo là phải thay đổi được nhận thức và hành vi.

Chỉ khi đó ta mới mong “lột xác phàm” và nhập vào dòng thánh. Nhiều người hiện nay nghĩ việc tu tập rất đơn giản, chỉ cần gõ mõ tụng kinh. Tu sĩ trong quan niệm của dân gian chỉ là một người chuyên làm đám ma cho người chết. Người ta không biết là ông thầy chùa có thể làm các công việc giáo dục, xã hội, từ thiện, dấn thân phụng sự, viết sách, dịch kinh, làm thơ, tổ chức sự kiện. Nói khác đi ông thầy tu chân chính dấn thân, phụng sự chúng sinh như chính đức Phật đã từng làm xưa kia. Còn làm thầy tu theo kiểu Trung Quốc thì chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, tức đi về tín ngưỡng, kết quả là không mang lại lợi lạc và không có cơ hội phụng sư nhân sinh. Từ đó giới trí thức, giới trẻ, giới chính trị, giới thương gia chán nản, quay lưng lại với đạo Phật. Các Phật tử cũng nên xem mình là cánh tay nối dài của đạo Phật bằng cách sửa đổi, chuyển hóa chính bản thân mình, sống hạnh phúc để làm gương cho người thân của mình. 

Trích sách "Nghệ thuật sống" 

Thượng tọa Thích Nhật Từ 


Các tin tức khác

Back to top