Sự sống là tiếng nói nội tâm của yêu thương và hiểu biết

12/03/2021 7:49
Ý niệm quán niệm tỉnh giác là hành trình sự sống bình yên, hạnh phúc bây giờ và tại đây. Ở đó, mọi người được lắng nghe tiếng nói chân thật của con người thật, của cái ta thật trong lòng mình. Đây chính là bản chất đích thực của con người. Tiếng nói đó ngày càng rõ, do sự tỉnh giác của chúng ta ngày càng có chiều sâu, nhờ dần dần dẹp yên tiếng gào thét dục vọng của cái ta giả, con người giả vốn từng thao túng và chi phối mình. Cần phải nhận thức, sinh là giả, bệnh tật là giả, già chết cũng là giả. Yêu thương và hiểu biết mới là tiếng nói của nội tâm, tiếng nói mà ai hiện hữu ở cõi đời này đều mong cầu. Ý thức về sinh – lão – bệnh – tử và cùng mọi người yêu thương mình sẻ chia để vượt qua chính là tiếng nói nội tâm đích thực trong lòng.

Thế Tôn năm 80 tuổi đã đối diện với bệnh tử. Ngài đã cất tiếng nói nội tâm bằng lời di huấn cho A Nan và chúng Tăng sau cùng. Với nội tâm của cõi lòng thanh tịnh hoàn toàn, Ngài cảm nhận một trạng thái thư thái và hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động tự do toàn thân, đem lại cho tự thân và chúng ta một sức mạnh, một sức sống mới.

Trần Thái Tông là là vị vua đầu tiên đời Trần từng ngồi một mình lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình mà quyết định trở thành thiền sư, truyền dạy kinh nghiệm tu hành qua tác phẩm Khóa hư lục “tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (lòng lặng mà biết, đó là Phật thật). Hóa ra, tiếng nói nội tâm chính là tiếng nói Phật tâm, xuất phát từ cõi lòng.

Còn thiền sư Kiều Trí Huyền lại mô tả tiếng nói nội tâm thật kì diệu và cụ thể:

“Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm

Cá trung mãn mục thị thiền tâm

Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh

Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm”.

(Trong viên ngọc phát ra âm thanh huyền bí, kỳ diệu,

Ở đó, khắp nơi là tâm thiền,

Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giác ngộ (Bồ đề),

Ấy thế mà lại đi tìm Bồ đề cách xa hàng vạn dặm).

Ngọc ở đây là nội tâm, âm thanh kì diệu, huyền bí là sự im lặng. Thiền tâm là tâm giác ngộ. Cảnh Bồ đề là cảnh giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát đều ở trong thế giới thực tại này cả, đâu cần đi tìm cách xa hàng vạn dặm?

Con người hiện đại dường như không có thời gian cho việc lắng nghe tiếng nói nội tâm và suy nghiệm đời sống chính mình. Xung quanh ta có quá nhiều tiếng nói, âm thanh, ngôn ngữ khác nhau buộc con người phải nghe, để giải trình quan điểm của mình về một đời sống đầy biến động và thay đổi qua tư duy khái niệm hữu ngã. Thật ra, ngôn ngữ và tư duy khái niệm được xem như là công cụ để trao đổi, nhưng vướng mắc, chấp nhặt chúng thì lại là hàng rào ngăn cách không cho chúng ta thực nghiệm nội tâm theo chiều sâu.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng nói: “Ai trói buộc mà đi tìm cầu giải thoát”, cũng thế, bệnh tử đâu có trói buộc mình mà khổ sở khóc than. Cần có thái độ sống thiện lành, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất say thì nguy cơ bệnh tật, tai hoạ giảm thiểu biết chừng nào. Sự sống chính là sự an trú vào tâm tĩnh lặng trong một thế giới bình an nội tại. Đây là giá trị đích thực của sự sống khi chúng ta thực thi lắng nghe tiếng nói nội tâm trong sự mưu cầu hạnh phúc, an lạc.

Tóm lại, trên đây là giá trị đích thực của sự sống đã được Đức Phật Thích Ca và các bậc Thiền sư và cả những con người đã tu tập minh chứng, giải trình khi họ đối diện vấn đề sinh – lão – bệnh – tử. 


Các tin tức khác

Back to top